Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Đức tin của một linh mục


Lm. Phêrô Mi Trầm
Khi đọc đầu đề trên đây, có thể có người tò mò muốn xem ông linh mục tin Chúa như thế nào? Chắc là ghê gớm lắm. Niềm tin của một linh mục, đó là niềm tin của tôi, tác giả bài viết ngắn này.
Tôi sinh ra ở làng Cồn Sẻ, miền sông nước bao quanh, như giáo xứ Ngọc Thủy mà tôi đang làm quản xứ.
Giai đoạn 1: Đức tin của tôi là đức tin của cha mẹ, của
xứ đạo toàn tòng
Làng tôi có đạo cả làng nên tôi được rửa tội từ rất sớm, ngay khi tôi được sinh ra. Tôi có đức tin mạnh mẽ hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết là mình có giúp lễ ở nhà thờ, học giáo lý, chắc là ít lắm, ở bậc cấp trước nhà thờ. Tôi đã chạy trốn máy bay khi đang ngồi học giáo lý vì sợ Tây nó bắn…; và tôi đã được xưng tội rước lễ tại Giáo xứ.
Vào miền Nam, tôi ở giáo xứ Tân Bình, Cam Ranh, vẫn giữ đạo, đi lễ mỗi buổi sáng, đọc kinh hơn là cầu nguyện vì tôi đâu biết cầu nguyện là gì. Tôi vào Nghĩa Binh Thánh Thể. Tôi lần chuỗi để làm sổ kho thiêng liêng. Tôi lần chuỗi hai tay cùng lúc. Như thế, nếu lần được một chuỗi thì tôi tính thành hai chuỗi, vì tôi lần hai tay. Tôi không có ý ăn gian vì tôi nghĩ như thế là được nhiều chuỗi dâng kính Đức Mẹ.
Và rồi tôi thi vào Tiểu Chủng viện Sao Biển, Nha Trang.
Một buổi sáng kia, tôi đang chơi bi quanh nhà thờ. Có hai anh lớp Sáu lên xin giấy để đi tu. Tôi lúc đó mới học hết lớp Năm. Cha Nghĩa nhìn ra thấy tôi, ngài kêu vào và hỏi tôi có muốn đi tu không để ngài làm giấy. Tôi hỏi đi tu là gì thì ngài trả lời đi tu là đi học làm cha, học ở Nha Trang, cách làng Tân Bình của tôi 32 cây số. Khi đóng xong con dấu, Cha Nghĩa bảo tôi dấu của con đỏ nhiều, chắc con sẽ thi đậu. Và đúng thế. Tôi đã đậu vào Tiểu Chủng viện cùng với một anh bạn, còn hai anh lớn không đậu, có lẽ vì lớn tuổi.
Vào sống ở Tiểu Chủng viện, tôi sung sướng lắm, không phải vì được ở gần Chúa hơn đâu vì tôi chưa biết gì nhiều, nhưng vì sướng hơn ở nhà. Ở đây, có sân bóng chuyền, vừa mặc áo dài đen vừa chơi mà vẫn vui, tuy mồ hôi làm rướm áo. Ở đây có bàn pingpong. Bàn tốt thì các anh lớn độc quyền. Nhỏ như chúng tôi thì phải biết phận, chọn bàn cũ, sâu như cái thung lũng vì lâu ngày, ván bị hở và oằn. Chúng tôi lấy hai hòn gạch để hai bên, căng lưới rách, lấy vải vụn làm trái pingpong và chơi rất hồn nhiên. Vui ơi là vui… Ở đây, có điện nước, có chiếu phim mỗi tháng, có va ly riêng để quần áo rồi cất dưới giường của mình…
Ở Chủng viện, sáng có nguyện gẫm trước lễ, tối có lần chuỗi ngoài trời, quanh sân chơi. Tôi làm mọi chuyện như các bạn khác, ít lỗi luật… còn đức tin thì không có vấn đề gì, vì tôi chỉ biết học và giữ luật của Chủng viện.
Giai đoạn 2: Đức tin của tôi không có vấn đề là nhờ ảnh
hưởng của người khác
Phải nói thật là tôi chưa có khủng hoảng đức tin, không phải vì tôi đã hiểu Chúa, nhưng có thể vì tôi không có chuyện gì để đặt lại vấn đề đức tin.
Khi học thần học, nếu gặp điều gì mình không hiểu thì tôi chỉ nghĩ thế này: Giỏi như Thánh Augustinô mà đâu hiểu được Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi; giỏi như các Đức Giáo hoàng mà các ngài vẫn giữ đạo vững mạnh, có đấng lại tử vì đạo nữa…; Mai Tính có là gì mà phải băn khoăn. Cứ tin và tôi tin thật, không ưu tư gì về đức tin. Tôi thích đọc các gương nhân đức, các gương nghị lực đạo đời và tôi luôn sống tích cực trong khả năng nhỏ bé.
Giai đọan 3: Đức tin đời linh mục
Tôi hỏi một anh bạn Tây lai: Sao bên Tây sướng thế mà chú mày lại đi tu làm linh mục? Hắn chu mỏ trả lời: “Vì tôi yêu mến Đức Kitô.” Xin chào thua anh Tây lai! Và tôi vẫn hay nhắc lại câu này cho giáo dân của tôi. Thánh Phaolô viết: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2 Tm 1,12) và đó cũng là câu chủ điểm cho Năm Đức Tin: Tôi biết tôi tin vào Đức Kitô là Thiên Chúa. Với niềm tin vào Đức Kitô là Thiên Chúa, chúng ta sẽ sống tích cực hơn, sẽ sống tốt hơn.
Để kết hợp với Đức Kitô, chúng ta phải cầu nguyện. Tôi đã lên mạng để tìm hiểu định nghĩa về sự cầu nguyện và người ta nói rất nhiều, rất dài, rất lý thuyết. Định nghĩa cầu nguyện của tôi rất đơn sơ, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ làm nữa: "Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa, là nhớ đến Chúa."
- Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa, coi Chúa như một người bạn để tâm sự, để nói chuyện. Trong một bài thi vấn đáp, cha giáo người Ý dạy ở Xuân Bích Huế hỏi tôi, theo thầy, Đức Kitô là ai? Tôi trả lời rất sách vở, vì mới học mà! Cha giáo không chịu. Tôi sực nhớ có lần ngài nói chúng ta phải coi Chúa như một người bạn thì ta mới gần ngài được và tôi trả lời Đức Kitô là một người bạn và ngài OK liền.
- Cầu nguyện là nhớ đến Chúa: Tôi lái xe ngoài đường, áo bỏ vô quần, đàng hoàng, nhiều người coi tôi như một người đứng tuổi, có thể không nhận ra tôi là linh mục. Tôi có thể lạng lách cho đời nó tươi. Ai biết. Tôi có thể chọc ghẹo người xung quanh. Ai biết. Nhưng tôi phải nhớ, tôi là linh mục của Chúa, tôi phải giữ tác phong linh mục và tôi đã không làm những chuyện vừa nêu trên. Như vậy, việc Chúa nói phải cầu nguyện mọi lúc mọi nơi thì có gì là khó đâu. Nói với Chúa lúc nào chỗ nào mà chẳng được. Nhớ đến Chúa thì nhớ lúc nào mà chẳng được, quá ư là dễ… để sống Lời Chúa và gần Chúa.
Đức tin của người linh mục như tôi thì thật đơn giản: Tin trong niềm tin của cha mẹ, tin trong thế giá của những người nhân đức và thông thái, và rồi sống đạo, cầu nguyện theo phong cách riêng của mình là nói chuyện với Chúa lúc vui buồn, và nhớ đến Chúa mọi lúc mọi nơi… Làm được thế, tôi nghĩ chúng ta sẽ vững đức tin và vui sống.
Lạy Chúa, con viết như thế có vẻ gì cao ngạo lắm không? Nếu Chúa thấy con hơi hơi bay lên cao thì nhắc cho con để con hạ cánh. Con quá biết lời Chúa nói “ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống…”. Chỉ có sự khiêm nhường mới giúp con gần Chúa, vững đức tin và trung thành với đời linh mục. Amen.
- Ngày khai mạc Năm Đức Tin cấp Giáo phận 18.10.2012-
Share:

