Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Ông lão dưới ruộng đi bừa


Bút ký Bố Chính Nhân

Giữa thập niên 50, tôi rời quê. Tên những cánh đồng nằm giữa châu thổ sông Gianh như Cồn Cao, Nương Cộ, Đồng Chăm, tôi phải bỏ lại sau lưng và mờ nhạt dần trong trí nhớ để đón chào những thành phố xa lạ mới nghe tên và thấy lần đầu tiên trong đời tôi như Đồng Hới, Đông Hà, Quảng Trị, Huế, rồi Đà Nẵng …

Tuổi thơ của tôi trải rộng không quá mặt bằng bình nguyên giới hạn bởi ba Nguồn của dòng Sông Gianh; Nguồn Nậy ở phía bắc, Nguồn Nan ở giữa và Nguồn Son ở phía nam.
Sông Gianh cả thảy ba nguồn
Nguồn Nan, nguồn Nậy lại còn nguồn Son
Lòng thành dạ thiết cho tròn
Mai sau dựng nghiểp cháu con hưởng nhờ.
Từ cửa biển Thanh Khê do dòng sông Gianh chiếm lĩnh, ngược lên khoảng 5 cây số thì gặp nước ba nguồn đổ về tại làng La Hà. Ai muốn lên Minh Cầm thì rẽ về phía bắc để vào Nguồn Nậy. Ai đi Minh Lệ thì theo dòng nước Nguồn Nan. Ai muốn đi thăm động Phong Nha thì theo sông Troóc mà quan chiêm phong cảnh của một vùng địa chất đá vôi Sen – Bàng nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình.

Hình ảnh “Ông lão dưới ruộng đi bừa” có lẽ đẵ quen thuộc đối với quê tôi như củ khoai lăn ra khỏi vồng trong vụ mùa mỗi năm, chẳng có gì đặc biệt, và chẳng có ai cho đó là một hiện tượng đáng quan tâm. Bồ lúa hay củ khoai, trái bắp [quê tôi gọi là sạu], chỉ là sản phẩm của một khoảng thời gian vất vả để có thực phẩm mà chi dùng quanh năm. Công việc đồng áng vất vả và liên tục như một thói quen, đến nỗi người nông dân dù có lam lũ bao nhiêu cũng chỉ đủ chén cơm, manh áo đắp đổi cho một gia đình lặng lẽ sau lũy tre làng. Nhà nông thường không cho đất nghỉ. Sau vụ cày ải, công đoạn thứ hai người ta lại thấy hình ảnh“ông lão dưới ruộng đi bừa”.

Giữa thế kỷ XX [như tôi biết] và cho đến hôm nay đầu thế kỷ XXl, đời sống dân chúng ở nông thôn không có gì khởi sắc. Từ ngôi trường làng đã có nhiều thế hệ xuất thân, nhưng chẳng có ai đề xuất được điều gì mới mẻ và cũng chẳng thấy bóng dáng một cuộc cách mạng đổi đời cho nông thôn. Bởi thế đã có từng lớp thanh niên phải bỏ làng ra đi để mong có cái gì khác hơn. Tôi là một trong những người có niềm ước mơ ấy. 

Nhưng để trốn khỏi làng, Bà Đoan [một dân chài, chèo đò ngang, đò dọc cho khách qua sông] đã giấu kín hình hài nhỏ bé của tôi dưới một đống lưới un cao giữa khoang thuyền. Người du kích trong một trạm gác dọc theo sông Gianh cuối làng La Hà kêu Bà Đoan ghé đò lại để kiểm soát. Cái gì sẽ xảy ra nếu không có mấy củ khoai luộc của Bà Đoan nhanh nhẩu trao vào tay anh du kích. “Anh cầm lấy, khoai tôi còn nóng. Tôi chỉ chài vài mẻ lưới gần đây thôi”. Thế là thoát. Khi đổ tôi xuống bến Quảng Khê, Bà Đoan còn dúi vào tay nải của tôi mấy củ khoai luộc rồi nói nhỏ: “Cháu tìm xe mà vào Đồng Hới cho kịp ngày hôm nay, về nhà, thím sẽ đi Chợ Trường để nhận tiền công vì Mạ cháu cần biết cháu đã thoát được an toàn”.  

