Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Sắc lệnh mở Năm thánh giáo xứ Hòa Ninh

TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO
Số 647/13/I
SẮC LỆNH

Tòa Ân Giải Tối Cao, do năng quyền đặc biệt nhận được từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô, theo sự quan phòng của Thiên Chúa, là Cha và Thầy của chúng ta trong Đức Kitô, rộng ban cho Đức Cha khả kính Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, nhân dịp kỷ niệm 150 năm thành lập Giáo xứ Hòa Ninh, sau khi cử hành trọng thể Thánh Lễ vào ngày thuận tiện cho tín hữu, được ban Phép Lành Tòa Thánh với Ơn Toàn Xá cho các tín hữu thật lòng xa lánh mọi quyến luyến tội lỗi và tham dự vào các Lễ Nghi Thánh, với các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng).
Những tín hữu nào muốn lãnh nhận Phép Lành Tòa Thánh, nhưng vì lý do chính đáng không hiện diện cách thể lý trong lúc cử hành các nghi lễ thánh, thì luật cho phép họ vẫn nhận được Ơn Toàn Xá ấy, miễn là họ cầm trí, sốt sắng theo dõi các nghi lễ ấy qua các phương tiện truyền thông như tivi hay radio.
Mọi điều trái nghịch với văn thư này đều vô giá trị.
Ban hành tại Rôma, từ trụ sở Tòa Ân Giải Tối Cao, ngày 08 tháng 11 năm Chúa Giáng Sinh 2013.
Hồng Y Mauro Piacenza
Trưởng Tòa Ân Giải Tối Cao
(Đã ký)             

Christophoro Nykiel
Trưởng Điều hành
Share:

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Lễ khai mạc năm thánh giáo xứ Hòa Ninh

Lễ khai mạc Năm Thánh giáo xứ Hòa Ninh 9:00 ngày 3/12/2013 do Đức Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp chủ sự. Kính mời bà con Hòa Ninh, quê hương bọ mạ, khắp nơi về tham dự. Thông báo này thay giấy mời.
Share:

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Công cha nghĩa mẹ


. Chữ rằng :
Địa nghĩa thiên kinh
Công Cha và nghĩa mẹ
Xét trong mình mà ra
Người khó nhọc sinh ta
Ai ai cùng một lẹ.
Kể từ ngày son sẽ
Mới thành thất thành gia
Mẹ ân ái cùng Cha
Ước sinh con cho sớm
10. Ước sinh mình cho sớm .

Nhờ âm dương giao cảm
Nhờ khí huyết tụ thành
Khi thai đã hình  thành
Cha vừa lo vừa sợ
Mẹ vừa mừng vừa sợ .

Đặt con vào trong dạ
Như  mang họa vào mình
Chừ khí huyết sinh thành
Nuôi cho ta biết mấy
20 Dưỡng thai mình biết mấy .

Thai mỗi ngày một nậy
Mẹ vàng vọt xanh xao
Gẫm như  kẻ nhà giàu
Có cơm ăn thuốc uống
Có sâm qui thuốc  bổ .

Cha mẹ mình nghèo khổ
Biết lấy chi dưỡng thai
Lại kiêng ngủ kiêng ăn
Kiêng miếng ngon của độc .

30. Khi gánh gồng nặng nhọc
Khi vượt biển trèo non
Giữ cho được vẹn tròn
Ra đường đừng lật đật .

Bụng mang thai vượt mặt
Giải nắng lại dầm mưa
Khi đi sớm về trưa
Cực trăm chiều khó nhọc .

Cưu mang dưỡng dục
Đủ chín tháng mười ngày
40. Mẹ tính đốt ngón tay
Đã đến kỳ hoa nở .

Đến kỳ hoa nở
Dầu xấu xa khổ sở
Rõ con đó mẹ đây
Liền  ẳm lấy trên tay
Coi như vàng như ngọc
Coi đồng vàng đồng ngọc .

Đêm nằm trằn trọc
Lo thức thối nuôi con
Bựa ăn nỏ biết ngon
Đêm nằm không biết ngủ .
         
Đêm ngày lụ khụ   
Cha như đứa tiểu hầu         
Mẹ như đứa tiểu hầu          
Dù khó nhọc đến đâu         
Cũng giữ gìn chăm sóc .
         
Khi yếu hèn con khóóc         
Cha tìm kiếm thuốc thang         
Mẹ bồng con hai hàng (1)         
Nhờ ơn Trời phù hộ .
                 
Ơn Trời phù hộ                 
Cho con khỏe con chơi                 
Kiêng đẹn lại kiêng hơi                   
Đã một tháng ni rồi                 
Lưa chi thân cha mẹ                 
Lưa chi hình cha mẹ !
                 
Trong ngày sinh tháng đẻ                 
Bồng bế nỏ sợ rồi                 
Trông cho con biết ngồi                 
Mong  cho con biết chựng
       
Con đi chưa kịp vựng
Cha cầm tay dắt dần
Tập cho con quen chân
Kẻo lợ làng con bổ.(2)

Khi khóc dai, người thổ (3)
Khi xót xáy, người thoa
Trông tháng đến ngày qua
Trông từng li từng thỉ .

Đêm bồng con đi nghỉ
Trời gió rét căm căm
Nơi chốn ướt mẹ nằm
Nơi khô rê con lại
Chốn ấm bồng con lại .

Về mùa nam nực nội
Cha đưa vọng cả ngày 
Không dám động mạnh tay
Sợ giật mình con dậy.

Khi nghe con cụ quậy
Cha lật đật dậy liền
Mẹ lật  đật dậy liền
Dậy thổi lả thắp đèn (4)
Để cho con chơi giởi
Để cho con mình bú.

Mỗi khi vì nông vụ
Gặt hái mẹ phải làm
Ra đi nỏ an toàn
Mẹ bồng con mẹ khóc.

Con theo khóc rù rì
Mẹ luẫn quẫn không đi
Phải bồng con đi gởi
Bồng con mình đi gởi .
         
Không đi thì sợ đói
Đi nghị lại thương con
Khi vương củi vương than
Khi ao sâu bờ dốc .

Đùm đùm bọc bọc
Để có chút của ngon
Mẹ đem về cho con
Cha mới an  trong tâm
Mẹ mới đành trong dạ .

Khi đang ăn nữa bựa
Con tiểu rửa  trên mình
Ai thấy cũng đều kinh
Cha mẹ mình chịu vậy .

Lau chùi rồi rữa ráy
Mới trở lại mà bồng
Nhớp nhúa cũng như không
Lòng thương con đến nỗi.

Không chi mà hôi thối
Vì một lẹ thương con
Mong cho được vuông tròn
Hát rù hơi riền hỡi .

Chú thích:
1.   Hai hàng nước mắt .
2.   Bổ = té , ngã .
3.   Thổ = dỗ, dụ dỗ .
4.   Lả = lửa .
Share:

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Làm đường vào nghĩa địa Đồng Chăm


Thanh niên và trung niên xóm Tiền Miếu, sau khi đã xây dựng khán đài nghĩa địa Đồng Chăm, nay lại tổ chức thi công xây dựng khuôn viên và con đường từ khán đài xuống hết nghĩa địa. Xin mọi người cầu nguyện và giúp đỡ để công trình có ích này sớm được hoàn thành.

pet Minh Tiến
Share:

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

7 trẻ được rửa tội trong ngày Chúa nhật Phục Sinh 2013

Giáo xứ Hòa Ninh lại vui mừng trong Chúa Phục Sinh, hôm nay giáo xứ lại đón chào 7 bé sơ sinh lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội từ cha quản xứ Antôn Hoàng Minh Tâm, trong niềm vui của Chúa Phục Sinh 7 gia đình có 7 trẻ sơ sinh vui mừng hớn hở đón chào các em đã được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội

          
                                                                                                                                       Pet Minh Tiến
Share:

