Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Thinh lặng trong Kinh Thánh

Sự thinh lặng của con người trong Kinh thánh

Từ ban đầu, sự thinh lặng của con người rất ít được nhắc đến trong Kinh thánh. Thỉnh thoảng ta có thể gặp nơi Abraham, sự thinh lặng của người tôi tớ muốn lắng nghe (St  24,21), sự thinh lặng vì đau đớn của Giacóp khi hay tin con gái mình bị hãm hiếp (St 34,35) hoặc sự thinh lặng vì kiệt sức của những con người bị bất hạnh vùi dập: “Họ ngồi thinh lặng ngay trên thềm đất, đầu rắc đầy tro bụi, mình mặc áo vải thô” (Ac 2,10).



Trái lại văn chương khôn ngoan đã nhiều lần nhắc đến thinh lặng. Những hiền nhân trong Cựu Ước thường triển khai chủ đề thinh lặng này, và đôi khi xem đó là một phản xạ của một sự thận trọng có tính toán hoặc đơn thuần là một thái độ lịch sự trong xã giao. “Hãy nói cho gọn, ít lời, nhiều ý; làm như kẻ vừa quán triệt vấn đề, vừa biết nín thinh. Giữa hàng quyền chức, con đừng làm như kẻ bằng vai; và khi người khác nói, con chớ bô bô cái miệng” (Hc 32,8-9).

Nhưng nhất là các hiền nhân trong Kinh Thánh dường như có một nỗi nghi ngờ tự bản năng đối với lời nói: “Người năng nói năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn.” (Cn 10, 19); “Quân vô đạo dùng miệng lưỡi làm hại tha nhân; đứa ngồi lê đôi mách sẽ tiết lộ điều bí mật, còn người tín cẩn giữ kín chuyện riêng tư.” (Cn 11, 9.13); “Người chính trực ghét lời dối trá lọc lừa, kẻ gian ác làm điều xấu xa ô nhục.” (Cn 13,5): “Càng lắm lời, càng nhiều chuyện hão” (Gv 6,11)...

Ai nói quá nhiều khó lòng tránh được hời hợt, hay thiên về việc nói xấu hay vu cáo. “Giữ mồm giữ miệng là bảo toàn mạng sống, khua môi múa mép ắt sẽ thiệt thân” (Cn 13,3); “người không biết giữ miệng ví như một thành bỏ ngỏ, không tường lũy chở che” (Cn 25, 28).

Nghi ngờ đối với lời nói không đúng nơi đúng lúc: “Có lời mắng không đúng lúc, có kẻ thinh lặng mà lại biết điều. Có kẻ thinh lặng mà được kể là khôn ngoan, còn kẻ ba hoa thì đáng ghét. Có kẻ thinh lặng vì chẳng biết nói chi, có kẻ thinh lặng để chờ thời. Người khôn ngoan biết thinh lặng chờ dịp tốt, còn kẻ bép xép, dại khờ lại bỏ lỡ cơ may” (Hc 20, 1. 5-7)...

Việc nói quá nhiều những lời xấu xa chẳng những làm ô danh người khác và còn làm hoen ố tâm hồn mình. Những tác hại của lời vu cáo, của việc không làm chủ miệng lưỡi mình, minh họa trong câu chuyện ngụ ngôn miền Bretagne sau đây:

“Một phụ nữ nọ đã xưng thú rằng mình nói những điều không phải đối với láng giềng, cha xứ bảo bà làm việc đền tội bằng cách đem một con ngỗng lên đỉnh đồi mà nhổ lông trong một ngày lộng gió. Bà đã thi hành. Như khi bà đến báo cáo việc làm của mình, cha xứ yêu cầu là bà đi thu nhặt lại mọi chiếc lông ngỗng kia!

- Thưa cha, con đâu thể nào làm được, vì bây giờ chúng đã bay khắp nơi, và có nhiều lông bay ra khỏi làng ta rồi!

- Con à, vị cha xứ nói, những lời nói xấu và vu cáo cũng như thế đấy, con không sẽ chẳng bao giờ thu lại được!”