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Lời mạ dặn


Lời mạ dặn con gái. Đây là bài hát ru con của người Hoà Ninh.

Lại đây mạ dặn đôi lời
làm dâu cửa người
thì khó lắm thay
mạ dặn đêm dặn ngày
dặn khi chồng chưa đi nói. (1)

Dầu no dầu đói
đã có người với ta
con giữ lấy nết na
cho nhu mì yêu dấu.

Nhịn chồng không xấu
mà lại khỏi mang đòn
nghe lời mạ nha con
lời dặn dò sau trước.

Cơm thôi rồi nước
nước thôi rồi trầu
thầy mạ ăn đầu
sau chồng rồi đến vợ.

Khi con đi chợ
thì chớ ăn hàng
chiếc đò đầy khoan sang
gọi là con người lịch.

Việc mần thúc thích
coi trong cựa trong nhà
khi thầy mạ phán ra
thì một thưa hai dạ.

Khi mô anh ả
có đi đến thăm nhà
hai tay bưng trù (2) ra
miệng chào anh mời ả.

Ra ngoài đàng, ngoài xã
chào cả họ cả đang
trai khôn gặp được gái ngoan
hát ru hơi riền hợi.

Chú thích:

1/ chưa đi nói = chưa dạm hỏi.
2/ trù = trầu
Share:

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Đổ bê tông sân trường giáo lý

Minh Tiến



Trường giáo lý Hòa Ninh, được xây dựng từ tháng 6/2012, cho đến nay đã vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng.

Sáng nay, ngày 23/11/2012, giáo xứ đã tiến hành đổ bê tông sân trường giáo lý.

Tham dự công trình gồm có HĐMV giáo xứ, ban xây dựng, thành viên chức việc của 4 xóm thuộc họ nhà xứ, đại diện các hội đoàn: hội Phanxicô, hội Mẹ Mân Côi, ca đoàn, thầy cô giáo lý viên cùng đông đảo bà con trong họ nhà xứ.

Không khí làm việc tấp nập, khẩn trương; ai nấy đều vui tươi như một ngày lễ hội thực sự.

Những ngày này còn ở trong tuần tĩnh tâm của các linh mục của giáo phận, cha quản xứ đi vắng, nhưng bà con vẫn tự chủ làm việc một cách nghiêm túc.

Xem thêm hình
Share:

Lấy chồng xa


Ngồi buồn cũng muốn than ra
Than ra thì sợ mẹ già lắm thay
Người đặt gánh cho tôi
Thiệt đã nên cay đắng.

Đường xa xôi ngàn dặm
Lòng thương chút mẹ già
Đến khi sinh con ra
Biết lấy ai bồng ẵm?

Biết nhờ ai bồng ẵm
Cho tôi được phận nhờ
Kẻo tuổi dại ngây thơ
Vạn điều xi không biết.

Trách lòng mẹ quả quyết
Không nhớ đến công nương
Khi việc họ việc đương
Khi thờ thầy kính mẹ.

