Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Lễ cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ chìm tàu ở Quảng Bình

Pet Minh Tiến



Trong tinh thần hiệp thông chia sẻ nổi đau cùng những người láng giềng, tối ngày 22 tháng 1 năm 2013 tại nhà thờ họ Tân Định (xứ Cồn Nâm), cha JB Phạm Quang Long, phụ trách di dân giáo phận Vinh, đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho 22 nạn nhân trong vụ chìm tàu vừa qua tại Quảng Bỉnh, trong đó có 5 nạn nhân thuộc giáo xứ Cồn Nâm.

Dẫn vào thánh lễ, ngài nói rằng: "Tôi muốn đến nhà thờ nhỏ bé này, vì có lẽ người ta thường đến giáo xứ Cồn Sẻ, nơi có nhiều người tử nạn, chứ không mấy ai đến dâng lễ tại đây."

Chia sẻ trong thánh lễ, cha giải thích bài Tin mừng nói về việc Chúa Giêsu cho đứa con trai bà góa làng Naim sống lại.

"Hôm nay Chúa Giêsu làm phép lạ không phải vì lời cầu xin mà vì ngài 'động lòng thương'. Tình yêu Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước. Chúa yêu con người vì Người là tình yêu, chứ không phải vì con người dễ thương hay đáng yêu."

"Thiên Chúa nhìn đến thân phận của con người. Chúa yêu thương chúng ta hơn chúng ta tưởng. Điều này mời gọi chúng ta cậy trông và phó thác vào lòng nhân từ Chúa khi gặp những thử thách gian nan."

Sau thánh lễ, cha đã đến thăm một số gia đình có nạn nhân tử nạn trong giáo họ Tân Định và Hạ Bồng.

Anh FX Nguyễn Thắng, sinh 1975, qua đời để lại cho người vợ 4 đứa con nhỏ.

Anh FX Nguyễn Văn Thủy, sinh năm 1994, em anh Thắng, chưa có gia đình.

Anh FX Nguyễn Hào ra đi để lại 3 đứa con.

Anh FX Nguyễn Văn Hùng, sinh 1987, chưa lập gia đình.

Anh Phero Nguyễn Trọng, sinh 1971, ra đi để lại cho người vợ trẻ 2 đứa con.

Share:

Lễ tạ ơn 2 tân linh mục tại giáo xứ Hòa Ninh 21.1.2013


Pet Minh Tiến

 Sáng ngày 21 tháng 1 năm 2013 giáo xứ Hòa Ninh long trọng tổ chức  thánh lễ tạ ơn cho 2 Tân linh mục là Vin Sơn Cao Dương Đông và Bonaventura Trương Cao Vút 2 người con của cha xứ Anton Hoàng Minh Tâm. 

Về hiệp dâng thánh lễ tạ ơn còn có các cha trong và ngoài giáo hạt Hòa Ninh và 2 cha quê hương Hòa Ninh, quý Xơ, quý Thầy, quý chủng sinh và khoảng 2000 giáo dân trong và ngoài giáo hạt đúng 9h00 đoàn đồng tế từ nhà xứ tiến ra  thánh đường trong bài ca nhập lễ. 

Khai lễ tân linh mục Vin Sơn Cao Dương Đông đã mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các tân linh mục sẵn sàng dấn thân loan báo Tin Mừng cho thế giới trong thời đại hôm nay.



Share:

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Đời vợ chồng


Lúc đầu ai nỏ biết ai
bởi chén rượu cơi trầu
bốn thầy mẹ ngồi lâu
hai con rày mới biết.

Lời bách niên thanh khiết
có tục lệ thành hôn
thầy đặt để gánh triêng
mẹ đặt để gánh triêng
cho lâu dài bách tuế.

Nhân tâm tùy thế
mà dựng cựa dựng nhà
con thành thất thành gia
mới đành công thầy mẹ.

Khi lửa den củi bẻ
khi dúm núc bắc nồi
giống như đụa có đôi
bựa ăn thường sớm tối.

Khi mưa sương, nắng gội
không biết tính làm sao
phải như tổ yến sào
chim bay về mới ghé.