Thinh lặng cũng có thể biểu hiện cho một tâm hồn cao thượng và đại lượng đối với những yếu đuối của tha nhân: “Kẻ thiếu lương tri mới khinh khi người khác, người giàu hiểu biết thì ngậm miệng làm thinh”. (Cn 11,12). Chính lòng nhân hậu, tình thương, sự tôn trọng kẻ khác mới giữ chúng ta khỏi rêu rao, loan truyền một chuyện ô nhục, một kỷ niệm đau lòng nào đó, hầu không thêm gánh nặng cho người đã bị tổn thương. Thái độ lịch sự và tế nhị thường đi đôi với thinh lặng.

Và trước sự đớn đau hay trước nỗi khổ của một bạn hữu hay một anh em, thì tốt hơn là nên thinh lặng, như Gióp đã nói với những người đến thăm ông và nói huyên thiên để an ủi ông: “Phải chi các anh biết nín lặng! Như thế các anh mới là người khôn ngoan” (G 13, 5).

Thật khó mà không đáp lại một lời chửi rủa bằng một lời chửi rủa, một tiếng la hét bằng cách nói lớn tiếng. Cần phải có một sức mạnh tâm hồn để đôi khi biết thinh lặng trong một cuộc cãi vã mà cảm xúc vượt qua lý trí. Lòng kiêu ngạo bị tổn thương thì tự nhiên tìm cách nói tiếng nói cuối cùng. Không dễ gì im lặng khi ta tin chắc rằng mình đang có lý.

Nhất là rất khó im lặng khi người vô liêm sĩ hay độc ác có vẻ thắng thế: “Tôi đã nói: ‘mình phải giữ gìn trong nếp sống, để khi ăn nói khỏi lỗi lầm; tôi quyết sẽ ngậm tăm, bao lâu người gian ác còn đối mặt’. Tôi câm lặng làm thinh chẳng hé môi, màkhông ích lợi gì, nên cơn đau lại càng nhức nhối. Nghe trong mình nung nấu tự tâm can, càng nghĩ ngợi, lửa càng bừng cháy, miệng lưỡi tôi phải thốt nên lời” (Tv 38, 2-4).

Hẳn là không lành mạnh nếu để cho người khác chà đạp mình. Biết tự vệ đôi khi là một vấn đề phẩm giá và công bình. Nhưng sức mạnh của một người thinh lặng, ấy là không để sa mình vào một cơn giận giữ không kềm chế và biết phân định cơ hội để đáp trả.

Chúng ta chẳng thường hối hận vì mình dễ dàng để cho những phản ứng tức thì lôi cuốn chúng ta đi mà không kịp cân nhắc lời nói sao? Đôi khi, sự thinh lặng lại hùng biện hơn. Ta có thể cho rằng lời nói, trong thời điểm ấy, sẽ không làm gia tăng tình yêu và chân lý, vì người anh em mình không ở trong trạng huống cần thiết để lắng nghe.

Sau cùng, đối với các hiền nhân trong Kinh Thánh, sự khôn ngoan thần túy nhân loại này cũng đã là một ân sủng của Thiên Chúa, Đấng giúp chúng ta phân định lúc nào nên nói và lúc nào nên im. “Lạy Chúa, xin canh giữ miệng lưỡi con và trông chừng môi miệng con” (Tv 140,3).

Làm chủ miệng lưỡi như thuỷ thủ cầm lái điều khiển con thuyền

Cũng có sự thinh lặng của người có đức tin, họ thinh lặng trước bí mật trần gian hay trước hành động của Thiên Chúa vượt quá sự hiểu biết của mình: “Thời buổi này, ai khôn ngoan thì làm thinh, vì đây là một thời khốn quẫn” (Am 5,11). Đấy là sự thinh lặng của Gióp; sau khi đã nói nhiều lời vô ích, ông công nhận: “Con đã nói năng thiếu suy nghĩ, con biết trả lời làm sao? Con sẽ đưa tay lên che miệng...” (G 40,4), hoặc sự thinh lặng của người công chính; qua gian truân thử thách của dân mình, ông vẫn hy vọng vào chiến thắng cuối cùng của Đấng Tác Sinh và Người Chủ của vận mệnh con người: “Đức Chúa xử tốt với ai tin cậy Người, với ai hết lòng tìm kiếm Chúa. Biết thinh lặng chờ đợi ơn cứu độ của Đức Chúa... hãy cứ ngồi im lặng một mình” (Ac 3,25tt).