Năm bảy đứa chi kẻ
Không dám trách mẹ già
Tại số kiếp sinh ra
Phải răng thì chịu rứa .

Đàng có xa chăng nựa
Cũng một ngày mà thôi
Xa chi lắm mẹ ơi
Bốn ngày đàng thăm thẳm.

Bốn ngày đàng thăm thẳm
Mới đi đến quê chồng
Chừ bỏ mẹ nằm không
Khi mình già tuổi yếu .

Trách hai cây đào liệu
Làm mang tiếng cả đôi
Công thầy mẹ dưỡng nuôi
Những ngày sinh tháng đẻ.

Bây giờ còn son sẽ
Thì nói ở đây thôi
Mai đành phận ra rồi
Người sai đâu đi đó.

Ai ngờ chi việc đó
Mà mẹ ép duyên con
Rứa tội cũng bằng non
Sau có toà phán xét!

Mệ Khoái đọc
Thuý Hà chép năm 1973
Share:

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Linh mục Hòa Ninh

Lm Phạm Quang Long


Theo thống kê chưa đầy đủ, Hòa Ninh đã cung cấp cho Giáo Hội 56 linh mục. Sau đây là danh sách xếp theo thứ tự năm chịu chức. Những linh mục còn sống được in đậm.
Từ linh mục đầu tiên là Phero Nguyễn Văn Bảo cho đến linh mục G.M Phạm Minh Tâm (số 26) đều thuộc giáo phận Vinh.
Sau đó rất đông các linh mục gốc Hòa Ninh thuộc giáo phận khác. Qua một khoảng thời gian khá dài 47 năm, từ năm 1959 đến 2006, không có linh mục người Hòa Ninh sống và phục vụ tại giáo phận Vinh.
Đến tháng 8 năm 2006, mới có linh mục GB Phạm Quang Long (số 51) và tháng 6 năm 2010 có linh mục Phaolo Nguyễn Minh Sáng (thứ 55) là thuộc giáo phận Vinh. Hiện nay người Hòa Ninh không có chủng sinh nào tại giáo phận Vinh.
Năm 2007, họ Diên Trường được tách ra từ Hòa Ninh trở thành giáo xứ mới. Những linh mục xuất thân từ Diên Trường chịu chức trước 2007 cũng được tính là linh mục xuất thân từ Hòa Ninh.

57/ Bartholomeo Nguyễn Hoàng Tuấn, OP - anh ruột của cha Bartholomeo Nguyễn Hoàng Tú (số 54) – sinh 19/11/1973 tại giáo xứ Bình Hòa, Bình Thạnh, Sài Gòn, con ông Bart. Nguyễn Văn Thể (Nam Định) và bà Anna Trương Thị Diện (Hòa Ninh), chịu chức linh mục 04/8/2012 tại nhà thờ Đa Minh Ba Chuông. Cha Tuấn có người cậu ruột là linh mục FX Trương Quý Vinh (số 39).
56/ Pr Nguyễn Hữu Phú sinh 1976 tại Hòa Ninh; di cư vào Cam Ranh lúc 10 tuổi; du học tại Roma 2002-2009; phó tế 11-5-2011,; lãnh chức linh mục 8-12-2011 tại Nha Trang; phó xứ Bắc Vĩnh 12/2011 – 2/2012; phó xứ Xuân Ninh, Cam Ranh, từ 18/2/2012.
55/ Phaolo Nguyễn Minh Sáng, sinh 1975 tại xóm Hậu Thôn; linh mục 19/6/2010; quản xứ Phù Kinh giáo phận Vinh từ 8/2010.
54/ Bartholomeo Nguyễn Hoàng Tú – em ruột cha Bart. Nguyễn Hoàng Tuấn (số 57) – sinh 26/01/1975 tại giáo xứ Bình Hòa, giáo phận Sài Gòn, con ông Bart. Nguyễn Văn Thể (Nam Định) và bà Anna Trương Thị Diện (Hòa Ninh), thụ phong linh mục 11/6/2010, đang phục tại giáo xứ Trung Chánh, giáo phận Sàigòn. Cha Tú có người cậu ruột là linh mục FX Trương Quý Vinh (số 39).

Cha Tú tại thánh địa
53/ Phaolo Lê Trung Nghĩa, sinh 1976 tại Cam Ranh, lm 2008 tại Pháp.
52/ Pr Hoàng Khắc Dũng, sinh 1972 tại Vinh Quang, BMT, lm 2007, giáo phận Buôn Mê Thuột.
51/ JB Phạm Quang Long; sinh 1964 tại xóm Tiền Môn; Đan viện Thiên An 1996 – 2005; Đại Chủng viện Xuân Bích Huế 1998 – 2005, chịu chức linh mục 8-8-2006; quản xứ Mỹ Dụ 12/2006 – 11/2011; từ 11/2011 giám đốc trụ sở giáo phận Vinh 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm Sài Gòn.