Cựa nhà gia thế
trông thầy mẹ bù xì
thầy mẹ nỏ có xi (1)
phải liệu bề cần kiệm.

Cháo cơm tằn tiện
cho đắp đổi tháng ngày
nợ mình không vay ai
của mình không ai mạn.

Khi dựng xây tổ ấm
vợ phải biết nghe chồng
chồng nghe vợ khuyên can
đừng cờ bạc lang bang
phen chi loài lảng tử!

Muốn làm nên gia sự
phải thuận vợ thuận chồng
tát cụng cạn biển Đông
xây cụng thành nên núi.

Nghĩa tào khang một mối
chữ phu phụ nhất tình
ăn ở được phân minh
đừng bất kỳ quen thói.

Sách Minh Tâm có nói
hai chữ nhịn thì hơn
đừng kẻ giận người hờn
ra lòng lang dạ thú.

Làm ăn chí thú
cho người thế xem vào
mai sau được sang giàu
hiển vinh chồng liền thiếp.

Vợ chồng thuận duyên kiếp
nguyện cầm sắt lâu dài
vợ có được hoài thai
chồng nửa mừng nửa sợ.

Đến kỳ hoa nở
con với mẹ vuông tròn
công đàn bà nuôi con
công cù lao biết mấy
thiệt nặng tình biết mấy!

Thức khuya rồi sớm dậy
quả như vàng Trời cho
con chưa được nậy to
Trời lại cho đứa khác.

Khi đi xuôi về ngược
giá như ngậm bồ hòn
vợ còn mắc bồng con
chồng xách tiền đi chợ.

Vợ lo bề nội trợ
cũng tay dắt tay bồng
chồng lo việc ruộng đồng
cũng tay cày tay cuốc.

Công cày rồi công cuốc
biết lấy xi thuê mần
chồng cày, vợ sương phân
vại xong rồi đập đất.

Nắng mùa hè nẻ đất
rét mùa đông cóng tay
việc nông vụ cấy cày
chuyện mần ăn không quản
việc mùa màng không quản.

Trên nguồn cùng dưới ngạn
kẻ vay ló mạn tiền
nhờ ơn Chúa Bề Trên
thiệt nhà mình có phúc!
——————–
Chú thích:
1/ Nỏ có xi = không có chi
Share:

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Lễ truyền chức linh mục tại Hướng Phương 10/01/2013

Ảnh Minh Tiến
                                   Xem thêm ảnh >>https://plus.google.com/

Tại giáo xứ Hướng Phương sáng ngày 10/1/2013, ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp đã truyền chức linh mục cho 4 thầy phó tế.



Các tân linh mục đều thuộc các giáo xứ tại Quảng Bình, bao gồm Vinh Sơn Cao Dương Đông, Hướng Phương, Phêrô Nguyễn Lượng, Cồn Sẻ, Micae Trần Trung Năng, Hướng Phương và Bônaventura Trương Văn Vút, Nhân Thọ.

Đây là lần đầu tiên một thánh lễ truyền chức được tổ chức tại tỉnh Quảng Bình, và cũng là lần đầu tiên đức cha Phaolo phong chức tại giáo phận kể từ ngày ngài được bổ nhiệm làm giám mục.

Hai đợt truyền chức cho 14 thầy phó tế khác sẽ được diễn ra tại Văn Hạnh 14/1 và Trại Gáo 17/1.


Giáo phận Vinh hiện vẫn còn khoảng 30 giáo xứ chưa có linh mục. Được biết các tân linh mục sẽ nhận nhiệm sở sau Tết Quý Tỵ.