Sự thinh lặng của kẻ tin trong Kinh Thánh không phải là một sự cam chịu đầu hàng và cũng không phải là tuyệt vọng, nhưng mặc cho thử thách, đấy là một sự tin tưởng nhẫn nại vào tình yêu và sự thành tín của Chúa.

Trong Tân Ước, ta không hề tìm ra bản phân tích về những ơn ích và những hàm hồ của sự thinh lặng. Nhưng chúng ta có thể tìm thấy đoạn dài sau đây trong thư thánh Giacôbê, như một âm vang của suy tư theo chiều hướng các sách Khôn Ngoan:

“Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão. Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân. Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao! Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa...

Mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người. Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em , như vậy thì không được. Chẳng lẽ một mạch nước lại có thể phun ra, từ một nguồn, cả nước ngọt lẫn nước chua sao? Thưa anh em, làm sao cây vả lại có thể sinh ra trái ô-liu, hoặc cây nho sinh trái vả? Nước mặn cũng không thể sinh ra nước ngọt”(Gc 1,26 ; 3,2-12).

Ngôn ngữ là một trong những điều cao cả của con người, tuyệt tác của công trình sáng tạo. Lời nói chúng ta, khi phục vụ cho điều lành hay điều dữ, đều mang theo hương thơm hay mùi hôi thối của nguồn nước bên trong, nơi nó xuất phát đó là cõi cõi lòng của chúng ta!

Những con người thinh lặng

Georges Bernanos viết trong tác phẩm Sous le soleil de Satan (Dưới mặt trời của Satan) như sau: “Thánh nhân được chín mùi trong thinh lặng”.

Thật sự Thiên Chúa luôn có một đường lối sư phạm. Người luôn khởi sự bằng cách đưa vào ‘sa mạc’ những ai mà Người muốn trao phó một sứ mạng khó khăn hầu phục vụ dân Người: Môsê vào sa mạc Madian, Gioan Tẩy giả vào sa mạc Giuđê, thánh Phaolô vào sa mạc Xyria, thánh Biển Đức vào nơi hoang vắng trên núi Subiaco, thánh I-nhã Loyôla vào Marêsa, thánh Phanxicô Assisi trong các hang của đồng bằng Assisi.

Đây là thời điểm của sự thật mà con người ý thức về sự nghèo hèn của mình và mở lòng đối với ân huệ của Thiên Chúa. Thời điểm để cắm rễ cho đức tin. Thời điểm phải thực hiện sự đoạn tuyệt cần thiết để đón nhận một tự do mới và chuẩn bị sống một đời sống hiệp thông mới với mọi người. Tất cả các vị chứng nhân vĩ đại ấy, những người đã đánh dấu lịch sử Cứu Độ, sẽ vẫn mãi là những người yêu mến sự thinh lặng, dù nhiều khi họ sống một nếp sống thật năng động.

Làm sao có thể tự xưng là chứng nhân của Đức Kitô nếu ta không sống đời thinh lặng theo gương các thánh trên đây, diễn tiến theo nhịp điệu: thờ lạy Chúa Cha và phục vụ con người! Ai không thích thinh lặng, người ấy có nguy cơ trở nên một con két nói chuyện tôn giáo, một viên chức quản lý việc thánh, chứ không phải là một cộng tác viên của Thiên Chúa.

 Tác giả thánh vịnh ca lên: “Lạy Chúa, đối với Người, ngay cả thinh lặng cũng là lời ngợi khen” (Tv 64).  Vì thế, từ những vị ẩn sĩ đầu tiên đến các nam nữ đan sĩ ngày nay, hàng trăm ngàn người nam nữ đã biểu lộ sự yêu chuộng của mình đối với sự cô tịch, không phải vì bản thân sự cô tịch mà vì muốn kiếm tìm Thiên Chúa tại nơi ấy. Một cách biểu trưng, thánh Becnađô xem đấy là một phép thanh tẩy lần thứ hai: “Người đan sĩ này đã được chôn lại với Đức Kitô nhờ phép thanh  tẩy trong sa mạc” (Thư 250 cho viện phụ ở Portes).

Họ đặc biệt được cuốn hút bởi một câu phỏng theo ngôn sứ Hôsê mà ta thường thấy được ghi ở cổng vào tu viện họ: “Này ta sẽ khuyến dụ con, đưa con vào sa mạc và nói khó với lòng con!” (x. Hs 2,16). Họ luôn xem nơi vắng vẻ là nơi cần thiết để có được một tình thân mật với Thiên Chúa, để mở lòng ra với Người.

