Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Đức tin của một linh mục


Lm. Phêrô Mi Trầm
Khi đọc đầu đề trên đây, có thể có người tò mò muốn xem ông linh mục tin Chúa như thế nào? Chắc là ghê gớm lắm. Niềm tin của một linh mục, đó là niềm tin của tôi, tác giả bài viết ngắn này.
Tôi sinh ra ở làng Cồn Sẻ, miền sông nước bao quanh, như giáo xứ Ngọc Thủy mà tôi đang làm quản xứ.
Giai đoạn 1: Đức tin của tôi là đức tin của cha mẹ, của
xứ đạo toàn tòng
Làng tôi có đạo cả làng nên tôi được rửa tội từ rất sớm, ngay khi tôi được sinh ra. Tôi có đức tin mạnh mẽ hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết là mình có giúp lễ ở nhà thờ, học giáo lý, chắc là ít lắm, ở bậc cấp trước nhà thờ. Tôi đã chạy trốn máy bay khi đang ngồi học giáo lý vì sợ Tây nó bắn…; và tôi đã được xưng tội rước lễ tại Giáo xứ.
Vào miền Nam, tôi ở giáo xứ Tân Bình, Cam Ranh, vẫn giữ đạo, đi lễ mỗi buổi sáng, đọc kinh hơn là cầu nguyện vì tôi đâu biết cầu nguyện là gì. Tôi vào Nghĩa Binh Thánh Thể. Tôi lần chuỗi để làm sổ kho thiêng liêng. Tôi lần chuỗi hai tay cùng lúc. Như thế, nếu lần được một chuỗi thì tôi tính thành hai chuỗi, vì tôi lần hai tay. Tôi không có ý ăn gian vì tôi nghĩ như thế là được nhiều chuỗi dâng kính Đức Mẹ.
Và rồi tôi thi vào Tiểu Chủng viện Sao Biển, Nha Trang.
Một buổi sáng kia, tôi đang chơi bi quanh nhà thờ. Có hai anh lớp Sáu lên xin giấy để đi tu. Tôi lúc đó mới học hết lớp Năm. Cha Nghĩa nhìn ra thấy tôi, ngài kêu vào và hỏi tôi có muốn đi tu không để ngài làm giấy. Tôi hỏi đi tu là gì thì ngài trả lời đi tu là đi học làm cha, học ở Nha Trang, cách làng Tân Bình của tôi 32 cây số. Khi đóng xong con dấu, Cha Nghĩa bảo tôi dấu của con đỏ nhiều, chắc con sẽ thi đậu. Và đúng thế. Tôi đã đậu vào Tiểu Chủng viện cùng với một anh bạn, còn hai anh lớn không đậu, có lẽ vì lớn tuổi.
Vào sống ở Tiểu Chủng viện, tôi sung sướng lắm, không phải vì được ở gần Chúa hơn đâu vì tôi chưa biết gì nhiều, nhưng vì sướng hơn ở nhà. Ở đây, có sân bóng chuyền, vừa mặc áo dài đen vừa chơi mà vẫn vui, tuy mồ hôi làm rướm áo. Ở đây có bàn pingpong. Bàn tốt thì các anh lớn độc quyền. Nhỏ như chúng tôi thì phải biết phận, chọn bàn cũ, sâu như cái thung lũng vì lâu ngày, ván bị hở và oằn. Chúng tôi lấy hai hòn gạch để hai bên, căng lưới rách, lấy vải vụn làm trái pingpong và chơi rất hồn nhiên. Vui ơi là vui… Ở đây, có điện nước, có chiếu phim mỗi tháng, có va ly riêng để quần áo rồi cất dưới giường của mình…
Ở Chủng viện, sáng có nguyện gẫm trước lễ, tối có lần chuỗi ngoài trời, quanh sân chơi. Tôi làm mọi chuyện như các bạn khác, ít lỗi luật… còn đức tin thì không có vấn đề gì, vì tôi chỉ biết học và giữ luật của Chủng viện.
Giai đoạn 2: Đức tin của tôi không có vấn đề là nhờ ảnh
hưởng của người khác
Phải nói thật là tôi chưa có khủng hoảng đức tin, không phải vì tôi đã hiểu Chúa, nhưng có thể vì tôi không có chuyện gì để đặt lại vấn đề đức tin.