Cha Phạm Quang Long, hàng đầu ở giữa, dịp kỷ niệm 5 năm linh mục 8-8-2011
50/ Giacobe Nguyễn Trương Hải Triều, sinh 1974, lm 2006 tại Nha Trang.
49/ Joseph Phạm Minh Anh, gốc Xóm Đồng, sinh 1970 tại Vĩnh Thái, Cam Ranh, linh mục 2006 tại Philippines.
48/ JB Nguyễn Bình Định, Tiền Miếu, sinh 1969 tại Cam Ranh, lm 2004 dòng Chúa Cứu Thế.
47/ Trần Trung Nam, gốc Diên Trường, chịu chức linh mục 2004.
46/ Phaolo Trương Đức Thắng, Tiền Môn, sinh 1969, lm 2003, 2003-2011 Hòa Yên, từ 2011 quản xứ Vinh Trang, Cam Ranh, Nha Trang.
45/ Pr Đinh Xuân Long, Diên Trường, hiện đang phục vụ tại Mỹ.
44/ Đoàn Văn Bảo, Diên Trường, linh mục 2004 dòng Chúa Cứu Thế, Bà Rịa.
43/ Pr Trương Minh Hải, Diên Trường, sinh 1975, lm 2003, Mỹ Tho.
42/ Michael Đoàn Trọng Sơn, Tiền Miếu, sinh 1965, lm 2000 dòng Chúa Cứu Thế tại USA.
41/ Pr Hoàng Gia Thành, Minh Lệ, sinh ngày 19/10/1957,  thụ phong linh mục 26/07/2000 tại Đà Nẵng, quản xứ Hà Lam 2000 – 2008, thư ký Tòa Giám mục 2008-2011, du học tại Philippines từ 2011.
40/ Louis Hoàng Đình Trung, Tiền Miếu, sinh 1958, lm 1999 tại Hawaii.
39/ FX Trương Quý Vinh, Tiền Môn, sinh 1952 tại Hội An, linh mục 1998, quản xứ Cái Mây giáo phận Mỹ Tho.
Cha Trương Quý Vinh ở giữa
38/ Joseph Nguyễn Thanh Hải, Xóm Đồng, sinh 1960 tại Nha Trang, lm 1997, Nha Trang.
37/ JB Nguyễn Vinh, Tiền Miếu, sinh 1958 tại An Nông, Thừa Thiên, linh mục 1995, phục vụ tại Nha Trang. Địa chỉ liên lạc: Nhà thờ Ba Ngòi, đường 3 tháng 4, phường Cam Linh, thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa
Cha Nguyễn Vinh, mang áo ngắn tay
36/ Phêrô Nguyễn Khoa Toàn, gốc xóm Tiền Miếu, Sinh ngày 20-11-1956 tại Nha Trang; Vượt biên năm 1982 và đến trại tỵ nạn Palawan, Phillipines. Đến định cư tại Úc ngày 8/7/1983. Thụ Phong Linh Mục ngày 10/9/1994. Chức vụ hiện tại: Tuyên Úy Trưởng Ban Tuyên Úy; Chánh Xứ St Joseph’s Belmore; Thành Viên của Ban Cố Vấn của Đức Hồng Y George Pell; Thành viên của Hội Đồng Linh Mục, Tổng Giáo Phận Sydney;Thành viên của Quỹ Tương Trợ Linh Mục, TGP Sydney; Thành Viên Ủy Ban Canh Tân Tinh Thần và Mục Vụ, TGP Sydney. Tuyên Úy Đặc Trách: Giáo đoàn Bankstown, Giáo đoàn Lakemba, Hội Đồng Mục Vụ, Dòng Ba Đa Minh, Hội Thánh Minh Tương Tế, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Tờ Niềm Tin, Hội Bảo Trợ Ơn Gọi, Nhà xứ Brigelly, Tài Chánh. Liên Lạc: (a) St Joseph’s Presbytery, 763 Canterbury Road, Belmore NSW 2192; Phone: (02) 9759 1280; Fax (02) 9740 8369; (b) 20 Carr Rd, Bringelly NSW 2171; Tel: (02) 4774 8855; Fax: (02) 4774 8275; (c) 92 The River Rd, Revesby NSW 2212; Tel: (02) 9733 0933.
35/ Phaolo Nguyễn Luận, sinh 1955 tại Xóm Đồng, linh mụ 1994, đang phục vụ tại giáo phận Huế.
Cha Luận trong ngày lễ tạ ơn của cha Sáng 23-6-2010
34/ FX Nguyễn Hữu Hòa sinh năm 1952 tại Xóm Đồng, lm 1994 thuộc dòng Chúa Cứu Thế, qua đời 2010 tại Roma.
33/ Joseph Nguyễn Văn Thú sinh ngày 01/08/1958; gốc Diên Trường; linh mục 24/11/1992; hiện quản xứ An Ngãi, Đà Nẵng.
32/ Antôn Trương Gia Ninh sinh ngày 19/11/1952 tại xóm Tiền Môn; linh mục 17/08/1993; hiện đang quản xứ Gia Phước, Đà Nẵng. Điện thoại: 0511. 3697 855. Địa chỉ liên lạc: 