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Tuần Thánh năm 2013




Giáo xứ Hòa Ninh phụng vụ Tuần Thánh 2013, bắt đầu Chúa Nhật Lễ Lá cha quản xứ Antôn Hoàng Minh Tâm đã kêu gọi bà con trong toàn xứ sốt sắng tham dự Tuần Thánh và năm Đức Tin mà Đức cựu Giáo Hoàng Bênêđittô đã khởi xướng, trong tuần Thánh Cha chủ sự đã làm các nghi thức, rửa chân, đi đàng Thánh giá trọng thể bên ngoài khuôn viên nhà thờ, và thánh lễ đêm vọng Phục Sinh...
pet minh tiến
Share:

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Giáo xứ Hòa Ninh Ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giesu


Hòa Ninh Thứ 4 Tuần Thánh ngày 27 tháng 3 năm 2013, theo chương trình Giáo Hội và Giáo Phận Vinh suy gẫm 15 Sự Thương Khó Đức Giêsu Ki-tô, giáo xứ Hòa Ninh long trọng khai mạc ngắm 15 Sự Thương Khó            Đức Giêsu Ki Tô lúc 12h45 phút ngày 27 tháng 3 năm 2013, mở đầu khai mạc đoàn rước trọng thể Cha quản xứ cùng sách Ngắm từ nhà phòng ra nhà thờ, Cha quản xứ Antôn Hoàng Minh Tâm khai mạc thứ nhất trong ngày trên 15 thứ, bà con giáo dân trong toàn giáo xứ tấp nập tham gia...  và một số hình ảnh sơn trường giáo lý xứ nhà trong dịp này.
       pet Minh Tiến
>> Xin xem thêm hình
<< Hình Trường giáo lý
Share:

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Lễ quan thầy giáo họ Minh Lễ


Hôm nay Giáo Hội hân hoan mừng kính Thánh Cả Giuse, Cha nuôi Chúa Cứu Thế, bạn thanh sạch của Đức Trinh Nữ Maria và là Quan Thầy của Giáo Hội hoàn vũ và cách riêng bổn mạng giáo họ Minh Lệ xứ Hòa Ninh. Trước hết, chúng ta cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội nói chung và cho tất cả tín hữu chúng ta nói riêng một Đấng Thánh là mẫu gương sáng ngời cho chúng ta về đức tin mạnh mẽ , lòng khiêm nhu hiếm có và tinh thần nghèo khó đích thực của Phúc Âm, trong niềm tin đó cùng với giáo Hội giáo họ Minh Lệ long trọng tổ chức thánh lễ quan Thầy của giáo họ, về hiệp dâng thánh lễ ngoài quý cha trong hạt Hòa Ninh còn có sự hiện diện của cha Phaolo Nguyễn Minh Sáng quản xứ Phù Kinh hạt Minh Cầm, khai lễ cha phêrô Nguyễn Văn Phú quản xứ Cồn Nâm hạt Hòa Ninh đã nâng cao tầm quan trọng của thánh quan thầy Giuse, hãy học nơi Người đức khiết tịnh, lòng hay say bỏ mọi tất cả của cuộc đời trần thế mà vâng theo thánh ý Chúa, cha cầu chúc cho con cái trong giáo họ Minh Lệ noi gương Ngài để vượt qua khó nhăn của cuộc sống, nhất là trong thời đại hôm nay. Chia sẽ trong thánh lễ cha phaolo Nguyễn Minh Sáng giáo họ minh lệ đã trãi qua biết bao biến cố của cuộc đời nhất ngôi nhà thờ đã được xây dựng mới, với bao vất vã một nắng hai sương của bà con giáo họ Minh Lệ, rồi cha cũng cầu mong cho con cái trong giáo họ xây dựng ngôi thánh đường trong tâm hồn để rồi một ngày kia trên thiên quốc Chúa sẽ ban ân thưởng nước Chúa cho hết thảy mọi người....

Pet Minh Tiến

Share:

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của ĐGH Phanxicô

VATICAN. 200 ngàn tín hữu cùng với đại diện chính quyền 132 quốc gia cũng như nhiều phái đoàn các Giáo Hội Kitô và liên tôn đã tham dự thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của ĐTC Phanxicô từ lúc 9.30 sáng ngày 19-3-2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Lúc 8 giờ 45, ĐTC Phanxicô đã đi trên chiếc xe díp màu trắng, mui trần, không có kiếng chắn đạn, tiến ra Quảng trường thánh Phêrô. Ngài tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, reo vui, vẫy cờ quốc gia của họ. Có một lúc ĐTC truyền dừng xe lại, ngài xuống xe ôm hôn một người khuyết tật, và những lúc khác, ngài ôm hôn các em bé do các nhân viên an ninh bế lên ngài.

Trước thánh lễ, lúc 9 giờ 20 phút, ĐTC đã xuống hầm dưới bàn thờ chính của Đền Thờ Thánh Phêrô và đến trước mộ của Thánh Tông Đồ trưởng. Tại đây, cùng với 10 thủ lãnh các Giáo hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương, trong đó có 4 vị Thượng Phụ Giáo Chủ, 4 vị Tổng Giám Mục trưởng, trong số này 4 vị là Hồng Y, ngài cầu nguyện và xông hương trên mộ Thánh Nhân. Từ mộ thánh Phêrô, hai thầy Phó tế đã lấy hai chiếc đĩa: một đựng dây Pallium và một đựng nhẫn Ngư Phủ của ĐTC, để tháp tùng ngài trong đoàn rước tiến ra lễ đài trên thềm đền thờ thánh Phêrô.

Thành phần tham dự

Đi trước ĐTC trong đoàn rước là 180 vị đồng tế, hầu hết là các Hồng Y, trong phẩm phục màu trắng vàng, trong khi ca đoàn Sistina của Tòa Thánh hát kinh cầu các Thánh xin các vị phù giúp Đức tân Giáo Hoàng.

Trong đoàn đồng tế, đặc biệt cũng có 2 LM đó là Cha José Rodriguez Carballo người Mêhicô, và Cha Aldolfo Nicolás Pachón, người Tây Ban Nha, Bề trên Tổng quyền dòng Tên. Hai vị được mời đồng tế trong tư cách là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam.

Việc giúp lễ do 15 tu sĩ Phanxicô thuộc Đền thánh La Verna ở miền trung Italia, nơi thánh Phanxicô Assisi nhận 5 dấu thánh, đảm trách với sự phụ giúp của 4 thầy thuộc dòng Phanxicô Viện Tu ở Roma. Phần thánh ca trong buổi lễ do Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh gồm 65 ca viên do Nhạc trưởng là Đức ông Massimo Palombella điều khiển, cộng thêm với Ca đoàn tổng hợp gồm 80 ca viên.

Bên trái bàn thờ là 200 GM và 33 phái đoàn của các Giáo Hội Kitô anh em, đứng đầu là Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople bên Thổ Nhĩ Kỳ, và cũng được coi là vị thủ lãnh danh dự chung của toàn Chính Thống giáo. Các vị lãnh đạo các Giáo Hội Tin Lành, Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, và cả thầy Alois Loeser, tu viện trưởng tu viện Đại kết Taizé bên Pháp.

Cũng ở bên trái nhưng xuống phía trước bàn thờ là phái đoàn của các tôn giáo bạn, từ Do thái giáo, Phật giáo, Hồi giáo, đạo Sikh, Jaina và Ấn Giáo. Sau đó là 1.200 LM và chủng sinh.

Bên hông phải bàn thờ là chỗ dành cho 132 phái đoàn chính thức của các nước, đứng đầu là Tổng thống Cộng hòa Italia, ông Giorgio Napolitano, Bà Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner của Argentina, 6 vị vua, 32 vị Tổng thống, 3 thái tử, phần còn lại là các thủ tướng chính phủ, phu nhân Tổng thống, hoặc Phó tổng thống, trong đó có Ông Joseph Biden của Hoa Kỳ.

