Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Lời kinh danh Chúa Giêsu

Nếu có ai hỏi tôi về cách tôi cầu nguyện, câu trả lời đơn giản là: Tôi đọc lời kinh Giêsu. Những ai đã từng nghe nói về câu chuyện của người hành hương Nga sẽ hiểu điều tôi muốn nói. Lời kinh đó bao gồm việc đọc đi đọc lại câu: “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Tôi đã cầu nguyện như thế suốt 40 năm qua, và đã trở nên quá quen thuộc đến đỗi lời kinh tự động phát ra những khi tôi không bận rộn hay không suy nghĩ gì. Thỉnh thoảng, việc này hầu như máy móc, chỉ lặp đi lặp lại, nhưng có lúc nó huy động tất cả sức lực và trở nên mãnh liệt vô cùng.

Tôi hiểu lời cầu này theo cách của riêng tôi. Khi đọc “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa”, tôi ôm trọn cả trời và đất vừa biểu lộ chính Người cho toàn thể nhân loại theo nhiều cách, dưới nhiều tên gọi và hình thức khác nhau. Tôi nhận thức rằng Ngôi Lời soi sáng mọi người trong thế gian, cho dẫu con người không nhận ra Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hiện diện trong từng người, nơi thẳm sâu linh hồn họ. Vượt ra khỏi phạm vi của ngôn từ và tư tưởng, của dấu hiệu và biểu tượng, Ngôi Lời được nói một cách thầm lặng trong mọi tâm hồn, mọi nơi và mọi lúc. Con người có thể hoàn toàn không nhận ra hay cố ý phớt lờ, nhưng bất cứ ở đâu hay bất cứ lúc nào, nếu có ai nghe theo tiếng gọi của sự thật, tình yêu và lòng tốt, tiếng gọi của những đòi hỏi công lý, quan tâm đến tha nhân, hay chăm sóc những người thiếu thốn, thì họ đang đáp lại tiếng gọi của Ngôi Lời. Cũng vậy, khi có ai đi tìm chân thiện mỹ trong khoa học, triết học, nghệ thuật hay thi ca, thì họ đang làm theo sự linh hứng của Ngôi Lời.

Tôi tin rằng Ngôi Lời đã làm người nơi Ðức Giêsu Nadarét; trong Người chúng ta có thể thấy hình thức người của Ngôi Lời, với Người chúng ta có thể cầu nguyện và nhờ Người chúng ta có được mối tương giao yêu thương. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Người tỏ mình ra cho chúng ta bằng những danh xưng và hình thức khác nhau. Ðiều có thể tính đếm được thì lại quá ít so với điều không thể tính đếm, đó là lời đáp trả trước huyền nhiệm được dấu kín trong mỗi tâm hồn. Huyền nhiệm hiện diện nơi mỗi người một khác và chờ đợi câu trả lời của chúng ta qua đức tin, đức cậy và lòng mến.

Khi đọc “xin thương xót con là kẻ tội lỗi”, tôi tự liên kết chính mình với tất cả nhân loại từ khởi nguyên của thế giới, những kẻ đã kinh nghiệm về sự xa lìa Thiên Chúa và chân lý vĩnh hằng. Là người, tôi nhận thức rằng tất cả chúng ta đều xa lìa Thiên Chúa, xa lìa cội nguồn của mình. Chúng ta vừa lưu lạc trong thế giới của bóng mờ, vừa lẫn lộn giữa dáng dấp bên ngoài của con người và sự vật với thực tại của nó. Nhưng sự vật thường xuyên gây áp lực đòi chúng ta phải thoát ra khỏi bóng mờ để chạm mặt với thực tại, với sự thật và ý nghĩa nội tại của cuộc sống chúng ta, để tìm gặp Thiên Chúa hay bất cứ danh xưng nào mà chúng ta gọi huyền nhiệm đang bao phủ chúng ta.