31/ Phêrô Trương Điệu sinh 1945 tại Xóm Đồng; linh mục 1977 tại Cần Thơ, +2009 tại Cần Thơ?
30/ Joseph Đoàn Văn Liệu sinh 1945, gốc Tiền Môn; lm 1975; hiện đang nghỉ hưu tại Nha Trang.
29/ Robert Nguyễn Niêm, sinh 1948 tại Xóm Đồng; đan sĩ dòng Xitô Mỹ Ca; linh mục 1975; hiện đang ở Thụy Sĩ.
28/ Phaolo Lê Đình Chiến, sinh 1943 tại Xóm Đồng; linh mục 1974; +2006 tại Tam Tòa, Đà Nẵng
27/ FX Nguyễn Kim Long, sinh 16/03/1945 tại Tiền Miếu; linh mục 28/4/1972; hiện đang làm chưởng ấn TGM Ban Mê Thuột. Địa chỉ liên lạc: Tòa Giám mục Ban Mê Thuột, 104 Phan Chu Trinh, Buôn Mê Thuột, Đắc Lắc.
26/ Ga Mr Vianey Phạm Minh Tâm sinh 1925 tại Xóm Đồng; linh mục 1959; +1977 tại Xuân Hòa.
25/ Joseph Nguyễn Tiến Huynh, sinh 1930; Xóm Đồng; linh mục 1958; qua đời 16-8-2008 tại Phan Thiết.
24/ FX Nguyễn Phương sinh 1921; Tiền Môn; lm 1952; +1993 tại USA.
23/ FX Phạm Sĩ Tăng sinh 1915; Xóm Đồng; lm 1950; +1998 tại Tam Thái, Xuân Lộc.
22/ Joseph Nguyễn Viết Cư sinh 1917; Tiền Miếu; linh mục 1950; qua đời 20/5/1986 tại giáo xứ Chính Tòa, Phan Thiết.
21/ FX Trương Văn Khởi, sinh 1914; Tiền Môn; em ruột của cha Trương Văn Liệu; lm 1942; nhập dòng Fraternitas Sacerdotalis (Anh em Linh mục); + 1991 tại Bogta, Columbia.
20/ FX Trương Văn Liệu sinh 1912 Tiền Môn; linh mục 1942; +1968 tại Minh Cầm.
19/ JB Trương Cao Khẩn sinh 1908, Tiền Môn; linh mục 1939; Tổng Đại diện Giáo phận Vinh di cư 1951-1954; Giám đốc tiên khởi trụ sở Giáo phận Vinh 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, Saigon, +1965 tại Trụ sở GP Vinh, an táng tại Chí Hòa Saigon.
18/ Phêrô Hoàn sinh 1898, linh mục 1932, +1945 tại Tràng Lưu.
17/ Pr Nguyễn Nguyên Hanh, sinh 1895 tại Tiền Miếu; lm 1928; +1975 tại Bình Thuận.
16/ Paul Nguyễn Trọng Kim; sinh 1892; Hậu Thôn; +1949 tại Đông Tràng; nghĩa phụ của GM Phaolo Cao Đình Thuyên.
15/ Paul Phạm Lễ; sinh 1890; Hạ Lân; lm 1924; +1952 tại Hòa Ninh.
14/ JB Nguyễn Quang Dung; Minh Lệ; sinh 1887; lm 1922; + 1975 tại Hòa Yên, Nha Trang.
13/ Paul Lê Đình Phụng; sinh 1882; lm 1916; qua đời 1953 tại Giáp Tam
12/ Pr Đinh Xuân Nghi; sinh 1879; lm 1915; qua đời 1952 tại Văn Phú.
11/ JB Hoàng Xuân; Minh Lệ, sinh 1874; linh mục 1913; qua đời 1962 tại Diên Trường.
10/ Pr Nguyễn Đường; Tiền Miếu; sinh 1880; linh mục 1912; coi các xứ Trooc, Tam Trang, Vinh Phước (QB), Chúc A, Hòa Thắng; qua đời và an táng 1936 tại Hòa Thắng.
9/ JB Hoàng Duyệt; Tiền Miếu; sinh 1879; linh mục 1913, +1943 tại Cồn Nâm.
8/ Pr Trương Phức; xóm Hậu Thôn, họ Hòa Ninh; sinh 1872; lm 1908; qua đời tại Xuân Hải, Trung Nghĩa 1941.
7/ GB Nguyễn Đình Chính; họ Hòa Ninh; sinh 1862; thụ phong lm 1895; qua đời tại Mô Vĩnh 1908.
6/ GB Đinh Xuân Tính, họ Vĩnh Tân, sinh 1846, chịu chức 1888, qua đời 1920.
5/ Pr Lê Văn Tần sinh 1840, linh mục 1876, +1917 tại Xã Đoài.
4/ Pr Đoàn Văn Ngọc, sinh 1840, linh mục 1876, +1902 tại Mỹ Hòa.
3/ Paul Nguyễn Đăng Trình, sinh 1836, linh mục 1876, +1917 tại Xã Đoài.
2/ Paul Trương Văn Quý, sinh 1832, linh mục 1866, +1868 tại Tràng Lưu.
1/ Pr Nguyễn Văn Bảo, giáo họ Hòa Ninh, sinh năm 1806, chịu chức linh mục 1847. Phục vụ tại giáo xứ Làng Anh từ 1884 – 1898 và qua đời tại đây.
Share:

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Lời tạ ơn hướng về cội nguồn


Bài giảng của Lm Phạm Quang Long nhân dịp khánh thánh nhà thờ Hòa Ninh 7/2007

Có một người mới qua đời, được vào thiên đàng và gặp thánh Phêrô. Thánh nhân dẫn ông đi vòng quanh thiên đàng. Hai người đi bên nhau trong một khu nhà rộng lớn, đầy các thiên thần. Thánh Phêrô dừng lại trước căn phòng đầu tiên và nói: “Đây là căn phòng Tiếp nhận. Tất cả mọi lời cầu nguyện cùng Thiên Chúa được tiếp nhận tại đây”. Ông ta nhìn vào văn phòng và thấy vô số thiên thần hết sức bận rộn, phân chia các loại lời cầu được viết trên rất nhiều cuộn giấy rộng lớn từ mọi dân trên trái đất.


Họ đi tiếp dến văn phòng thứ hai, và thánh Phêrô nói: “Đây là phòng Sắp xếp và Chuyển giao. Mọi ân sủng và phúc lành được sắp xếp và chuyển giao xuống trần gian cho những người cầu xin.” Ông cũng thấy quá nhiều thiên thần bận rộn, bởi vì quá nhiều phúc lành được gửi xuống trần gian.

Cuối cùng ông dừng lại ở góc xa khu nhà. Và thật là ngạc nhiên, ông chỉ thấy một thiên thần nhàn rổi ngồi đó không có việc gì cả. Thánh Phêrô nói với ông: “Đây là văn phòng Tri ân”. Ông nói: “Sao lạ lùng quá, ở đây không có việc gì cả?” Và thánh nhân trả lời: “Đó quả thật là một điều đáng buồn! Sau khi nhận được ơn như lời cầu xin, rất ít người gửi lên lời cám ơn”. Ông hỏi: “Vậy thì làm sao để cám ơn Chúa?” Thánh Phêrô trả lời: Đơn giản  thôi, chỉ cần nói “Tạ ơn Chúa”.

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta tụ họp trong nhà thờ này để cử hành thánh lễ, chính là hy tế tạ ơn. Thánh lễ, theo nguyên ngữ Hylap là Eucharistia, có nghĩa là nghi thức tạ ơn. Ý nghĩa này rất rõ ràng trong các bài đọc hôm nay:

- Trong bài thứ 1: Melkisede hay tin Abraham chiến thắng thì đã “chúc tụng Thiên Chúa”. Chúc tụng là một cách tạ ơn. Khi Abraham nộp cho Melkisede, tư tế của Chúa 1/10 chiến lợi phẩm cũng là để bày tỏ tâm tình tạ ơn.


(Về điều này, xin mở ngoặc, mỗi người chúng ta cũng tự hỏi mình có dâng cho Chúa 1/10 chiến lợi phẩm, nghĩa là lợi tức của chúng ta hay không? Hằng tuần khi dự lễ anh chị em chúng ta có dành một ít đồng bỏ vào nhà thờ hay không? Trong cuốn sách Giáo lý toát yếu của dtc Benedicto 16 mới phát hành vừa qua, kinh các điều răn của Hội thánh nay được rút gọn thành 5 điều, và điều thứ 5 ghi là phải đóng góp của cải để xây dựng Giáo hộiNhư vậy nếu không đóng góp của cải để xây dựng Giáo hội là chúng ta có lỗi. Không biết vừa rồi khi đọc kinh thú nhận đầu lễ, có ai ý thức mình có lỗi đó không. Nếu không thì vẫn chưa muộn, từ nay mỗi lần đi lễ, anh chị em hãy dành 1000 đồng, và tập cho con cái anh chị em ý thức đóng góp cho nhà thờ. Đóng góp vào nhà thờ cũng là một cách để tạ ơn Chúa, vì Chúa đã ban cho ta có nghề nghiệp và ăn ra làm được.)

- Ở bài đọc thứ 2, thánh Phaolo tường thuật việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể, khi đó Ngài cũng cầm lấy bánh và tạ ơn.

- Còn trong bài Tin mừng, khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, là hình ảnh tiên trưng của bí tích Thánh Thể, Chúa cũng cầm lấy 5 chiếc bánh  và 2 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, chúc tụng có nghĩa là tạ ơn.

Chúng ta đọc được lời tạ ơn long trọng nhất trong các Kinh nguyện Thánh thể đọc trong thánh lễ hằng ngày. (Mời anh chi em nghe lại Kinh nguyện Thánh thể IV.)

Đối với cộng đoàn Hòa Ninh, hôm trước chúng ta vừa long trọng cử hành lễ tạ ơn khánh thành nhà thờ. Giờ đây được cùng nhau dâng lễ trong ngôi nhà thờ tuyệt vời như thế này, chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa, cám ơn các ân nhân xa gần, cám ơn tất cả những ai đã đóng góp công của xây dựng nên nhà thờ này. Rất nhiều người, rất nhiều ân nhân, tôi xin phép không phải nhắc lại vì đã được kể rồi.

Tạ ơn Trời, cảm ơn đời, cảm ơn những người đi dự lễ, vì nếu không có họ, cuộc lễ đã không được như thế.

Lời tạ ơn hướng về cội nguồn con người, văn hóa, lịch sử, địa lý và tôn giáo của làng Hòa Ninh, mà Thiên Chúa đã quan phòng tiền định và các bậc tiền nhân của chúng ra đã dày công gầy dựng, cho có được như ngày hôm nay. Mời anh chị em chúng ta thử ôn lại vài đoạn thi ca kể về làng Hòa Ninh:

Hòa Ninh là đất bằng yên
Xem trong phong thổ hai bên đất bồi.
Nhìn phong cảnh hẵn hoi
có địa đầu chung tú
có sông dài bến đậu
trên lập chợ bán buôn
nhìn tây ngạn như tuôn
các lai kiều nhất thống.
Tuy điền thiểu đinh đa,
tiếng Hòa Ninh trù phú
dân khương vật phụ
xem phong cảnh hữu tình.

Đó là một đoạn trích trong vè nhà thờ 1922 của cụ Trương Sọi.

Còn đoạn khởi đầu vè Binh Hỏa có ghi:

Hòa Ninh là đất bằng yên
trên hòa dưới thuận
ước thiên niên thọ trường
nghĩ: phong thổ nhà vương
trong huyện này có một.

Đã dân thuần thói tốt
lại nhà đủ người no
ơn Chúa phù hộ cho
được trăm đường vui vẻ.

Giáo lương cùng sức khỏe
việc làng nước tương yên
ca nhị trạch nhị điền
đành an cư lạc nghiệp.

Hay khi nói về tình lương giáo Hòa Ninh, tác giả Nguyễn Anh Tài, một người bên lương, viết như thế này:

Hòa Ninh  xôn xao như cô gái dậy thì
có mái đình dỏng dạc uy nghi
bên giáo ngự thánh đường lồng lộng.

Cày cuốc giáo lương chung đồng ruộng
Khoai mùa về, bột xé nghẹn cả đôi bên
Nước ngọt quanh năm chung giếng đầu làng
Chuôn giữ cá, hạn về, chung nhau tát.