Charles de Foucauld  cho rằng: “Cần phải thông qua sa mạc và ở lại đó để nhận được ân sủng của Thiên Chúa... Sa mạc này đối với tôi thật là êm ái dịu dàng: thật là êm ái và lành mạnh khi cảm nhận được sự cô tịch, đối diện với những điều vĩnh cửu! Ta cảm thấy chân lý tràn ngập bản thân mình. Vì thế, tôi cảm thấy rất khổ tâm khi phải đi đây đó, phải lìa xa sự cô tịch và thinh lặng này.” (Sách thiêng liêng).

Tương quan giữa cô tịch và thinh lặng ăn sâu vào truyền thống mấy nghìn năm của đời sống đạo trong mọi tôn giáo. Nhưng, như chúng ta đã thấy, sự cô tịch không phải là điều đương nhiên.Như Bernanos đã viết: ‘Hỏa ngục cũng có nội cấm’ (Sous le soleil de Satan). Các giáo phụ trong sa mạc đã nói lên đầy đủ về cuộc chiến và thử thách của các ngài để chúng ta biết rằng một thời gian dài cư ngụ trong cô tịch không phải là cuộc ‘sống nhàn’ êm ái.

Sự cô tịch cũng có thể có những ảnh hưởng nguy hại đối với một số người, những người nóng nảy hay đa cảm, trên bình diện quân bình nhân bản cũng như trên bình diện thiêng liêng. Ta không thể đột nhiên đi từ một nếp sống hoạt động sang sa mạc, xa cách mọi cuộc dấn thân trực tiếp, mà đồng thời không cảm thấy một sự nghèo nàn khô cằn, mà không rơi vào một thế giới tưởng tượng hàm hồ và chạy theo tiến trình cổ điển của những luật bù trừ khác nhau.

Sự cô tịch không phải là nơi hẹn lý tưởng cho mọi người vào mọi lúc. Điều hiển nhiên đầu tiên, ấy là người nào mong sống cô tịch để tự tìm kiếm chính mình hay để lập một kỷ lục, người ấy sẽ không thể ở lâu ngày trong cô đơn.

Nhà Thiên Chúa có nhiều chỗ ở, và có nhiều con đường dẫn về nhà ấy. Như thế, nếp sống cô tịch dài ngày không phải là con đường duy nhất để gặp gỡ Thiên Chúa. Trái lại, không ai có thể bỏ đi hoàn toàn cái thời gian định kỳ dành cho thinh lặng và cô tịch.

Có nhiều hình thức cô tịch. Và Chúa ban cho mỗi người hình thức thinh lặng thích hợp với mình. Trong cuộc đời mình, có những giai đoạn thuận lợi và cần thiết hơn những giai đoạn khác. Thời gian và chu kỳ tùy thuộc vào sự phân định nhân bản và thiêng liêng, và sự phân định ấy cần phải được thực hiện với sự đồng hành của một vị linh hướng kinh nghiệm.

Những ân sủng và lời gọi của Thiên Chúa thật đa dạng. Không phải ai cũng được kêu gọi làm nhà ẩn tu trong sa mạc hoặc đan sĩ Xitô hay đan sĩ Brunô. Cuối cùng, như đã nói trên, mọi ơn gọi, dù là ơn gọi sống cô tịch nhất, đều gắn liền với một sứ mạng. Từ thuở Abraham, tiếng gọi của vị Thiên Chúa Giao Ước, khi được trở thành người, luôn hướng về sự cứu độ và tương lai của dân Chúa. Chẳng hạn, cha Voillaume đã nói như sau về cha Foucauld: “Ơn gọi của cha (Foucauld) là một ơn gọi hiện diện giữa các dân tộc, một sự hiện diện làm chứng cho tình yêu Chúa Kitô” (Au Coeur des Masses).

Nghịch lý này chỉ là lớp vỏ bên ngoài, vì kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng chúng ta có thể rất hiện diện bằng tư tưởng và bằng tấm lòng đối với những người ở thật xa, và lại rất vắng mặt đối với chị em giữa cộng đoàn. Ta không thể lẫn lộn sự gần gũi và sự hiện diện. Không phải chỉ cần ở gần những người láng giềng là hiện diện đối với họ. Thánh Têrêxa thành Lisieux đã chẳng phải từng được phong làm bổn mạng các xứ truyền giáo đó sao? Trong khi thánh nữ chưa bao giờ rời Nhà Kín, nơi mà thánh nữ đã nói: “Tôi sẽ là tình yêu, do đó tôi sẽ là tất cả.”