Chính quyền thành Roma đã bố trí một số màn hình khổng lồ tại khu vực quảng trường Thánh Phêrô và đường Hòa Giải để dân chúng có thể tham dự thánh lễ.

ĐTC tiến ra lễ đài trước sự vỗ tay vang dội của mọi người. Nhiều lá cờ quốc gia cũng được các tín hữu phất lên, dưới bầu trời đẹp.

Nghi thức nhận Pallium và nhẫn Ngư Phủ

Nghi thức khai mạc sứ vụ Phêrô, theo qui định của ĐTC Biển Đức 16, nay được cử hành liền trước thánh lễ, vì không phải là bí tích. Nghi thức này gồm phần trao dây Pallium Giáo Hoàng và trao nhẫn Ngư Phủ.

Dây Pallium được trao cho ĐTC là dây làm bằng lông chiên màu trắng, có 6 hình Thánh Giá màu đỏ, khi được đeo vào cổ, có một phần dài ở phía trước ngực và một phần dài ở sau lưng. Đây là biểu hiệu cổ kính nhất của Giám Mục. Simeon thành Tessalonica viết: ”Dây Pallium chỉ Chúa Cứu Thế khi gặp chúng ta như chiên lạc đàn, Ngài vác lên vai, và khi nhận lấy nhân tính con người trong cuộc nhập thể, Ngài thần hóa nhân tính ấy bằng cái chết của Ngài trên Thánh Giá, Ngài dâng chúng ta cho Chúa Cha, và qua cuộc phục sinh, Ngài nâng chúng ta lên cao”.
Vì thế dây Pallium nhắc nhớ vị Mục Tử nhân lành (cf Ga 10,11), vác trên vai con chiên lạc (cf Lc 15,4-7), và 3 câu trả lời yêu mến đáp lại 3 câu Chúa Giêsu Phục Sinh hỏi thánh Phêrô, và Chúa dạy thánh nhân hãy chăn các con chiên con và chiên mẹ của Ngài (cf Ga 21,15-17).

3 vị Hồng Y là Angelo Sodano, niên trưởng HY đoàn, trưởng đẳng GM, ĐHY Godfried Danneels, nguyên TGM Bruxelles bên Bỉ, trưởng đẳng HY Linh Mục, và ĐHY Jean Louis Tauran, người Pháp, trưởng đẳng HY Phó tế lần lượt tiến lên trước mặt ĐTC. ĐHY Tauran cầu xin Thiên Chúa của hòa bình ban cho ĐGH dây Pallium đã lấy từ bàn thờ tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô Tông Đồ, là Đấng mà Mục Tử nhân lành đã truyền chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Ngài, và ngày hôm nay ĐTC kế vị thánh nhân. Xin Thánh Thần Chân Lý ban ơn soi sáng và phân định cho sứ vụ của ĐTC củng cố các anh em trong đức tin duy nhất.

Rồi ĐHY trưởng đẳng Phó tế tiến lên đeo dây Pallium vào cổ Đức tân Giáo Hoàng, tiếp đến ĐHY trưởng đẳng LM Danneels kết thúc với lời nguyện: ”xin Thiên Chúa chúc lành và củng cố ơn Thánh Linh để sứ vụ của Đức tân Giáo Hoàng tương ứng với sự cao cả của đoàn sủng mà Chúa đã ban cho Người.”

Sau đó là nghi thức trao nhẫn Ngư Phủ. Ngay từ ngàn năm thứ I, nhẫn là biểu hiệu riêng của Giám Mục. Chiếc nhẫn Ngư Phủ được trao cho ĐTC Phanxiô bằng bạc có hình thánh Phêrô đang cầm chìa khóa, có nghĩa đó là nhẫn chứng thực thực đức tin và nói lên nghĩa vụ được ủy thác cho thánh Phêrô là củng cố các anh em mình (cf Luca 22,32). Nhẫn này được gọi là Nhẫn Ngư Phủ vì thánh Phêrô là Tông Đồ Ngư Phủ (cf Mathêu 4,18-19). Sau khi tin vào lời Chúa Giêsu (cf Luca 5,5), thánh nhân đã thả lưới và kéo vào bờ mẻ cá lạ lùng (cf Gioan 21,3-14).

ĐHY Angelo Sodano, trưởng đẳng GM, nói: ”Kính thưa Đức Thánh Cha, chính Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, là Mục tử và là Giám mục của các linh hồn chúng ta, Đấng đã xây dựng Giáo Hội trên đá tảng, ban cho ĐTC Nhẫn này, ấn tín của Thánh Phêrô Ngư Phủ, Người đã sống niềm hy vọng trên biển Tiberiade và Chúa đã trao cho Người chìa khóa nước trời. Ngày hôm nay, ĐTC kế vị Thánh Phêrô trong Giám mục đoàn của Giáo Hội này, làm đầu trong tình hiệp thông hiệp nhất theo giáo huấn của Thánh Phaolô Tông Đồ. Xin Thánh Thần tình yêu được phú vào tâm hồn chúng ta làm cho ĐTC được tràn đầy sức mạnh và sự dịu dàng để giữ gìn các tín hữu Chúa Kitô, qua sứ vụ của ĐTC, trong sự hiệp thông duy nhất”.

Rồi ĐHY Sodano trao Nhẫn Ngư Phủ cho ĐTC, giữa tiếng vỗ tay vang dội của cộng đoàn.

Tiếp đến là nghi thức tuân phục. Hồi ĐGH Biển Đức 16 khai mạc sứ vụ, ngoài các Hồng y còn có các đại diện LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân, tổng cộng là 12 người, nhưng lần này chỉ có 6 HY đại diện, mỗi đẳng GM, LM và Phó tế 2 vị. Hai vị đứng đầu là ĐHY Giovanni Battista Re và ĐHY Bertone.

Trong nghi thức này không có đại diện LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân vì họ sẽ cử hành nghi thức tuân phục trong buổi lễ ĐTC Phanxicô sẽ cử hành trong mùa Phục Sinh khi đến nhận Nhà thờ chính tòa giáo phận Roma của ngài là Đền thờ thánh Gioan Laterano.

Thánh lễ kính Thánh Giuse với kinh nguyện và các bài đọc đi kèm bắt đầu sau nghi thức nhận Pallium và nhẫn Ngư Phủ của ĐTC.

Bài Tin Mừng được hát bằng tiếng Hy Lạp kể lại sự tích thánh Giuse sau khi thấy Đức Maria có thai, thì toan tính âm thầm bỏ rơi Người, nhưng đã được Sứ thần Chúa hiện ra trong giấc mộng và dạy hãy đón nhận Đức Maria về nhà mình.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng tiếp đó bằng tiếng Ý, ĐTC nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi cảm tạ Chúa vì được cử hành Thánh Lễ này, khai mạc sứ vụ Phêrô trong ngày lễ trọng kính Thánh Giuse, Hôn Phu của Đức Trinh Nữ Maria, và là Bổn Mạng của Giáo Hội: đây là một dịp trùng hợp đầy ý nghĩa và cũng là lễ bổn mạng của Vị Tiền Nhiệm Đáng Kính của tôi: chúng ta gần gũi ngài trong kinh nguyện, đầy lòng quí mến và biết ơn (vỗ tay).

Tôi thân ái chào các anh em Hồng y và Giám Mục, các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em giáo dân. Tôi cám ơn các đại diện của các Giáo Hội và Cộng đoàn Giáo Hội khác hiện diện nơi đây cũng như các đại diện của cộng đồng Do thái và các cộng đồng tôn giáo khác. Tôi gửi lời chào nồng nhiệt đến các vị Quốc trưởng và Thủ tướng chính phủ, các phái đoàn chính thức của bao nhiêu nước trên thế giới và ngoại giao đoàn.