Nhờ củ khoai nấu chín, tôi đã không bị bắt giải về lại Hoà Ninh. Cũng nhờ mấy củ khoai, tôi được no bụng để đi nốt khoảng đường dài gần 50 cây số trên chuyến xe đò Quảng Khê – Đồng Hới. Chú thím Đoàn Quế đón tôi tại xứ đạo Tam Toà và cho tá túc khi tôi nộp đơn thi vào lớp nhì tại trường Chơn Phước Phượng [nay là Thánh Phượng] gần cầu Mụ Kề và thành Đồng Hới, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Bình. Từ đó tôi từ giả món khoai luộc Hoà Ninh, và từ giả luôn vùng bình nguyên Sông Gianh để đi xa, và xa mãi.

Hiệp định Genève năm 1954 đẩy tôi từ Đồng Hới, Quảng Bình vào thành phố Huế của tỉnh Thừa Thiên. Trạm dừng chân thứ hai này đối với tôi thật là bất ngờ và vô cùng lạc lỏng. Thực tế của tôi là một đứa trẻ vị thành niên bị cách biệt với mẹ già đang kẹt lại tại quê nhà bên bờ bắc Nguồn Nan của dòng Sông Gianh, trong khi gia đình ông anh và ba bà chị với chồng con chẳng biết lưu lạc phương nào trong đoàn người di cư khổng lồ rải dài từ Quảng Trị vào đến Qui Nhơn. Tôi chưa có cơ hội tìm hiểu vĩ tuyến 17 ở chỗ nào, và làm sao có thể trở về quê được khi chiến tranh chấm dứt và hoà bình cho phép. 

Trong hoàn cảnh đó, tôi được Dòng Thánh Tâm cho tạm trú tại Cơ sở gần cầu Phủ Cam trong thời gian tôi chờ liên lạc được với người thân. Cũng là một ơn lạ, khi Dòng Thánh Tâm đã lo cho tôi nhập học lớp Nhất tại Trường Pellerin Huế, nơi tôi vừa học xong, đi thi và đậu á khoa tại trung tâm Trường Tiểu học Thượng Tứ trong thành Nội (người đậu thủ khoa là một tôn nữ đất thần kinh, Công Tằng Tôn Nữ Thị Tuyết Nếp), thì không rõ ai giới thiệu với Linh Mục Cao Văn Luận để ngài thu xếp cho tôi được tháp tùng với thầy Nguyễn Văn Học [về sau là linh mục] vào Sàigòn cho kịp nhập học tại Tiểu Chủng Viện (Petit Séminaire). Tôi nhớ hôm đó vào giữa tháng 8 năm 1955, hai thầy trò chúng tôi đi trên máy bay Cosara của hảng hàng không nước Pháp.  

Thật là hy hữu, trong thời gian chưa đầy 3 năm, tôi phải 3 lần di cư. Sài gòn là trạm dừng chân lâu nhất để tôi được học tập từ lớp đệ thất cho đến khi tốt nghiệp Tú Tài 2, ban văn chương niên khóa 1961-1962. Cũng cần nói rõ là trong 7 năm tu học tại Tiểu Chủng Viện Chân Phước Tự của giáo phận Vinh di cư, tôi có 1 năm được Bề trên gửi lên học tại Tiểu Chủng viện Thánh Giuse của giáo phận Thanh Hoá ở Blao [Lâm Đồng ngày nay], 3 năm học tại Tiểu Chủng viện nhà, gần giáo xứ Tam Hà Thủ Đức và 3 năm học tại Tiểu Chủng Viện PIÔ Xll của giáo phận Hà Nội do linh mục Phêrô Nguyễn Huy Mai (về sau là giám mục giáo phận Ban Mê Thuột) làm giám đốc, địa chỉ lúc bấy giờ là số 223 đường Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn. Nhìn lại, cũng là 7 năm di chuyển và còn tiếp tục con đường khăn gói để đi xa!