Chính phẩm chất tình yêu đốt cháy lòng ta mới làm cho sự cô tịch hay sự gần gũi biến thành sự hiện diện đích thực. Con đường tốt nhất là con đường mà Thiên Chúa muốn chúng ta đi, con đường mà hoàn cảnh chúng ta chỉ định, mà tính khí chúng ta đòi buộc, và tóm lại, con đường mà chúng ta có thể mến Chúa yêu Người nhiều hơn.

Thinh lặng và lời nói

“Thinh lặng không gì khác hơn là lời nói nội tâm” (L. Lavelle, La parole intérieure). Ở bình diện thứ nhất, thinh lặng mở lòng để chúng ta nghe tiếng nói của ý thức mình. Thật vậy, đối với con người, một tư tưởng có giá trị gì đâu nếu không có từ ngữ để diễn đạt?  Cũng vậy, thinh lặng mà thiếu lời nội tâm, chẳng phải chỉ là sự trống rỗng của vô thức sao? Ở bình diện thứ hai, thinh lặng mở lòng để chúng ta nghe Tiếng Chúa chạm đến ‘lòng’ mình qua lời của Chúa Kitô và sự linh hứng của Thần Khí.
Như vậy, thinh lặng không phải là vắng bóng hay khước từ lời nói, nhưng trái lại, đấy là đón nhận lời nói nội tâm, nơi xuất phát của mọi lời bên ngoài. “Các tâm hồn chìm xuống trong thinh lặng, như vàng và bạc chìm xuống trong nước tinh khiết, và những lời chúng ta nói chỉ có ý nghĩa nhờ sự im lặng nơi nó tắm mình” (Maeterlinck, Le trésor des Humbles).

Nếu lời nói không được bao phủ, xen kẽ bằng thinh lặng, nó sẽ trở nên một loạt ngôn từ và âm nhạc sẽ trở thành những âm thanh chói tai! Thiếu thinh lặng đi trước và theo sau, lời nói con người và âm nhạc chỉ còn là một chuổi những âm thanh liên tục khiến không ai chịu nổi! Thinh lặng đem lại cho mỗi ngôn từ và mỗi nốt nhạc sức nặng và màu sắc đặc trưng. (đám cưới, lễ ồn quá).

Như thế, chẳng phải là tình cờ mà, trong truyền thống Kinh Thánh, thinh lặng đi trước hoặc nối dài Lời, làm rõ nghĩa cho cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Những cảnh ‘Thần Hiển’ hay ‘Thiên Chúa tỏ mình’ thường được bao phủ bằng một sự thinh lặng cung kính bao la. “Còn Đức Chúa, Người ngự trong thánh điện, toàn thể trái đất, hãy thinh lặng trước nhan Người!” (Kb 2,16). Và lời loan báo về một lần can thiệp của Người, vì lợi ích của dân Người, thường đi đôi với một lời mời gọi phải chờ đợi trong thinh lặng:

Hãy thinh lặng trước Tôn Nhan Thiên Chúa, vì Ngày của Chúa đã đến gần” (Xp 1,7). “Hỡi các đảo, hãy thinh lặng nghe tôi, Mong các dân được thêm sức mạnh, Tiến lại gần và lên tiếng nói!” (Is 40,1). “Hỡi mọi xác phàm, hãy thinh lặng trước nhan Đức Chúa! Bởi vì Người tỉnh giấc và ra khỏi Nơi Thánh của Người” (Dcr 2, 17). “Khi Con Chiên mở ấn thứ bảy, thì cả trời yên lặng chừng nửa giờ...” (Kh 8,1).

Như thánh Gioan đã viết trong lời tựa tuyệt vời của ngài, “Lúc khởi đầu... Ngôi Lời là Thiên Chúa” và Ngôi Lời ấy như được bao phủ trong một sự viên mãn lặng thinh. “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, Lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu” (Kn 18, 14-15).

Về vấn đề Đức Kitô nhập thể, thánh Phaolô nói rằng đấy là Lời mặc khải, là ‘một mầu nhiệm vốn được giữ thinh lặng từ ngàn xưa, nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh’ (Rm 16, 25).