Chúng ta đã nghe trong Tin Mừng rằng ”Giuse làm như Thiên Thần Chúa đã truyền và đón nhận hiền thê của mình” (Mt 1,24). Trong những lời này có gồm tóm sứ mạng mà Thiên Chúa ủy thác cho Giuse, sứ mạng làm người canh giữ. Nhưng canh giữ ai? Thưa là canh giữ Mẹ Maria và Chúa Giêsu, nhưng đó là một sự canh giữ được nới rộng cho toàn thể Giáo Hội, như Chân phước Gioan Phaolô 2 đã nhấn mạnh: ”Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Đức Giêsu Kitô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Đức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu” (Tông Huấn Redemptoris Custos, 1).

Thánh Giuse thi hành công việc canh giữ ấy như thế nào? Thưa một cách kín đáo, khiêm tốn, trong thinh lặng, nhưng với một sự hiện diện liên lỷ và trung tín hoàn toàn, cả khi Ngài không hiểu. Từ khi kết hôn với Mẹ Maria cho đến biến cố Chúa Giêsu 12 tuổi tại Đền thờ Jerusalem, Ngài ân cần yêu thương đồng hành trong mọi lúc. Ngài ở cạnh Maria Hiền thê của Ngài trong những lúc thanh thản cũng như trong những lúc khó khăn của cuộc sống, trong hành trình đi Bêlem để kiểm tra dân số, và trong những giờ hồi hộp và vui mừng của cuộc sinh hạ; trong lúc bi thảm tị nạn sang Ai Cập và trong cuộc vất vả tìm con tại Đền Thờ; và rồi trong cuộc sống hằng ngày tại nhà Nazareth, trong phòng làm việc nơi thánh nhân đã dạy nghề cho Chúa Giêsu.

Thánh Giuse đã sống ơn gọi gìn giữ Mẹ Maria, Chúa Giêsu và Giáo Hội như thế nào? Thưa trong sự luôn quan tâm để ý tới Thiên Chúa, cởi mở đối với những dấu hiệu của Chúa, sẵn sàng đối với dự phóng của Chúa, không phải tới điều riêng của mình, nhưng điều mà Thiên Chúa yêu cầu Vua Davít, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ I; Thiên Chúa không mong ước một nhà do con người làm ra, nhưng Chúa muốn lòng trung thành với Lời Ngài, với kế hoạch của Ngài; và chính Thiên Chúa xây dựng căn nhà, nhưng bằng những viên đá sống động nhờ Thánh Thần của Ngài. Và thánh Giuse là người ”canh giữ”, vì Ngài biết lắng nghe Thiên Chúa, để cho thánh ý Chúa hướng dẫn, và chính vì thế thánh nhân càng nhạy cảm hơn đối với những người được ủy thác cho Ngài, biết đọc các biến cố một cách thực tế, chú ý đến những gì ở chung quanh và biết đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn. Các bạn thân mến, chúng ta thấy thánh Giuse đáp ứng ơn gọi của Chúa như thế nào, với thái độ sẵn sàng, mau mắn, nhưng chúng ta cũng thấy đâu là trung tâm điểm ơn gọi Kitô, là chính Chúa Kitô! Chúng ta hãy gìn giữ Chúa Kitô trong đời sống chúng ta, để giữ gìn những người khác, để giữ gìn thiên nhiên, công trình sáng tạo.

”Nhưng ơn gọi của người canh giữ không phải chỉ liên hệ đến các tín hữu Kitô chúng ta mà thôi, nhưng còn có một chiều kích đi trước và nhân bản, liên hệ tới tất cả mọi người. Đó là việc bảo tồn toàn thể thiên nhiên, vẻ đẹp của công trình tạo dựng, như được trình bày cho chúng ta trong Sách Sáng Thế và như thánh Phanxicô Assisi đã chỉ cho chúng ta; đó là tôn trọng đối với mỗi thụ tạo của Thiên Chúa và môi trường trong đó chúng ta sinh sống. Đó là giữ gìn con người, chăm sóc tất cả mọi người, mỗi người, với tình yêu thương, đặc biệt là các trẻ em, người già, những người yếu đuối hơn và thường ở ngoài lề tâm hồn chúng ta. Đó là chăm sóc lẫn nhau trong gia đình: vợ chồng gìn giữ nhau, và trong tư cách là cha mẹ, họ chăm sóc con cái, rồi với thời gian cả con cái cũng trở thành những người gìn giữ cha mẹ. Đó là sống những tình bạn chân thành, là một sự gìn giữ nhau trong sự tín nhiệm, trong sự tôn trọng và trong thiện ích. Xét cho cùng, tất cả đều được ủy thác cho sự gìn giữ của con người, và đó là một trách nhiệm liên hệ tới tất cả chúng ta. Anh chị em hãy trở thành những người gìn giữ hồng ân của Thiên Chúa.

”Và khi con người thiếu sót trách nhiệm của mình, khi chúng ta không chăm sóc công trình tạo dựng và các anh chị em chúng ta, thì khi ấy xảy ra sự tàn phá và con tim trở nên chai đá. Rất tiếc là trong mỗi thời đại, đều có những ”vua Hêrôđê” đề ra những mưu đồ chết chóc, hủy hoại và bóp méo khuôn mặt của con người nam nữ.
Tôi muốn xin tất cả những người đang nắm giữ các vai trò trách nhiệm trong lãnh vực kinh tế, chính trị hoặc xã hội, tất cả những người thiện chí: ”Chúng ta hãy trở thành những người gìn giữ công trình tạo dựng, gìn giữ kế hoạch của Thiên Chúa được ghi khắc trong thiên nhiên, giữ gìn tha nhân, môi sinh; chúng ta đừng để cho những dấu hiệu tàn phá và chết chóc tháp tùng hành trình của thế giới chúng ta! Nhưng để ”gìn giữ” thì chúng ta cũng phải chăm sóc chính mình! Chúng ta hãy nhớ rằng oán ghét, ghen tương, kiêu ngạo làm cho cuộc sống bị nhơ bẩn! Gìn giữ có nghĩa là canh chừng những tâm tình chúng ta, con tim chúng ta, vì chính từ đó nảy sinh những ý hướng tốt hay xấu: những ý hướng xây dựng và những ý hướng hủy hoại! Chúng ta không được sợ sự tốt lành, và cũng đừng sợ sự dịu dàng!

”Và ở đây, tôi muốn ghi nhận thêm điều này: chăm sóc, giữ gìn, đòi phải có sự tốt lành, đòi phải được sống với sự dịu dàng. Trong các sách Phúc Âm, thánh Giuse xuất hiện như một người mạnh mẽ, can đảm, chuyên cần làm việc, nhưng trong tâm hồn Ngài trổi vượt một sự rất dịu dàng, đây không phải là đức tính của kẻ yếu, trái lại, nó chứng tỏ một tâm hồn mạnh mẽ và có khả năng chú ý, cảm thương, thực sự cởi mở đối với tha nhân, yêu thương. Chúng ta không được sợ sự tốt lành và dịu dàng!

”Ngày nay, cùng với lễ Thánh Giuse, chúng ta cử hành khởi đầu sứ vụ của tân GM Roma, người Kế Vị Thánh Phêrô, cũng bao gồm một quyền bính. Dĩ nhiên Chúa Giêsu Kitô đã ban quyền cho thánh Phêrô, nhưng đó là quyền bính gì thế? Sau ba câu Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô về tình yêu, có 3 lời mời gọi: hãy chăn các chiên con, hãy chăn giắt các chiên mẹ của Thầy. Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ và cả Giáo Hoàng, để thi hành quyền bính này, ngày càng phải tiến sâu hơn vào việc phục vụ ấy, việc phục vụ có tột đỉnh sáng ngời trên Thập Giá; Giáo Hoàng phải nhìn đến sự phục vụ khiêm tốn, cụ thể, đầy đức tin, của thánh Giuse và như thánh nhân, mở rộng vòng tay để giữ gìn toàn thể Dân Chúa và yêu thương, dịu dàng, đón nhận toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, những người nhỏ bé nhất, những người mà thánh Mathêu mô tả trong cuộc phán xét chung về đức bác ái: những người đói, khát, ngoại kiều, người trần trụi, bệnh nhân, tù nhân (Xc Mt 25,31-46). Chỉ những ai phục vụ với lòng yêu mến mới biết giữ gìn!

Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô nói về Abraham, người ”đã tin, kiêm vững trong niềm hy vọng bất chấp mọi nghịch cảnh” (Rm 4.18). Kiên vững trong niềm hy vọng, bất chấp mọi nghịch cảnh! Cả ngày nay, đứng trước bao nhiêu chân trời đen xám, chúng ta cần thấy ánh sáng hy vọng và chính chúng ta trao ban hy vọng. Giữ gìn công trình tạo dựng, mỗi người nam nữ, với cái nhìn dịu dàng và yêu thương, đó chính là mở rộng chân trời hy vọng, là mở ra một luồng sáng giữa bao nhiêu mây mù, là mang sức nóng hy vọng! Và đối với tín hữu, đối với các tín hữu Kitô chúng ta, như Abraham, như thánh Giuse, niềm hy vọng mà chúng ta mang có chân trời của Thiên Chúa được mở rộng cho chúng ta trong Chúa Kitô, được xây dựng trên đá tảng là Thiên Chúa.

”Giữ gìn Chúa Giêsu với Mẹ Maria, giữ gìn toàn thể công trình sáng tạo, giữ gìn mỗi người, đặc biệt là người nghèo nhất, giữ gìn chính chúng ta; đó là một công tác phục vụ mà Giám Mục Roma được kêu gọi chu toàn, nhưng đó cũng là ơn gọi mà tất cả chúng ta được mời gọi làm cho ngôi sao hy vọng được chiếu sáng rạng ngời: Chúng ta hãy gìn giữ với lòng yêu mến điều Thiên Chúa đã ban cho chúng ta!

”Tôi cầu khẩn sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, của Thánh Giuse, của thánh Phêrô và Phaolô, thánh Phanxicô, xin Chúa Thánh Linh tháp tùng sứ vụ của tôi, và tôi nói với tất cả anh chị em rằng: xin cầu nguyện cho tôi! Amen

Các ý nguyện

Bài giảng của ĐTC bị ngắt quãng nhiều lần vì những tiếng vỗ tay của các tín hữu, lần đầu khi ngài chúc mừng lễ Bổn mạng của Vị Tiền nhiệm và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Người.

Trong phần lời nguyện phổ quát, đã có 5 ý nguyện được xướng lên là tiếng Nga, Pháp, Arap, Swahili bên Phi châu và tiếng Hoa, lần lượt cầu cho Giáo Hội: Xin Thiên Chúa toàn năng nâng đỡ mọi người, các mục tử và tín hữu, sống tuân phục vô điều kiện đối với Tin Mừng; xin Chúa gìn giữ ĐGH Phanxicô trong việc thi hành sứ vụ của Người Kế Nhiệm Thánh Phêrô và Chủ Chăn của toàn thể Giáo hội; cầu cho các người cầm quyền: xin Chúa soi sáng tâm trí và hướng dẫn họ trong việc xây dựng nền văn minh tình thương; cầu cho những người nghèo khổ trên trái đất: xin Chúa bồi dưỡng, an ủi và ban cho họ niềm hy vọng nhờ lòng bác ái của các tín hữu Kitô; sau cùng là cầu cho gia đình của Thiên Chúa đang tụ họp trong thánh lễ: xin Chúa biến đổi cuộc sống của tất cả các tín hữu nên giống Chúa Giêsu.

Để rút ngắn thời gian buổi lễ, không có phần tiến dâng lễ vật, và ĐTC cũng không đích thân cho rước lễ, nhưng một thầy Phó tế đã làm thay. Trong khi đó có 500 LM mang Mình Thánh Chúa phân phát cho các tín hữu tại khu vực hành lễ. Sau thánh lễ, ở bên trong Đền thờ Thánh Thánh Phêrô, ĐTC đã chào thăm các vị thủ lãnh của 132 phái đoàn chính thức do chính phủ các nước gửi đến dự lễ. Bắt đầu là bà tổng thống Cristina Kirchner của Argentina và tổng thống Giorgio Napolitano của Italia.

Lễ khai mạc sứ vụ của ĐTC kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ và được nhiều tín hữu trên thế giới theo dõi qua truyền hình.

G. Trần Đức Anh OP, RV
Share:

Ông lão dưới ruộng đi bừa


Bút ký Bố Chính Nhân

Giữa thập niên 50, tôi rời quê. Tên những cánh đồng nằm giữa châu thổ sông Gianh như Cồn Cao, Nương Cộ, Đồng Chăm, tôi phải bỏ lại sau lưng và mờ nhạt dần trong trí nhớ để đón chào những thành phố xa lạ mới nghe tên và thấy lần đầu tiên trong đời tôi như Đồng Hới, Đông Hà, Quảng Trị, Huế, rồi Đà Nẵng …

Tuổi thơ của tôi trải rộng không quá mặt bằng bình nguyên giới hạn bởi ba Nguồn của dòng Sông Gianh; Nguồn Nậy ở phía bắc, Nguồn Nan ở giữa và Nguồn Son ở phía nam.
Sông Gianh cả thảy ba nguồn
Nguồn Nan, nguồn Nậy lại còn nguồn Son
Lòng thành dạ thiết cho tròn
Mai sau dựng nghiểp cháu con hưởng nhờ.
Từ cửa biển Thanh Khê do dòng sông Gianh chiếm lĩnh, ngược lên khoảng 5 cây số thì gặp nước ba nguồn đổ về tại làng La Hà. Ai muốn lên Minh Cầm thì rẽ về phía bắc để vào Nguồn Nậy. Ai đi Minh Lệ thì theo dòng nước Nguồn Nan. Ai muốn đi thăm động Phong Nha thì theo sông Troóc mà quan chiêm phong cảnh của một vùng địa chất đá vôi Sen – Bàng nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình.

Hình ảnh “Ông lão dưới ruộng đi bừa” có lẽ đẵ quen thuộc đối với quê tôi như củ khoai lăn ra khỏi vồng trong vụ mùa mỗi năm, chẳng có gì đặc biệt, và chẳng có ai cho đó là một hiện tượng đáng quan tâm. Bồ lúa hay củ khoai, trái bắp [quê tôi gọi là sạu], chỉ là sản phẩm của một khoảng thời gian vất vả để có thực phẩm mà chi dùng quanh năm. Công việc đồng áng vất vả và liên tục như một thói quen, đến nỗi người nông dân dù có lam lũ bao nhiêu cũng chỉ đủ chén cơm, manh áo đắp đổi cho một gia đình lặng lẽ sau lũy tre làng. Nhà nông thường không cho đất nghỉ. Sau vụ cày ải, công đoạn thứ hai người ta lại thấy hình ảnh“ông lão dưới ruộng đi bừa”.

Giữa thế kỷ XX [như tôi biết] và cho đến hôm nay đầu thế kỷ XXl, đời sống dân chúng ở nông thôn không có gì khởi sắc. Từ ngôi trường làng đã có nhiều thế hệ xuất thân, nhưng chẳng có ai đề xuất được điều gì mới mẻ và cũng chẳng thấy bóng dáng một cuộc cách mạng đổi đời cho nông thôn. Bởi thế đã có từng lớp thanh niên phải bỏ làng ra đi để mong có cái gì khác hơn. Tôi là một trong những người có niềm ước mơ ấy. 