Mở đầu niên học 1962-1963, Chung Bá Thi và tôi xin nhập giáo phận Huế. Hành trang để về Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế, cả hai đứa chúng tôi không có gì hơn là một miếng giấy nhỏ như thư giới thiệu, viết tay của Đức Giám mục Ngô Đình Thục để trình cho cha giám đốc Đại Chủng viện. Linh mục giám đốc Đại Chủng viện Xuân Bích Huế năm đó là cha Bùi Đức Tín, người Pháp. Tên thật của ngài là Pierre Marie Gastine. 

Mới qua được năm Triết học thứ nhất, Chung Bá Thi xin cởi áo ra ngoài rồi đi du học Hoa Kỳ. Tôi cố gắng học xong năm Triết học thứ hai. Mùa hè năm 1963, đối với tôi là thời gian thử thách. Một nửa muốn đi tu làm linh mục, một nửa muốn ra đời để có cơ hội học cao hơn trong bậc Đại Học. Hoài bảo này tôi đem trình bày với cha linh hướng. Sau gần một giờ thảo luận, ngài hẹn 2 tuần sau gặp lại với lời khuyên phải thực tâm cầu nguyện cho quyết định quan trọng này. Khi tôi trở lại, ngài chỉ khuyến khích tôi phải làm đúng và làm cho thật tốt quyết định đã lựa chọn. 

Thế là tôi nhẹ nhàng từ giả Đại Chủng viện Xuân Bích. Cả cha giám đốc, cả cha linh hướng của tôi [cố linh mục Giáo sư Giuse Trần Thái Đĩnh] nay không còn, nhưng tôi vẫn ghi nhớ và cảm ơn các ngài đã cho tôi một cơ hội thật tự do, thật độc lập để tự mình tìm lấy con đường đời của mình. Và quả thật tôi không bao giờ ân hận điều tôi đã lựa chọn, ngoại trừ một mối tình tuyệt vời *vừa nhen nhúm, lại do chính sự vụng về của tôi làm tan vở trong đau buồn lặng lẽ.  

Tháng 6 năm 1966, tôi tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa Huế với văn bằng Cử Nhân Văn Khoa Giáo Khoa môn Sử học. Bước vào đời, tôi làm quen với học sinh các trường Trung học công lập ở thị xã Đà Nẵng, đó là trường Trung Học Đông Giang ở Quận Ba rồi trường Nữ Trung Học Hồng Đức ở Quận Một. Ngoài ra, tôi còn nhận dạy thêm một ít giờ ở các trường tư thục Sao Mai của linh mục Lê Văn Ấn [sau là giám mục giáo phận Xuân Lộc], trường Thánh Tâm của các Soeur Dòng Thánh Phao Lồ gần nhà thờ chính toà Đà Nẵng. Kết quả mười năm dạy học của tôi là một bản án cải tạo 5 năm 6 tháng, khi Đà Nẵng đổi chủ ngày 29 tháng 3 năm 1975.

Tính từ năm 1954 đến 1975, hơn hai mươi năm cuộc đời tôi là một chuổi diễn biến. Nhưng điều tôi muốn nói là Ông lão dưới ruộng đi bừa, chưa mất tích từ lúc tôi bỏ làng ra đi? Mà mất tích sao được, vì cho đến năm 1995 [ năm tôi trở về thăm làng] đất nước đã thống nhất được 41 năm, nghĩa là ông lão được cách mạng bảo vệ nguyên vẹn từ hình hài cho đến cuộc sống như bao nhiêu đồng bào khác từ vĩ tuyến 17 trở ra miền Bắc.