Thinh lặng đi trước và theo sau Lời Mặc Khải. Xưa kia cũng như ngày nay, Lời chỉ có thể ‘sinh ra’ trong lòng một người và trong lòng nhân loại thông qua một sự chín mùi lâu dài, trong thinh lặng và âm thầm: sự thinh lặng siêu hình của Thiên Chúa, một tình yêu tác tạo.

Sự thinh lặng biết lắng nghe

Nếu trong Kinh Thánh Thiên Chúa ‘nói’ với dân Người, thì ta hiểu rằng ‘lắng nghe’ là đặc điểm của truyền thống Kitô Do Thái giáo.

Hỡi Israen, hãy im lặng mà nghe! Hôm nay ngươi đã trở thành dân của Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi. Ngươi hãy nghe tiếng Đức Chúa. Thiên Chúa ngươi, và đem ra thực hành những mệnh lệnh và thánh chỉ của Người” (Dnl 27,9).

Nhưng đối với con người trong Kinh Thánh, “Lời Thiên Chúa” không rơi từ trời xuống như một thiên thạch, hay một tiếng nói vọng từ trong sân khấu.  Nó ‘sinh ra’ khi biến cố gặp gỡ con người sống các biến cố đó, chẳng hạn như biến cố dân Chúa đã kinh qua: ra khỏi Aicập, lưu dày ở Babylon. Lịch sử một dân tộc và sứ điệp được loan báo bởi những con người từng có kinh nghiệm thiêng liêng (được linh hứng) thì không thể tách rời nhau, khi nói đến khái niệm ‘Lời Chúa’ trong Kinh Thánh.

Suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa đã cho nổi lên những ‘người trung gian’, Abraham, Môsê, các ngôn sứ, các hiền nhân. Những người này, trong sự thinh lặng của sa mạc hay của lòng mình, đều lắng nghe Thần Khí, suy nghĩ và giải thích ý nghĩa sâu xa của lịch sử dân tộc mình và nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, một sự Hiện Diện luôn hành động. Như thế, các biến cố ấy trở thành ‘Lời Chúa’, trở thành những sứ điệp có thể hiểu được và cần được truyền lại cho toàn dân.

Trong chiều hướng đó, trong các tác phẩm của thánh Gioan chẳng hạn, động từ ‘lắng nghe, nghe’ có một tầm quan trọng rất lớn. Chữ ấy trở đi trở lại 58 lần trong Phúc âm thánh Gioan, 16 lần trong các thư tín của ngài và 46 lần trong sách Khải Huyền. Nó là một thành phần của từ vựng mặc khải. 22 lần là ‘nghe’ Chúa Giêsu, con người Ngài, ‘nghe’ lời nói và tiếng nói của Ngài, và 4 lần là ‘nghe’ Chúa Cha hay tiếng của Cha.

Chúa Giêsu - rất quen thuộc với thinh lặng - tự giới thiệu mình là người nói, mặc khải, làm chứng về điều mình đã nghe. Ngài thường sống trong thái độ lắng nghe Cha Ngài. Ngài là ‘Đấng đến từ trên cao... để làm chứng về điều mình thấy và nghe” (3,31-32). “Đấng sai tôi thì chân thật và điều tôi nghe nơi người cũng chân thật, đấy là điều mà tôi công bố cho thế gian’ (8,26).

Và người Do Thái muốn giết Ngài vì Ngài nói, Ngài mặc khải sự thật. “Bây giờ các ông muốn giết tôi, tôi là người đã nói sự thật mà tôi đã nghe nơi Thiên Chúa” (8,40). Ngài là Ngôi Con, Đấng đã tỏ cho môn đệ - mà Ngài xem là ‘bạn hữu’ - biết mọi điều Ngài đã ‘nghe’ nơi Cha Ngài. “Mọi điều Thầy nghe được nơi Cha, Thầy đã cho anh em biết” (15,15).

Người môn đệ, theo gương Ngài, là người biết lắng nghe. Hành trình đức tin, hành trình theo Chúa Kitô luôn khởi đầu bằng một lời mà ta nghe được. Do đó, chính vì ‘nghe lời’ của thầy mình mà hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả đã ‘theo Đức Giêsu’. Nhưng, lời của Chúa Giêsu thì lại càng sâu sắc hơn nữa.