Nhưng để trốn khỏi làng, Bà Đoan [một dân chài, chèo đò ngang, đò dọc cho khách qua sông] đã giấu kín hình hài nhỏ bé của tôi dưới một đống lưới un cao giữa khoang thuyền. Người du kích trong một trạm gác dọc theo sông Gianh cuối làng La Hà kêu Bà Đoan ghé đò lại để kiểm soát. Cái gì sẽ xảy ra nếu không có mấy củ khoai luộc của Bà Đoan nhanh nhẩu trao vào tay anh du kích. “Anh cầm lấy, khoai tôi còn nóng. Tôi chỉ chài vài mẻ lưới gần đây thôi”. Thế là thoát. Khi đổ tôi xuống bến Quảng Khê, Bà Đoan còn dúi vào tay nải của tôi mấy củ khoai luộc rồi nói nhỏ: “Cháu tìm xe mà vào Đồng Hới cho kịp ngày hôm nay, về nhà, thím sẽ đi Chợ Trường để nhận tiền công vì Mạ cháu cần biết cháu đã thoát được an toàn”.  

Nhờ củ khoai nấu chín, tôi đã không bị bắt giải về lại Hoà Ninh. Cũng nhờ mấy củ khoai, tôi được no bụng để đi nốt khoảng đường dài gần 50 cây số trên chuyến xe đò Quảng Khê – Đồng Hới. Chú thím Đoàn Quế đón tôi tại xứ đạo Tam Toà và cho tá túc khi tôi nộp đơn thi vào lớp nhì tại trường Chơn Phước Phượng [nay là Thánh Phượng] gần cầu Mụ Kề và thành Đồng Hới, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Bình. Từ đó tôi từ giả món khoai luộc Hoà Ninh, và từ giả luôn vùng bình nguyên Sông Gianh để đi xa, và xa mãi.

Hiệp định Genève năm 1954 đẩy tôi từ Đồng Hới, Quảng Bình vào thành phố Huế của tỉnh Thừa Thiên. Trạm dừng chân thứ hai này đối với tôi thật là bất ngờ và vô cùng lạc lỏng. Thực tế của tôi là một đứa trẻ vị thành niên bị cách biệt với mẹ già đang kẹt lại tại quê nhà bên bờ bắc Nguồn Nan của dòng Sông Gianh, trong khi gia đình ông anh và ba bà chị với chồng con chẳng biết lưu lạc phương nào trong đoàn người di cư khổng lồ rải dài từ Quảng Trị vào đến Qui Nhơn. Tôi chưa có cơ hội tìm hiểu vĩ tuyến 17 ở chỗ nào, và làm sao có thể trở về quê được khi chiến tranh chấm dứt và hoà bình cho phép. 

Trong hoàn cảnh đó, tôi được Dòng Thánh Tâm cho tạm trú tại Cơ sở gần cầu Phủ Cam trong thời gian tôi chờ liên lạc được với người thân. Cũng là một ơn lạ, khi Dòng Thánh Tâm đã lo cho tôi nhập học lớp Nhất tại Trường Pellerin Huế, nơi tôi vừa học xong, đi thi và đậu á khoa tại trung tâm Trường Tiểu học Thượng Tứ trong thành Nội (người đậu thủ khoa là một tôn nữ đất thần kinh, Công Tằng Tôn Nữ Thị Tuyết Nếp), thì không rõ ai giới thiệu với Linh Mục Cao Văn Luận để ngài thu xếp cho tôi được tháp tùng với thầy Nguyễn Văn Học [về sau là linh mục] vào Sàigòn cho kịp nhập học tại Tiểu Chủng Viện (Petit Séminaire). Tôi nhớ hôm đó vào giữa tháng 8 năm 1955, hai thầy trò chúng tôi đi trên máy bay Cosara của hảng hàng không nước Pháp.  

Thật là hy hữu, trong thời gian chưa đầy 3 năm, tôi phải 3 lần di cư. Sài gòn là trạm dừng chân lâu nhất để tôi được học tập từ lớp đệ thất cho đến khi tốt nghiệp Tú Tài 2, ban văn chương niên khóa 1961-1962. Cũng cần nói rõ là trong 7 năm tu học tại Tiểu Chủng Viện Chân Phước Tự của giáo phận Vinh di cư, tôi có 1 năm được Bề trên gửi lên học tại Tiểu Chủng viện Thánh Giuse của giáo phận Thanh Hoá ở Blao [Lâm Đồng ngày nay], 3 năm học tại Tiểu Chủng viện nhà, gần giáo xứ Tam Hà Thủ Đức và 3 năm học tại Tiểu Chủng Viện PIÔ Xll của giáo phận Hà Nội do linh mục Phêrô Nguyễn Huy Mai (về sau là giám mục giáo phận Ban Mê Thuột) làm giám đốc, địa chỉ lúc bấy giờ là số 223 đường Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn. Nhìn lại, cũng là 7 năm di chuyển và còn tiếp tục con đường khăn gói để đi xa!

Mở đầu niên học 1962-1963, Chung Bá Thi và tôi xin nhập giáo phận Huế. Hành trang để về Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế, cả hai đứa chúng tôi không có gì hơn là một miếng giấy nhỏ như thư giới thiệu, viết tay của Đức Giám mục Ngô Đình Thục để trình cho cha giám đốc Đại Chủng viện. Linh mục giám đốc Đại Chủng viện Xuân Bích Huế năm đó là cha Bùi Đức Tín, người Pháp. Tên thật của ngài là Pierre Marie Gastine. 

Mới qua được năm Triết học thứ nhất, Chung Bá Thi xin cởi áo ra ngoài rồi đi du học Hoa Kỳ. Tôi cố gắng học xong năm Triết học thứ hai. Mùa hè năm 1963, đối với tôi là thời gian thử thách. Một nửa muốn đi tu làm linh mục, một nửa muốn ra đời để có cơ hội học cao hơn trong bậc Đại Học. Hoài bảo này tôi đem trình bày với cha linh hướng. Sau gần một giờ thảo luận, ngài hẹn 2 tuần sau gặp lại với lời khuyên phải thực tâm cầu nguyện cho quyết định quan trọng này. Khi tôi trở lại, ngài chỉ khuyến khích tôi phải làm đúng và làm cho thật tốt quyết định đã lựa chọn. 

Thế là tôi nhẹ nhàng từ giả Đại Chủng viện Xuân Bích. Cả cha giám đốc, cả cha linh hướng của tôi [cố linh mục Giáo sư Giuse Trần Thái Đĩnh] nay không còn, nhưng tôi vẫn ghi nhớ và cảm ơn các ngài đã cho tôi một cơ hội thật tự do, thật độc lập để tự mình tìm lấy con đường đời của mình. Và quả thật tôi không bao giờ ân hận điều tôi đã lựa chọn, ngoại trừ một mối tình tuyệt vời *vừa nhen nhúm, lại do chính sự vụng về của tôi làm tan vở trong đau buồn lặng lẽ.  

Tháng 6 năm 1966, tôi tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa Huế với văn bằng Cử Nhân Văn Khoa Giáo Khoa môn Sử học. Bước vào đời, tôi làm quen với học sinh các trường Trung học công lập ở thị xã Đà Nẵng, đó là trường Trung Học Đông Giang ở Quận Ba rồi trường Nữ Trung Học Hồng Đức ở Quận Một. Ngoài ra, tôi còn nhận dạy thêm một ít giờ ở các trường tư thục Sao Mai của linh mục Lê Văn Ấn [sau là giám mục giáo phận Xuân Lộc], trường Thánh Tâm của các Soeur Dòng Thánh Phao Lồ gần nhà thờ chính toà Đà Nẵng. Kết quả mười năm dạy học của tôi là một bản án cải tạo 5 năm 6 tháng, khi Đà Nẵng đổi chủ ngày 29 tháng 3 năm 1975.

Tính từ năm 1954 đến 1975, hơn hai mươi năm cuộc đời tôi là một chuổi diễn biến. Nhưng điều tôi muốn nói là Ông lão dưới ruộng đi bừa, chưa mất tích từ lúc tôi bỏ làng ra đi? Mà mất tích sao được, vì cho đến năm 1995 [ năm tôi trở về thăm làng] đất nước đã thống nhất được 41 năm, nghĩa là ông lão được cách mạng bảo vệ nguyên vẹn từ hình hài cho đến cuộc sống như bao nhiêu đồng bào khác từ vĩ tuyến 17 trở ra miền Bắc.