John Phạm 
Share:

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

TGP Sài Gòn không tham dự hội nghị tuyên truyền giới thiệu nghị định 92


Tòa Tổng Giám mục TPHCM
Số: I.83.2013.002
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 3.1.2013
Kính gửi : Ban Tôn giáo Chính phủ
(Kính nhờ Ban Tôn giáo TPHCM chuyển)
Trích yếu: v/v không gửi đại biểu tham dự hội nghị tuyên truyền giới thiệu
NĐ 92/2012/NĐ  – CP tại TPHCM ngày 4/01/2013.
Thưa Quý ban,
Tòa Tổng Giám mục TPHCM đã nhận được thư mời đề ngày 24/12/2012 của Quý ban mời tham dự Hội Nghị tuyên truyền giới thiệu Nghị định số 92/2012/NĐ – CP.
Tòa Tổng Giám Mục Hồ Chí Minh xin không cử đại biểu tham dự Hội nghị nêu trên vì những lý do sau:
1. Ngày 25/12 hằng năm là ngày đại lể mừng Thiên Chúa Giáng Sinh, do đó những ngày trước và sau ngày 25/12 Tòa Tổng Giám Mục cũng như những thành viên phụ trách các Dòng tu nam nữ, các Linh mục Hạt trưởng và trưởng các Ban mục vụ trong Giáo phận dành hết thì giờ và công sức cho đại lễ này.
Từ nhiều năm nay, các ngày 24, 25 và 26/12 Văn phòng Tòa Tổng Giám Mục TPHCM không làm việc để tập trung vào những việc mục vụ khác, mà theo nội dung thư mời chúng tôi lại phải gửi danh sách đại biểu tham dự đến Quý ban trước ngày 27/12/2012.
2. Theo nội dung thư mời tham dự Hội nghị tuyện truyền giới thiệu Nghị định số 92/2012/NĐ – CP, Tòa tổng Giám mục xét thấy không cần thiết cử đại biểu tham dự đơn giản là từ khi NĐ số 92/2012/NĐ – CP được ban hành ngày 08/11/2012, Tòa Tổng Giám mục TPHCM đã nhiều lần tổ chức cho các Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân tìm hiểu, trao đổi và phân tích Nghị định số 92/2012/NĐ – CP, cũng như thời gian trước đây Tòa Tổng Giáo mục TPHCM cũng đã gửi đến Quý ban bản góp ý chi tiết về dự thảo Nghị định này.
Trân trọng.
Linh Mục Tổng Đại Diện       
GB Huỳnh Công Minh
—————————————-