Khi học thần học, nếu gặp điều gì mình không hiểu thì tôi chỉ nghĩ thế này: Giỏi như Thánh Augustinô mà đâu hiểu được Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi; giỏi như các Đức Giáo hoàng mà các ngài vẫn giữ đạo vững mạnh, có đấng lại tử vì đạo nữa…; Mai Tính có là gì mà phải băn khoăn. Cứ tin và tôi tin thật, không ưu tư gì về đức tin. Tôi thích đọc các gương nhân đức, các gương nghị lực đạo đời và tôi luôn sống tích cực trong khả năng nhỏ bé.
Giai đọan 3: Đức tin đời linh mục
Tôi hỏi một anh bạn Tây lai: Sao bên Tây sướng thế mà chú mày lại đi tu làm linh mục? Hắn chu mỏ trả lời: “Vì tôi yêu mến Đức Kitô.” Xin chào thua anh Tây lai! Và tôi vẫn hay nhắc lại câu này cho giáo dân của tôi. Thánh Phaolô viết: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2 Tm 1,12) và đó cũng là câu chủ điểm cho Năm Đức Tin: Tôi biết tôi tin vào Đức Kitô là Thiên Chúa. Với niềm tin vào Đức Kitô là Thiên Chúa, chúng ta sẽ sống tích cực hơn, sẽ sống tốt hơn.
Để kết hợp với Đức Kitô, chúng ta phải cầu nguyện. Tôi đã lên mạng để tìm hiểu định nghĩa về sự cầu nguyện và người ta nói rất nhiều, rất dài, rất lý thuyết. Định nghĩa cầu nguyện của tôi rất đơn sơ, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ làm nữa: "Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa, là nhớ đến Chúa."
- Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa, coi Chúa như một người bạn để tâm sự, để nói chuyện. Trong một bài thi vấn đáp, cha giáo người Ý dạy ở Xuân Bích Huế hỏi tôi, theo thầy, Đức Kitô là ai? Tôi trả lời rất sách vở, vì mới học mà! Cha giáo không chịu. Tôi sực nhớ có lần ngài nói chúng ta phải coi Chúa như một người bạn thì ta mới gần ngài được và tôi trả lời Đức Kitô là một người bạn và ngài OK liền.
- Cầu nguyện là nhớ đến Chúa: Tôi lái xe ngoài đường, áo bỏ vô quần, đàng hoàng, nhiều người coi tôi như một người đứng tuổi, có thể không nhận ra tôi là linh mục. Tôi có thể lạng lách cho đời nó tươi. Ai biết. Tôi có thể chọc ghẹo người xung quanh. Ai biết. Nhưng tôi phải nhớ, tôi là linh mục của Chúa, tôi phải giữ tác phong linh mục và tôi đã không làm những chuyện vừa nêu trên. Như vậy, việc Chúa nói phải cầu nguyện mọi lúc mọi nơi thì có gì là khó đâu. Nói với Chúa lúc nào chỗ nào mà chẳng được. Nhớ đến Chúa thì nhớ lúc nào mà chẳng được, quá ư là dễ… để sống Lời Chúa và gần Chúa.
Đức tin của người linh mục như tôi thì thật đơn giản: Tin trong niềm tin của cha mẹ, tin trong thế giá của những người nhân đức và thông thái, và rồi sống đạo, cầu nguyện theo phong cách riêng của mình là nói chuyện với Chúa lúc vui buồn, và nhớ đến Chúa mọi lúc mọi nơi… Làm được thế, tôi nghĩ chúng ta sẽ vững đức tin và vui sống.
Lạy Chúa, con viết như thế có vẻ gì cao ngạo lắm không? Nếu Chúa thấy con hơi hơi bay lên cao thì nhắc cho con để con hạ cánh. Con quá biết lời Chúa nói “ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống…”. Chỉ có sự khiêm nhường mới giúp con gần Chúa, vững đức tin và trung thành với đời linh mục. Amen.
- Ngày khai mạc Năm Đức Tin cấp Giáo phận 18.10.2012-
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.

Thống kê

Top Menu

Theme Support