Ở làng, tôi có nhiều bạn thân. Đa số vẫn cam phận trong cảnh nông dân với con trâu, con bò và thửa ruộng. Nhưng trâu, bò thì càng ngày càng thưa đi, ruộng thì càng ngày càng nhỏ lại, riêng đàn con thì cứ phải đặt thêm tên mới, từ Út, Thêm, Thôi, Thừa, Nữa…Ít có nhà nào 5 hay 6 người con, mà thường là đến hàng tá mới tính bỏ luôn chuyện đi vén mùng nửa đêm. Đó là với người thật tình tự nguyện.  Một số khác thì cứ lặp lại câu nói của cổ nhân: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, rồi cứ thế mà nhắm mắt…bất chấp kế hoạch. Đúng là ông bà xui dại con cháu.

Chẳng gì thì hằng ngày người trong làng vẫn thường gặp nhau trước sân nhà thờ, bên bờ giếng, trong phiên chợ. Vả lại từ đầu làng đến cuối xóm, bỏ sức chỉ cần khoảng 45 phút đi bộ là giáp một vòng, cho nên xa nhau trong bao lâu, lúc gặp lại vẫn đầy ắp kỷ niệm, chuyện xưa đem kể lại vẫn không thể sai sót từng chi tiết của tuổi thiếu thời. Anh Phạm Hạ và tôi là bạn thân thuở còn đi học ở trường Don Bosco trong khuôn viên nhà xứ Hoà Ninh. Bọ [Bọ Mạ, thổ ngữ Hoà Ninh là Ba Má] anh Hạ ngày xưa nổi tiếng là người sử dụng con trâu với cây cày rất giỏi. Loại đất nào giao cho ông, dù khô, dù nước, ông cũng cày nhuần nhuyễn, biến thửa ruộng thành một mặt bằng tương đối dễ dàng cho công đoạn thứ hai là chỉ bừa qua một lượt là người ta có thể gieo mạ hay cấy lúa cho kịp vụ mùa.

Lưu lạc từ sau ngày 29 tháng 3 năm 1975, ở tù, vượt biên rồi có người cứu trợ, cho đi định cư…tôi trở về thăm lại quê xưa đúng vào vụ hè thu năm 1995. Cả làng đang chuẩn bị cho những ngày vật lộn với con bò, cái bừa và từng bó mạ vất đều ra trên các thửa ruộng. Diện tích canh tác của mỗi gia đình thu nhỏ dần vì số con ra ăn ở riêng, nên thành phần tham gia công tác ngoài đồng, thì vợ chồng (dù già cả) là căn bản. Hỏi thăm gia đình Hạ, người nhà vui vẻ dẫn tôi ra đồng. Từ xa tôi đã ghi được một hình ảnh mà thời gian tưởng đã làm lu mờ, nay bổng nhiên hiện ra rõ ràng. Trong tâm tư tôi chợt nghe một điệp khúc như xa lạ, nhưng rất hiện thực tại môi trường do chính tôi lựa chọn hôm nay: Ông lão dưới ruộng đi bừa…  

Khi biết có bạn xa về thăm. Hạ hò [dừng] con bò lại giữa ruộng, tất tả bước đến mô đất cao, nơi tôi đang đứng đợi Anh giữa cánh đồng Nương Cộ ngày xưa của làng Hoà Ninh.     

Đây là lần cuối cùng tôi gặp lại Hạ bên bờ ruộng, sau bốn mươi mốt năm xa cách. Hạ rắn chắc trong thân hình của một lão nông thứ thiệt. Nhưng cái rắn chắc ấy không chống lại được cơn bệnh bất ưng xảy đến trong tuổi già, tại một nơi thiếu cả phương tiện y tế khẩn cấp và tối thiểu. Nhớ bạn, tôi viết mấy dòng này để ghi lại chân dung người bạn thân yêu của tôi. Vừa đến tuổi 60, Anh Phạm Hạ bạn của tôi không còn nữa, nhưng hình ảnh hiện thực nhất của Anh còn đọng mãi trong tâm trí tôi. Trong tôi, có Anh và cả quê hưong lẫn lộn giữa một quá khứ muôn thuở u buồn ở thôn làng Việt Nam…
Ông lão dưới ruộng đi bừa,
Là con ông lão ngày xưa đi cày!
Share:

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Giáo xứ Hòa Ninh sửa mái nhà thờ


Hòa Ninh 18/3/2013

Sau một thời gian sử dụng, nhà thờ Hòa Ninh bị dột nhiều, nước mưa làm cho trần nhà thờ xuống cấp.

Nay Cha xứ cùng HĐMV giáo xứ và toàn thể bà con trong toàn xứ tập trung về sửa lại mái nhà thờ.

Dưới sự chủ trì của ông chủ tịch giáo xứ JB Nguyễn Chí Hiền, tất cả mọi người trong bốn họ nhà xứ tích cực tham gia, ai nấy vui mừng đi sửa mái nhà thờ, để ngày ngày bà con không phải chịu ướt khi tham dự các thánh lễ.

Nguyện xin Chúa ban bình an và trả công vô cùng cho những người giúp đỡ giáo xứ.

Pet Minh Tiến


Share:

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Diễn từ của Đức Thánh cha Phanxico dành cho Hồng y đoàn


Anh em thân mến,

Thời gian mật tuyển viện đầy ý nghĩa không những đối với Hồng y đoàn mà còn đối với tất cả tín hữu. Trong những ngày này, chúng ta cảm nghiệm cách chắc chắn tình cảm và tình liên đới của Giáo hội hoàn vũ, cũng như sự quan tâm của nhiều người, thậm chí không cùng tôn giáo với chúng ta, hướng về Giáo hội và Tòa thánh với niềm kính trọng và ngưỡng mộ.

Khắp nơi trên địa cầu, một bản hợp ca của lời cầu nguyện tha thiết vang lên bởi các dân tộc Kitô giáo cho vị Giáo hoàng mới, và lần gặp gỡ đầu tiên của tôi với cộng đoàn chật kín cả quảng trường thánh Phêrô là một bản hợp ca đầy cảm xúc như thế. Với hình ảnh ấn tượng của một đám đông cầu nguyện và vui mừng như thế vẫn còn in dấu trong tâm trí tôi, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với các giám mục, linh mục, những người tận hiến, các gia đình, người  trẻ và người cao tuổi về sự gần gủi thiêng liêng của họ, là điều rất chân thành và đầy cảm kích.

Tôi cảm thấy cần phải nói lên lòng biết ơn sâu xa đối với tất cả anh em, những hồng y khả kính và thân thiết, về sự cộng tác của anh em trong việc điều hành Giáo hội trong thời gian trống tòa. Trước hết, với Đức hồng y Angelo, niên trưởng Hồng y đoàn, xin cám ơn ngài về lời chào mừng mà ngài đã dành cho tôi nhân danh anh em. Cùng với ngài, tôi xin cám ơn Đức hồng y Tarcisio Bertone, vị Nhiếp chính của Tòa thánh, về công việc tốt đẹp của ngài trong giai đoạn chuyển giao khó khăn này, và Đức hồng y Giovanni Battista Re, người điều hành Mật tuyển viện. Với lòng biết ơn, tôi đặc biệt nghĩ đến các vị hồng y khả kính, vì tuổi tác và bệnh tật, vẫn đồng hành với chúng ta và yêu mến Giáo hội bằng những hy sinh và lời cầu nguyện. Và tôi muốn báo tin cho các ngài rằng, ngày hôm trước, Đức hồng y Mejia đã trải qua một cơn đau tim và đang ở trong bệnh viện. Tôi tin rằng ngài đang ở trong tình trạng ổn định và ngài gửi đến chúng ta lời chào mừng.