Vì thế, tôi đọc lời kinh Giêsu để cầu xin được giải phóng khỏi ảo ảnh của thế giới này, khỏi vô vàn cảnh hư ảo và phỉnh lừa đang bao vây quanh tôi. Tôi tìm thấy nơi Giêsu danh xưng mở rộng lòng trí tôi. Tôi xác tín rằng mỗi người chúng ta đều có ngọn đèn và người hướng đẫn bên trong sẽ đưa dẫn chúng ta vượt qua bóng mờ và ảo ảnh đang vây bọc chính mình, và mở rộng lòng trí chúng ta trước chân lý. Ðiều đó có thể xảy ra từng ngày, từng ngày một, qua nghệ thuật, triết học và khoa học, hay thông thường qua các biến cố cũng như cuộc gặp gỡ giữa những con người với nhau. Bản thân tôi nghiệm thấy rằng nguyện ngắm sớm chiều là phương cách trực tiếp và tối ưu nhất để liên lạc với thực tại. Trong nguyện ngắm tôi cố gắng vượt qua thế giới giác quan bên ngoài, thế giới tư tưởng bên trong, để lắng nghe tiếng nói từ bên trong vốn là tiếng vọng của Ngôi Lời đến từ thinh lặng, an tịnh, khi mọi hoạt động của cơ thể và tâm trí ngừng nghỉ. Nhờ thế, trong thinh lặng tôi cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, và cố gắng giữ nguyên cảm nghiệm đó suốt ngày. Trên xe buýt, tàu hỏa hay trên máy bay, trong công việc, nghiên cứu hay khi liên lạc chuyện trò với người khác, tôi cố gắng nhận ra sự hiện diện này trong mọi người, nơi mỗi vật. Và lời kinh Giêsu giữ tôi trong sự hiện diện đó.

Vì thế, đối với tôi cầu nguyện là thể nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi tình huống: ồn ào, xáo trộn, bệnh tật, đớn đau và chết chóc, cũng như bình an, vui mừng, thân thiện, cả trong cầu nguyện và thinh lặng sự hiện diện của người luôn luôn có đó. Với tôi, lời kinh Giêsu là phương thế để sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa.

Tôi nhận thấy thật là thuận lợi khi tuân thủ 4 bước của truyền thống cầu nguyện thời Trung cổ: đọc sách, suy gẫm, cầu nguyện và chiêm ngưỡng. Hầu hết mọi người cần chuẩn bị cầu nguyện bằng đọc sách. Ðọc Kinh thánh là cách truyền thống, nhưng không phải để tìm kiếm thông tin, mà với sự chú ý lắng nghe, nhằm thưởng thức như khi chúng ta đã đọc thơ. Vì lý do này mà tôi thích bản Kinh thánh duyệt lại (The Revised Verion of the Bible), là bản bảo tồn được truyền thống phong phú, giàu chất thơ của Anh ngữ.

Tiếp theo sau đọc sách là suy gẫm, nhằm ôn lại những điều đã đọc, đào sâu ý nghĩa và khắc ghi trong lòng; như Ðức Maria hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Ðó là suy gẫm theo truyền thống: vừa khám phá ý nghĩa đạo đức và biểu tượng của bản văn, vừa đem ra áp dụng trong đời sống riêng của mình. Ý nghĩa của biểu tượng vượt ra ngoài ngôn từ và thiết thân đến đời sống của cá nhân, của Giáo hội và của thế giới. Sẽ là một thiếu sót lớn lao khi mà ngày nay chúng ta có được sự hiểu biết sâu xa về nghĩa văn tự, lại lãng quên ý nghĩa phong phú và thâm thúy của biểu tượng muốn hướng chúng ta đến chân lý tối hậu vốn là điều mà Kinh thánh biểu lộ.