Bài đọc thêm

Góp ý xây dựng nghị định mới về tín ngưỡng, tôn giáo


LTS: Nhìn chung Dự thảo Nghị Định thay thế Nghị Định 22/2005 (lần 5) là một sự thụt lùi nặng nề so với Nghị Định 22/2005, Pháp Lệnh Về tín ngưỡng, tôn giáo và Hiến Pháp. Thực chất, những dự định thay đổi của Nghị định muốn tái lập tình trạng Xin – Cho trong các sinh hoạt tôn giáo. Cơ chế Xin – Cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân qua những thủ tục cấp phép. Như thế cơ chế Xin – Cho vừa xoá đi các quyền tự do của người dân, vừa biến một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân thành một chủ nhân ông nắm trong tay các quyền tự do của người dân và thi ân cho họ theo cảm tính hoặc ngẫu hứng của mình.
TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu . Q 3
Thành phố HCM
( (84.8) 3930 3828
Fax (84.8) 3930 0598
E.mail : tgmsaigon@vnn.vn
BẢN GÓP Ý XÂY DỰNG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH THAY THẾ NGHỊ ĐỊNH SỐ 22/ 2005/ NĐ-CP
Kính Gửi: Ngài Thủ Tướng Chính Phủ
Qua Ban Tôn Giáo Chính Phủ
Chúng tôi nhận được Lời mời của Ban Tôn Giáo Chính phủ tới dự Hội thảo góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 22/2005/NĐ-CP ngày 01/03/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Về Tín ngưỡng, Tôn giáo, vào lúc 8 giờ, ngày 26/04/2011 tại Hội trường C8, Nhà khách T8, 145 Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi đến dự chúng tôi hoàn toàn bị động vì không có thời gian đủ để tìm hiểu bản dự thảo (lần 5). Theo ý kiến của mọi người dự cuộc hội thảo, chúng tôi về tìm hiểu, nghiên cứu bản Dự thảo để góp ý kiến xây dựng.
Ngày 13/05/2011 với sự hiện diện của đại diện các Giáo Phận Xuân Lộc, Phan Thiết, Đà Lạt, Phú Cường, Tp. HCM, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Cần Thơ thuộc Giáo tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự chủ toạ của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã có buổi hội thảo đóng góp ý kiến thẳng thắn và nhất quán.
Trải qua thực tế các sinh hoạt tôn giáo từ sau khi Pháp Lệnh Năm 2004 Về Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị Định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp Lệnh ra đời, có những mặt tích cực nhưng cũng có nhiều bất cập thậm chí gây bất công cho các Tôn Giáo và các chức sắc trong các sinh hoạt tôn giáo thuần tuý và các nỗ lực trong việc tham gia xây dựng phát triển đời sống con người, xã hội và Đất nước. Vì thế, xin gửi đến quí vị bản ý kiến chung của Giáo tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
1. “Phục vụ con người là mục đích tối cao” của mọi tổ chức và cơ chế xã hội (Xem Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI). Khẳng định này đặt con người làm mục đích và trọng tâm của mọi hoạt động, đặc biệt là trong việc xây dựng và hoàn thiện một hệ thống Pháp Luật trên nền tảng Pháp trị mà Đảng và Nhà Nước đang nỗ lực phát triển. Luật phải thực sự “vị nhân sinh”, mang tính tôn trọng sự sống, nhân phẩm và nhân quyền, tôn trọng sự bình đẳng giữa mọi thành phần và giai cấp xã hội, tôn trọng sự tự do làm người hữu ích cho cộng đồng xã hội, hướng đến một trật tự xã hội nhân bản hơn.
2. Từ Hiến Pháp đến Pháp Lệnh Về Tín ngưỡng, Tôn giáo đều khẳng định : “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy”. Nhưng thực tế ngay trong các điều khoản của Pháp Lệnh năm 2004 và nghị định 22/2005/NĐ-CP đã có nhiều bất cập và bất bình đẳng đối với các Tôn giáo và các chức sắc. Đó là Nhà nước công nhận sự hiện diện, tồn tại của các tôn giáo nhưng không công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo và các chức sắc. Do đó, chức sắc tôn giáo không được hưởng nhận những quyền công dân như các công dân khác và quyền đại diện cho tổ chức tôn giáo trước mặt pháp luật. Đồng thời, tổ chức tôn giáo không được hưởng quyền pháp nhân như các tổ chức xã hội hợp pháp khác theo hiến pháp và pháp luật. Vì thế, pháp luật cần phải xác định rõ ràng tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo và các chức sắc. Các tổ chức tôn giáo và chức sắc bị hạn chế; thay vì được hưởng những quyền lợi chính đáng thì phải đi xin những quyền đó như tự do tổ chức lễ nghi tôn giáo, truyền đạo, đào tạo, phong chức …
3. Pháp lệnh qui định tài sản hợp pháp thuộc các cơ sở tôn giáo được pháp luật “bảo hộ”; nhưng trong thực tế không có văn bản pháp qui nào trình bày rõ ràng thế nào là bảo hộ và quyền lợi về phía tôn giáo được bảo hộ như thế nào. Từ đó dẫn tới tình trạng nhiều cơ sở và đất đai của các tôn giáo bị chiếm dụng bất công. Luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển trong đời sống xã hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân. Vì vậy, cần phải quan tâm tới quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán” (số 17). ( Xem Quan Điểm Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Về Một Số Vấn Đề Trong Hoàn Cảnh Hiện Nay công bố ngày 25.09.2008). Các tổ chức tôn giáo có quyền làm chủ tài sản và đất đai, đồng thời họ cũng phải nhận trách nhiệm của mình đối với xã hội về những tài sản đó.
4. Các tôn giáo đều có lý tưởng phục vụ con người và xã hội ngày càng thăng tiến hơn. Do đó, các tổ chức tôn giáo đều có các hoạt động xã hội, đặc biệt trong lãnh vực y tế và giáo dục. Theo Pháp Lệnh và Nghị định, các Chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân được Nhà nước khuyến khích tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật nhưng lại chỉ hạn chế trong một số lãnh vực. Trong khi đó, với đường hướng phát triển xã hội hoá ngày nay, ngay cả công dân và tổ chức nước ngoài cũng được phép mở bệnh viện, mở trường học tới cấp đại học. Do đó, chúng tôi đề nghị các tổ chức tôn giáo phải được pháp luật nhìn nhận bình đẳng với các pháp nhân khác, trong lãnh vực y tế và giáo dục.
5. Nhìn chung Dự thảo Nghị Định thay thế Nghị Định 22/2005 (lần 5) là một sự thụt lùi nặng nề so với Nghị Định 22/2005, Pháp Lệnh Về tín ngưỡng, tôn giáo và Hiến Pháp. Thực chất, những dự định thay đổi của Nghị định muốn tái lập tình trạng Xin – Cho trong các sinh hoạt tôn giáo. Cơ chế Xin – Cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân qua những thủ tục cấp phép. Như thế cơ chế Xin – Cho vừa xoá đi các quyền tự do của người dân, vừa biến một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân thành một chủ nhân ông nắm trong tay các quyền tự do của người dân và thi ân cho họ theo cảm tính hoặc ngẫu hứng của mình.
Trên đây là môt số góp ý căn bản với lòng chân thành, Giới Công giáo chúng tôi muốn xây dựng một hệ thống pháp luật ngày càng tiến bộ, thực sự vì dân, do dân, nhờ đó mà đất nước ngày càng phát triển cách bền vững. Chúng tôi hiểu rằng mọi vấn đề trong xã hội đều phải có quá trình phát triển khách quan của nó. Tinh thần thượng tôn Pháp luật cũng thế, muốn có sự phát triển cần phải can đảm thay đổi não trạng, cần phải có sự tôn trọng chân lý khách quan và thực sự thay đổi từ chính nền tảng căn bản của nền pháp trị chứ không chỉ ở các qui định hay nghị định dưới luật.
Trân trọng kính chào.
Làm Tại Toà Tổng Giám Mục TP.HCM ngày 13 tháng 05, năm 2011
Gioan Baotixita PHẠM MINH MẪN
Hồng y Tổng giám mục
Đã ký
Thư ký
Lm. Giuse M. LÊ QUỐC THĂNG
Trưởng Ban Công lý và Hoà Bình Tổng giáo phận Tp.HCM
Đã Ký
Nguồn: conglyvahoabinh.org
Share:

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

6 trẻ được rửa tội đầu năm 2013

Minh Tiến

Bước vào năm mới 2013 giáo xứ Hòa Ninh vui mừng đón 6 bé sơ sinh và được cha xứ Anton Hoàng Minh Tâm ban bí Tích rửa tội. Các gia đình vui mừng phấn khởi khi các bé được lãnh nhận bí tích rửa tội vào những ngày đầu năm mới.









Share:

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Nỗi đau bao trùm làng chài Cồn Sẻ



Đưa thi thể anh Mai Khương Duy lên bờ

Dân Việt - Đã hai ngày trôi qua, dồn mọi nỗ lực cũng chỉ mới tìm được thi thể một nạn nhân trong vụ chìm tàu cá QB 93714. 13 người còn lại vẫn biệt vô âm tính giữa biển khơi lạnh lẽo…


Làng chài Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) những ngày này bao trùm không khí tang thương. Những mái đầu bạc, khuôn mặt già nua, khắc khổ ngóng tin con về. Những người vợ vật vã với nỗi đau đớn tột cùng…


Đường về nhà vô tận


Mấy ngày qua, người dân Cồn Sẻ hầu như ngưng mọi công việc thường nhật, cả làng tập trung tìm kiếm thi thể các nạn nhân. Hàng chục chiếc tàu cá gác lại việc ra khơi để ra biển tìm kiếm bạn tàu. Ở trong bờ, hàng trăm người dân tỏa đi khắp các bờ biển để tìm kiếm, những mong thi thể các nạn nhân có thể trôi dạt vào bờ.


Vậy nhưng đến trưa nay, 1.1, chỉ có một thi thể nạn nhân được tìm thấy là anh Mai Khương Duy (25 tuổi). Anh Duy được bạn tàu tìm thấy ở neo cờ nổi tại nơi tàu gặp nạn. Theo nhận định của những người đi tìm kiếm, có khả năng lúc bị nạn, anh Duy đã tự cột tay mình vào neo cờ.