Tôi không quên cám ơn tất cả những ai, bằng nhiều cách, đã chuẩn bị cho Mật tuyển viện, bảo đảm an toàn và yên tĩnh cho các hồng y trong thời gian rất quan trong này của đời sống Giáo hội.

Với tất cả lòng biết ơn, tôi đặc biệt nghĩ đến vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Bênêđictô XVI, người mà trong những năm qua đã làm phong phú và tiếp thêm sinh lực cho Giáo hội bằng giáo huấn, lòng nhân từ, sự hướng dẫn, đức tin, sự khiêm hạ và ôn hòa của ngài; những điều này sẽ tồn tại như di sản thiêng liêng cho tất cả mọi người. Ngài đã tận hiến hết mình cho sứ vụ thánh Phêrô bằng một cách diễn tả khôn ngoan và khiêm hạ, với cái nhìn luôn hướng về Đức Kitô, Đấng Phục sinh, hiện diện và sống động trong bí tích Thánh Thể. Lời cầu nguyện nhiệt tâm, nỗi nhớ sâu xa và lòng biết ơn chân thành của chúng ta sẽ luôn luôn đồng hành với ngài. Tôi cảm thấy rằng Đức Bênêđictô XVI đã thắp lên một ngọn lửa trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta; ngọn lửa sẽ tiếp tục bùng cháy vì nó được nuôi dưỡng bởi lời cầu nguyện mà ngài vẫn dành cho Giáo hội trong cuộc lữ hành thiêng liêng và sứ mạng của mình.

Anh em thân mến, buổi gặp gỡ của chúng ta có nghĩa là sự tiếp nối tình hiệp thông Giáo hội sâu sắc mà chúng ta đã cảm nghiệm trong thời gian qua. Được thúc đẩy bởi tinh thần trách nhiệm sâu xa và tình yêu lớn lao đối với Đức Kitô và Giáo hội, chúng ta cùng cầu nguyện, chia sẻ cho nhau những cảm nhận, kinh nghiệm và suy tư của mình. Trong chính bầu khí thân mật này, sự hiểu biết lẫn nhau và cởi mở cho nhau được lớn lên. Và đó là điều tốt bởi vì chúng ta là anh em. Như có một vị đã nói với tôi: các hồng y là những linh hướng của Đức thánh cha. Chúng ta là cộng đoàn thân mật và gần gũi như thế, điều đó sẽ giúp ích cho mỗi người trong chúng ta. Sự cởi mở và hiểu biết lẫn nhau giúp chúng ta mở ra cho tác động của Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng Phù Trợ, là tác nhân tối cao của bất kỳ sáng kiến và diễn tả đức tin. Điều này rất thú vị và mời gọi chúng ta suy nghĩ. Đấng Phù Trợ sáng tạo tất cả những khác biệt trong Giáo hội và giống như câu chuyện tháp Babel. Mặt khác, Đấng Phù Trợ kết hợp tất cả những khác biệt này - không phải làm cho chúng như nhau – mà là hài hòa với nhau. Tôi nhớ đến một giáo phụ đã mô tả nó là chính sự hài hòa: “Ipse harmonia est”. Đấng Phù Trợ ban cho mỗi người chúng ta đặc sủng khác nhau, và liên kết chúng ta nên một trong cộng đoàn Giáo hội, để thờ phượng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Bắt đầu từ chính tình liên kết của Hồng y đoàn, tôi muốn bày tỏ ước mong phục vụ Tin mừng với tình yêu mới mẻ, giúp cho Giáo hội trở nên sức sống dồi dào của Thiên Chúa trong Đức Kitô và với Đức Kitô hơn bao giờ hết. Được thôi thúc bởi Năm Đức Tin, tất cả chúng ta, mục tử và giáo dân, chúng ta sẽ cố gắng thực thi sứ mạng thường hằng một cách nhiệt thành: sứ mạng mang Chúa Giêsu Kitô cho con người, và dẫn đưa con người gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, hiện diện thật sự trong Giáo hội và đồng thời hiện diện trong mỗi tâm hồn. Sự gặp gỡ này làm cho chúng ta nên con người mới trong huyền nhiệm Ân sủng, khơi lên trong lòng chúng ta niềm vui của người Kitô hữu, đó cái lợi “gấp trăm” mà Đức Kitô ban tặng cho những ai đón nhận Ngài.

Như Đức Bênêđictô XVI nhắc nhở chúng ta nhiều lần trong giáo huấn của ngài, và cuối cùng với cử chỉ khiêm tốn và can đảm, rằng chính Đức Kitô dẫn dắt Giáo hội qua Thánh Thần của Ngài. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo hội, với ân ban sự sống và sức mạnh hiệp nhất. Ngài làm cho tất cả nên một trong Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Chúng ta đừng bao giờ chiều theo tinh thần bi quan và chua chát mà ma quỉ bày ra trước mặt chúng ta mỗi ngày; đừng bi quan và thất vọng. Chúng ta tin chắc rằng Chúa Thánh Thần, với hơi thở quyền năng, ban cho Giáo hội lòng can đảm để kiên trì tìm kiếm những phương cách mới để loan báo Tin Mừng, nhằm mang Tin Mừng đến tận cùng cõi đất. Chân lý Kitô giáo có sức thu hút và thuyết phục vì nó đáp ứng nhu cầu sâu xa của con người, loan báo một cách thuyết phục rằng Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất trọn vẹn con người và tất cả nhân loại. Việc loan báo này ngày nay vẫn còn giá trị như thời sơ khai của Kitô giáo, khi Giáo hội thực thi sứ vụ truyền bá Tin Mừng.

Anh em thân mến, hãy can đảm lên! Một nửa trong chúng ta đã già: Tôi thích nghĩ về tuổi già như tháp ngà của sự khôn ngoan. Người già thường khôn ngoan vì họ đã bước đi trên đời, như ông Simeon và bà Anna trong Đền thờ. Chính sự khôn ngoan đã giúp họ nhận ra Chúa Giêsu. Chúng ta hãy trao ban sự khôn ngoan cho người trẻ: như rượu ngon được tăng triển theo thời gian, chúng ta hãy ban tặng sự khôn ngoan của cuộc đời cho người trẻ. Tôi nhớ đến một thi sĩ người Đức viết về tuổi già rằng: “Es ist ruhig, das Alter, und fromm” – tuổi già là thời của bình an và cầu nguyện. Chúng ta cần trao ban cho người trẻ sự khôn ngoan này.

Anh em sẽ trở về giáo phận để tiếp tục sứ vụ của mình, được tiếp thêm sinh lực qua những ngày đầy tình hiệp thông và lòng tin. Kinh nghiệm độc đáo không gì sánh bằng này cho phép chúng ta hiểu được tất cả vẻ đẹp của Giáo hội, là điều phản ánh sự sáng của Đức Kitô Phục sinh: sẽ có ngày chúng ta chiêm ngưỡng khuôn mặt đẹp đẽ của Đấng Phục sinh.

Tôi xin phó thác sứ vụ của tôi và của anh em cho sự chuyển cầu đầy quyền thế của Đức Maria, Mẹ chúng ta, Mẹ Giáo hội. Dưới cái nhìn từ mẫu của Người, ước gì mỗi người chúng ta bước đi và lắng nghe tiếng của Con chí thánh của Mẹ, gia tăng sự hiệp nhất, kiên trì cầu nguyện và làm chứng cho đức tin chân thực trong sự hiện diện của Chúa. Với tình thương chân thành, tôi ban phép lành Tòa thánh cho anh em, cho cộng sự viên của anh em và cho những người anh em phục vụ.

Phanxio, giáo hoàng
Bản dịch của Lm Phạm Quang Long
Share:
Được tạo bởi Blogger.

Thống kê

Top Menu

Theme Support