Kế tiếp là cầu nguyện (bằng lời). Sự hiểu biết về ý nghĩa sâu xa của bản văn tùy thuộc vào khả năng tâm linh của chúng ta, và điều này có được nhờ cầu nguyện. Cầu nguyện là mở rộng con tim và tâm trí cho Thiên Chúa, tức là vượt ra khỏi lý trí để tự cởi mở trước thực tại siêu nhiên, điều mà mọi ngôn từ và mọi tư tưởng đang nhắm đến. Ðiều này đòi hỏi một sự hiến thân - phó thác. Chừng nào mà chúng ta còn ở trong tầm mức của lý trí, thì chúng ta sẽ bị chi phối bởi cái tôi, tính tự lập và lý trí của mình. Chúng ta có thể khai thác mọi thứ hỗ trợ cho việc cầu nguyện như sách chú giải và những hướng dẫn thiêng liêng, nhưng chừng nào mà cái tôi còn ở vị thế chỉ huy, thì chúng ta vẫn còn bị giam hãm bởi lý trí với những quan niệm và phán đoán của nó. Chỉ khi nào chúng ta từ bỏ cái tôi, bản ngã độc lập của mình, và trở về với Thiên Chúa - Ðấng Chí Linh, thì chúng ta mới có thể đón nhận được ánh sáng, là điều mà chúng ta cần để hiểu được ý nghĩa sâu xa của Kinh thánh. Ðó là tiến trình đi từ cầu nguyện đến sự thâm hiểu, từ khái niệm mông lung đến sự nắm bắt mầu nhiệm bằng trực giác.

Ðến đây, chúng ta chuyển qua giai đoạn chiêm ngưỡng. Chiêm ngưỡng là đích điểm của đời sống Kitô hữu. Ðó chính là sự hiểu biết bằng tình yêu. Thánh Phaolô thường cầu nguyện cho môn đệ người có được kiến thức và am hiểu huyền nhiệm Ðức Kitô. Huyền nhiệm Ðức Kitô là chân lý tối hậu, là thực tại mà con người khao khát. Và huyền nhiệm này được cảm nhận bằng tình yêu. Yêu là ra khỏi chính mình, là hiến mình, là để cho chân lý và thực tại điều khiển mình. Yêu thì không giới hạn nơi một con người hay một vật thể nào, nhưng vươn ra tới vô tận và vĩnh hằng. Ðó là chiêm ngưỡng. Chiêm ngưỡng không phải là thành tựu đạt được do chúng ta, mà là ơn ban cho chúng ta khi chúng ta ra đi. Chúng ta cần phải từ bỏ mọi thứ : ngôn từ, ý niệm, hy vọng, lo sợ hay tất cả sự quyến luyến với chính mình hay bất cứ tạo vật trần thế nào, và để cho huyền nhiệm thiên linh chiếm hữu cuộc đời chúng ta. Tình trạng này giống như sự chết hay một dạng của nó. Ðó là cuộc chạm trán với bóng tối, vực thẳm và trống rỗng. Ðối đầu với trống rỗng, như nhà thần bí Augustine Baker là một đan sĩ người Anh đã nói: "Ðó là cuộc hội ngộ giữa hư không với Hư Không." (It is the union of the nothing with the Nothing).

Ðây là mặt trái của chiêm ngưỡng. Mặt tích cực tất nhiên là điều tương phản: thành đạt, viên mãn, khôn ngoan, hạnh phúc bất diệt; đấy cũng là câu trả lời cho mọi vấn đề, là sự an bình trổi vượt mọi hiểu biết của trí tuệ, là niềm hoan lạc của sự sung mãn tình yêu. Thánh Phaolô đã tóm tắt kinh nghiệm đó trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô, như một thí dụ điển hình nhất của sự hiểu biết Kitô giáo:

"Tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Tôi cầu xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Ðấng vinh hiển ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Ðức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rẽ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể các thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình yêu của Ðức Kitô, là tình yêu vượt xa sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa."

Bede Griffths, In Jesus' Name, Monos No 9-94
Lm Phạm Quang Long dịch
với sự cho phép của Tổng Biên Tập báo Monos

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.

Thống kê

Top Menu

Theme Support