Đón thi thể chồng về trong ngày đông lạnh lẽo, chị Mai Thị Lực - vợ anh Duy, quặn lòng: “Mấy hôm trước, anh còn điện thoại về hỏi thăm con đã khỏi bệnh chưa? Tình hình gia đình thế nào, nhưng giờ đây anh đã không còn”.

“Đường về nhà tưởng đã gần rồi mà chừ đã trở nên vô tận” – chị Lực nghẹn ngào.
Chị Trang khóc ngất khi chồng mất

Chị kể, tàu ra khơi ngày 25.12, khi đánh bắt cá tại khu vực đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) thì gặp thời tiết xấu. Chủ tàu đã quyết định cho tàu vào bờ, khi gần đến bờ, chỉ cách Cửa Gianh khoảng 6 -7 hải lý thì tàu gặp nạn.


Vợ chồng chị sống bên nhau chưa được bao lâu và mới có được đứa con gái đầu lòng vừa tròn 5 tháng tuổi.


Bà Phạm Thị Liêm (52 tuổi), mẹ anh Duy, gào khóc bên thi thể con trai: “Duy ơi, sao con không gọi anh, gọi em cùng về luôn. Giờ con về rồi, còn thằng Dũng, thằng Bách nó nằm dưới biển chắc lạnh lắm”.


Cùng đi trên tàu QB-93714TS, ngoài anh Duy, trong gia đình bà Liêm còn có người con rể Hoàng Dũng (32 tuổi) và người em trai anh Duy là Mai Thái Bách (18 tuổi). Thế nhưng hiện cả 2 vẫn mất tích trên biển.


Và những đứa trẻ mồ côi cha...


Ông Nguyễn Cương – trưởng thôn Cồn Sẻ, mấy hôm nay lao đi, cùng tìm kiếm các nạn nhân.


Gặp chúng tôi, ông nghẹn ngào: “Thương tâm lắm các chú à. Rứa là 14 gia đình mất đi những người trụ cột, gần 20 đứa trẻ thơ đã không còn cha”.


Người gánh chịu nỗi đau lớn nhất là ông bà Nguyễn Tính (62 tuổi) và Phạm Thị Hoa (58 tuổi). 6 người con (4 con ruột, 2 con rể) đã mãi mãi ra đi trong chuyến tàu định mệnh này.

Ông Nguyễn Tính cho biết, chiếc tàu trên được đóng cách đây 7 năm và là nguồn thu nhập chính của đại gia đình ông. Bây giờ tàu không còn, 6 đứa con biệt tích ngoài biển khơi, còn nơi quê nhà, 11 đứa trẻ thơ còn khờ dại ngóng tin cha…
Vợ chồng ông Tính bà Hoa mất 6 đứa con

Những người con của ông mất đi để lại cho ông bà 11 đứa cháu mồ côi và không biết rồi đây, thiếu đi người cha trụ cột, chúng sẽ bấu víu vào đâu...


Đến nhà thuyền trưởng Nguyễn Phong (36 tuổi), chị Cao Thị Trang (33 tuổi, vợ nạn nhân Phong) nằm khóc ngất và nói như mê sảng vì chịu không nổi sự mất mát quá to lớn này. 3 đứa con thơ đang ngơ ngác nhìn mẹ, chúng con quá nhỏ để cảm nhận được nỗi đau đớn tột cùng này.


"Chị ấy vốn bị bệnh tim, không biết rồi có vượt qua nỗi đau này không " - một chị hàng xóm nói.


Trước khi tàu bị chìm, anh Phong có điện về nhà và gặp con gái lớn là cháu Nguyễn Thị Tha, 7 tuổi. Cháu cho biết: "Khoảng hơn 21 giờ, ba cháu có điện về, mẹ cháu đi vắng, ba nói mấy mẹ con đọc kinh cầu nguyện cho ba với chứ sóng to gió lớn lắm, rồi điện thoại tắt”...


Phan Phương

Share:
Được tạo bởi Blogger.

Thống kê

Top Menu

Theme Support