Ở làng, tôi có nhiều bạn thân. Đa số vẫn cam phận trong cảnh nông dân với con trâu, con bò và thửa ruộng. Nhưng trâu, bò thì càng ngày càng thưa đi, ruộng thì càng ngày càng nhỏ lại, riêng đàn con thì cứ phải đặt thêm tên mới, từ Út, Thêm, Thôi, Thừa, Nữa…Ít có nhà nào 5 hay 6 người con, mà thường là đến hàng tá mới tính bỏ luôn chuyện đi vén mùng nửa đêm. Đó là với người thật tình tự nguyện.  Một số khác thì cứ lặp lại câu nói của cổ nhân: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, rồi cứ thế mà nhắm mắt…bất chấp kế hoạch. Đúng là ông bà xui dại con cháu.

Chẳng gì thì hằng ngày người trong làng vẫn thường gặp nhau trước sân nhà thờ, bên bờ giếng, trong phiên chợ. Vả lại từ đầu làng đến cuối xóm, bỏ sức chỉ cần khoảng 45 phút đi bộ là giáp một vòng, cho nên xa nhau trong bao lâu, lúc gặp lại vẫn đầy ắp kỷ niệm, chuyện xưa đem kể lại vẫn không thể sai sót từng chi tiết của tuổi thiếu thời. Anh Phạm Hạ và tôi là bạn thân thuở còn đi học ở trường Don Bosco trong khuôn viên nhà xứ Hoà Ninh. Bọ [Bọ Mạ, thổ ngữ Hoà Ninh là Ba Má] anh Hạ ngày xưa nổi tiếng là người sử dụng con trâu với cây cày rất giỏi. Loại đất nào giao cho ông, dù khô, dù nước, ông cũng cày nhuần nhuyễn, biến thửa ruộng thành một mặt bằng tương đối dễ dàng cho công đoạn thứ hai là chỉ bừa qua một lượt là người ta có thể gieo mạ hay cấy lúa cho kịp vụ mùa.

Lưu lạc từ sau ngày 29 tháng 3 năm 1975, ở tù, vượt biên rồi có người cứu trợ, cho đi định cư…tôi trở về thăm lại quê xưa đúng vào vụ hè thu năm 1995. Cả làng đang chuẩn bị cho những ngày vật lộn với con bò, cái bừa và từng bó mạ vất đều ra trên các thửa ruộng. Diện tích canh tác của mỗi gia đình thu nhỏ dần vì số con ra ăn ở riêng, nên thành phần tham gia công tác ngoài đồng, thì vợ chồng (dù già cả) là căn bản. Hỏi thăm gia đình Hạ, người nhà vui vẻ dẫn tôi ra đồng. Từ xa tôi đã ghi được một hình ảnh mà thời gian tưởng đã làm lu mờ, nay bổng nhiên hiện ra rõ ràng. Trong tâm tư tôi chợt nghe một điệp khúc như xa lạ, nhưng rất hiện thực tại môi trường do chính tôi lựa chọn hôm nay: Ông lão dưới ruộng đi bừa…  

Khi biết có bạn xa về thăm. Hạ hò [dừng] con bò lại giữa ruộng, tất tả bước đến mô đất cao, nơi tôi đang đứng đợi Anh giữa cánh đồng Nương Cộ ngày xưa của làng Hoà Ninh.     

Đây là lần cuối cùng tôi gặp lại Hạ bên bờ ruộng, sau bốn mươi mốt năm xa cách. Hạ rắn chắc trong thân hình của một lão nông thứ thiệt. Nhưng cái rắn chắc ấy không chống lại được cơn bệnh bất ưng xảy đến trong tuổi già, tại một nơi thiếu cả phương tiện y tế khẩn cấp và tối thiểu. Nhớ bạn, tôi viết mấy dòng này để ghi lại chân dung người bạn thân yêu của tôi. Vừa đến tuổi 60, Anh Phạm Hạ bạn của tôi không còn nữa, nhưng hình ảnh hiện thực nhất của Anh còn đọng mãi trong tâm trí tôi. Trong tôi, có Anh và cả quê hưong lẫn lộn giữa một quá khứ muôn thuở u buồn ở thôn làng Việt Nam…
Ông lão dưới ruộng đi bừa,
Là con ông lão ngày xưa đi cày!
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.

Thống kê

Top Menu

Theme Support