Đó là điều mà những người Samari tuyên bố khi họ nghe được lời chứng của người phụ nữ từ giếng Giacóp quay về. “Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: ‘Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Ngài thật là Đấng cứu độ trần gian” (4,41-42).
Nếu lời của người phụ nữ đã đánh thức đức tin của họ, thì lời Đức Giêsu, sau khi được ‘lắng nghe’ và ‘nghe ra’, đã thay đổi cái đức tin non trẻ ấy thành một xác tín cá nhân: “Người này là Đấng cứu độ”. Nghe là một yếu tố căn bản cho đức tin.

Trong tác phẩm thánh Gioan, có một tương quan mật thiết giữa ‘nghe lời Chúa’ và ‘tin’. “Ai nghe lời tôi và tin và Đấng đã sai tôi thì có sự sống đời đời” (5, 24). Lắng nghe lời Đức Giêsu, nhận ra đấy là lời của Đấng Thiên Sai và tin vào lời ấy, gắn bó với lời ấy như gắn bó với lời của chính Chúa Cha, tất cả những hành động ấy đều là một. Thế nhưng hành động ‘lắng nghe và nghe’ ấy đòi hỏi một số tư thế nội tâm, mà tư thế căn bản là đón nhận và suy tư trong thinh lặng của lòng mình.

Việc lắng nghe ấy không phải là hệ quả của những cuộc thảo luận vô bổ, mà là kết quả ‘sự thinh lặng biết lắng nghe’, và đó đã là một tác động của Thiên Chúa để thôi thúc lòng con người mở ra hầu đón nhận mặc khải của Người. “Không ai đến được với tôi nếu Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy...” Trong sách Ngôn sứ, có lời chép rằng: “Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai đã nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha thì sẽ đến với tôi” (6,44-45).

Một chủ đề khác cũng gần với chủ đề ấy, trong thánh Gioan, ấy là chủ đề ‘nghe tiếng’, bao hàm một tương quan trực tiếp hơn với chính con người Giêsu: Tiếng ấy là ‘tiếng’ của Con Thiên Chúa, (5,25) của “Con loài người”, của Đấng xét xử kẻ sống và kẻ chết (5,27-29), của Người Chăn Chiên Lành, (10, 3-5, 16-17), của vị vua và chứng nhân cho chân lý (18, 37).

So sánh với lời nói, thì ‘tiếng nói’ làm ta liên tưởng rõ ràng hơn đến một lời gọi, một lời mời khẩn thiết. Khi nghe ‘tiếng’ Thầy ‘gọi’, Maria vội vã đứng lên và đến với Chúa Giêsu (11,28-29). ‘Nghe’ và nhất là ‘lắng nghe’ tiếng thì đòi hỏi phải có mối liên hệ thuộc về nhau giữa người gọi và người được gọi.

Về phương diện này, bài giảng về Đấng Chăn Chiên lành soi sáng cho chúng ta nhiều và cho ta thấy cái tương quan thân mật khi nói đến việc ‘lắng nghe’ tiếng Chúa. Chiên của Ngài ‘lắng nghe tiếng Ngài’, vì mỗi con được gọi đúng tên mình và chúng nhận ra tiếng của Chủ Chăn. Như Maria Magdala sẽ ‘nhận ra’ tiếng của Thầy mình chỉ khi nghe một người gọi tên mình: “Maria!”; như hôn thê trong Diễm ca ‘nhận ra’ tiếng của Người Yêu (2,8; 5,2; 8,13). Maria nhận ra Ngài không phải vì nhìn thấy Ngài (bởi lẽ chị ngỡ là người làm vườn) nhưng vì giọng nói của Ngài, vì nghe ‘tiếng’ Ngài. Cũng thế, Gioan Tẩy Giả so sánh mình với bạn của tân lang và ông ‘đứng đó lắng nghe, hớn hở vui mừng vì nghe tiếng tân lang” (3,29).

Lời Chúa chỉ có thể chạm đến lòng của người nào sẵn sàng, một người ở trong tư thế lắng nghe. Chỉ người nào tìm kiếm Thiên Chúa, yêu mến thinh lặng, ‘lắng nghe Thiên Chúa’, thi mới nghe được mà thôi.

Michel Hubaut 
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.

Thống kê

Top Menu

Theme Support