Ngày mùa đông, chung che tơi bên giáo
Nắng vàng mùa, chung nón lá bên lương
Áo Đức Bà, tràng hạt ríu rít trước thánh đường
Có thợ bạc bên lương mài dũa.

Những lớp con làng
chung sân trường, chung thầy giáo
chung phập phồng, hỏng đậu những mùa thi.

Đạo Hòa Ninh mấy chục năm ni
thờ Chúa, có nhiều cha lên cung thánh,
có bà phước trắng tinh màu từ thiện,
có ông già sùng đạo Vatican.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Hòa Ninh đã cống hiến cho Giáo Hội 53 nữ tu, 10 nam tu sĩ, 5 thầy đại chủng sinh, 51 linh mục, mà người thứ 51 đang nói với cộng đoàn đây. Không biết tự bao giờ, trong dân gian Hòa Ninh có câu ca dao: 'Đạo Hòa Ninh như đinh đóng cột'; hay 'Cam Xã Đoài, khoai Mỹ Dụ, cụ Hòa Ninh'. Và Chúa quan phòng thế nào đó mà bây giờ một người Hòa Ninh đang coi xứ Mỹ Dụ.

Thật sự thì bây giờ Hòa Ninh đã mai một rồi, về phần đời cụng như phần đạo. Nhìn lại thì bây giờ ứng nghiệm câu ca dao rằng:

Đi chợ xi nựa Hòa Ninh/
lưỡng long ngươi đuổi uổng tình trời cho/
Từ đây ngươi phải chăm lo/
Cày su, cuốc bẩm, ấm no tháng ngày.

Hay 
Gió đập cơn kiên
gió thổi cơn kiên
anh mi về bên đạo
tổ tiên mi ai thờ.

- Gió đập cơn cà/
gió thổi cơn cà/
o mi về bên ngoại/
bộ áo đức bà ai đeo?

Hiện nay thì có nhiều o về bên ngoại, áo Đức Bà không ai đeo, nhiều o Hòa Ninh dễ dàng xem đạo Chúa không bằng đạo chồng!

Xin anh chị em cầu nguyện cho con cháu Hòa Ninh chúng tôi với. Chỉ mong được như ngày xửa ngày xưa:

Hòa Ninh quê tôi xứ đạo yên vui
giữa 2 dòng sông chảy
sạu nếp khoai tây
ruộng vườn san sát, lúa ngát xóm làng…
Nhìn chợ Mới đôông vui
thêm nhớ lại ngày xưa sum họp
đường quê quăn quắt bờ lau, buij hóp…
câu kinh tiếng hát, những buổi chiều tà.
Ai về Hòa Ninh khoai vàng sạu trắng
đất nhiều đời văn vật tổ tiên
đã dâng cho Giáo Hội những đứa con hiền
hãy làm rạng rỡ
hỡi những lứa tuổi xanh!

Thưa cộng đoàn! Không chỉ riêng bà con người Hòa Ninh, mà tất cả anh chị em đang hiện diện nơi đây đều có cơ hội để nói lên lời “Tạ ơn Chúa”. Tạ ơn Chúa vì muôn ơn lành Chúa ban: sự sống, ơn đức tin, lời hứa được thừa hưởng hạnh phúc vĩnh cữu mai hậu, như chúng ta vẫn thường đọc trong kinh cám ơn sáng và chiều; tạ ơn Chúa vì sức khỏe, con cái, gia đình, và những tiện nghi trong đời sống hằng ngày.

Nếu bạn có thức ăn trong tủ lạnh, bạn được ăn mặc tử tế, bạn có một mái nhà và một nơi nghỉ ngơi… thì bạn giàu có hơn 60% nhân loại.

Nếu bạn có tài khoản trong ngân hàng hay có tiền trong ví và có một ít của để dành, thì bạn thuộc vào số 35% người giàu trên thế giới.

Nếu sáng nay bạn thức dậy mạnh khoẻ, bạn may mắn hơn 1 triệu người không thể sống được đến tuần sau.

Nếu bạn chưa từng trải qua nguy hiểm chiến tranh, sự cô đơn ở trong nhà tù, thì bạn hạnh phúc hơn 500 triệu người trên thế giới. Nói đến sự cô đơn trong nhà tù tôi chợt nhớ đến anh bạn trẻ đã ngộ sát cán bộ xã Quảng Phúc …

Nếu bạn có thể đi lễ ở nhà thờ và không sợ hãi về ngày tận thế, không sợ bắt bớ, kết án hay cái chết … bạn may mắn hơn 1 tỷ người trên thế giới.

Nếu cha mẹ bạn còn sống và vẫn ở với nhau, hãy nhớ rằng những người có được như bạn thật là hiếm.

Nếu bạn đọc được những dòng chữ này, bạn may mắn gấp đôi vì còn có ai đó nghĩ đến bạn, hơn nữa bạn may mắn hơn 2 tỉ người mù chữ trên thế giới.

Chúc anh chị em một ngày lễ tốt lành! Hãy đếm những phúc lành, và chuyển thông điệp này cho người khác để nhắc nhớ rằng họ may mắn biết bao! 
Share:

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Các thánh tử đạo Việt Nam: những lời nhắn đáng nhớ

Lm Phạm Quang Long

Có một câu chuyện thật cảm động xảy ra trên dòng sông Gianh, Quảng Bình, gần chỗ chúng ta đang đứng đây. Mùa nước lũ cách đây 8 năm, chính xác là ngày 26/11/2004, chị Maria Trần Thị Mai, một người giáo dân xứ Phù Kinh, đã hi sinh vì cứu người trong lũ. Sau khi đã cứu được 7 người, chị Mai đã mãi mãi ra đi, để lại 5 đứa con dại.
Hồi đó, báo chí viết rất nhiều về hiện tượng này. Người ta nói nhiều về chị Mai và gia đình, nhất là về nỗi đau mất mẹ mà 5 đứa con phải chịu. Đáng chú ý là một bài trên báo Tuổi Trẻ có tiêu đề ‘Mạ không về nữa thiệt rồi’, với lời kết thúc như thế này: “Đau xót quá cái hình ảnh mấy chị em chiều chiều ra bến sông trước nhà ngóng mẹ trở về từ con thuyền nhỏ sau một ngày chài lưới, nhưng từ chiều nay với các em, người mẹ thương yêu ấy đã không về nữa! Mãi mãi không về nữa!”

Đọc bài báo đó, tôi cảm thấy nghèn nghẹn, không cầm nổi nước mắt. Nhưng tôi cũng có cảm giác là thiếu một điều gì đó, vì tuyệt nhiên người ta tránh né, không đề cập đến một chi tiết quan trọng: chị Mai là một người Công giáo. Tôi cho rằng đây là một yếu tố thiết yếu, quyết định hành động của chị.
Thử hỏi tại sao chị Mai có hành động anh hùng như vậy? Thưa vì lòng bác ái Kitô giáo thúc đẩy mà chị đã hi sinh mạng sống mình để cứu tha nhân. Chị đã thực thi lời Chúa dạy: Hãy yêu tha nhân như chính mình. Trong cuộc đời, chị đã đọc không biết bao nhiêu lần kinh Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn.Mười điều răn được tóm lại thành hai điều: Yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và yêu người như mình ta vậy. Chị được nhà nước truy phong danh hiệu anh hùng. Còn chúng ta có thể phong thánh cho chị. Không có tình yêu nào cao cả cho bằng chết cho bạn hữu mình. Chết cho người khác được sống có thể xem như tử đạo. Đó thật là một chứng tá sống động cho mỗi người Kitô hữu chúng ta.
Hôm nay trong ngày lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta vui mừng, vinh dự và khâm phục khi chiêm ngưỡng 117 tấm gương sáng chói của các bậc tiền nhân, đại diện cho hơn 130.000 chứng nhân đức tin, đã anh dũng hy sinh vì tình yêu đối với Đức Kitô.
Vua quan và lý hình thời đó chắc chắn đã ngạc nhiên thắc mắc: Không biết vì sao những người này lại hy sinh mạng sống mình? Bản thân mỗi người chúng ta cũng có thể tự hỏi: Nhờ đâu mà các ngài có sức vượt qua mọi đau khổ cực hình như thế? Và trong ngày lễ hôm nay, các ngài để lại cho chúng ta những thông điệp nào? Thông điệp, message, đơn giản là lời nhắn. Các ngài muốn nhắn nhủ chúng ta là hậu thế của các ngài những điều gì đây? Rất nhiều vấn nạn chúng ta có thể đặt ra trong ngày lễ này. Câu trả lời tiềm tàng trong các bản văn phụng vụ đọc trong ngày lễ hôm nay.
Chúng ta hãy nghe lời một bà mẹ có bảy người con trai phải chết nội trong một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Chúa. Bà dùng lời Chúa mà nói với các con rằng: ”Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho các con. Chính Đấng Tạo Hóa càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con coi trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình”.
Bài đọc 2 trích thư gửi tín hữu Roma thì đưa ra câu hỏi: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” Và câu trả lời đi liền kề: ”Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta”.
Còn bài Tin mừng Luca thật ngắn gọn, nhưng đó là lời sự sống cho các môn đệ Chúa: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vá thập giá mình hằng ngày mà theo. Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Người nào được cả thế giới mà mất chính mình thì nào có lợi gì?”
Cha ông chúng ta ngày xưa đã nghe những lời đó. Các ngài suy gẫm những lời đó, và lấy làm phương châm sống cho mình. Thật vậy, chúng ta có thể nghe lời các ngài sau đây, và nhận thấy rằng lời các ngài tương hợp với lời Chúa, bởi vì lời của các ngài bắt nguồn từ lời Chúa, và lời các ngài phản ảnh lời Chúa.
Thánh Phaolo Tịnh viết cho các chủng sinh ở Kẻ Vĩnh như thế này: “Những cực hình này thường làm cho người khác buồn sầu, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, tôi vẫn đầy vui sướng hân hoan, bởi vì tôi không chỉ có một mình, nhưng có Đức Kitô ở cùng tôi. Người mang tất cả sức nặng thập giá, chỉ để cho tôi đỡ phần nhẹ nhất”. Ngài thưa với quan án rằng: “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý. Nhưng linh hồn là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được”.
Thánh Anrê Kim Thông nói: “Thà tôi bị lưu đày và phải chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo”.
Thánh Phêrô Quí gửi cho mẹ mình:
“Dù trăng trói, gông cùm tù rạc
Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề
Miễn vui lòng cam chịu một bề
Cho trọn đạo trung thần hiếu tử”.
Thánh Simon Hòa nói với các con: Chúa đã muốn cha chịu khổ hình, cha xin vâng ý Người cho trọn”.
“Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý hóa đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!” (thánh Teophano Ven).
Các thánh tử đạo ngày xưa không có được tiện nghi như chúng ta ngày nay: các ngài không có điện thoại di động, không có email, không biết dùng Yahoo Messenger. Nếu có chắc các ngài đã để lại cho chúng ta những lời nhắn. Thế nhưng chính cuộc đời của các ngài nhắn nhủ chúng ta rất nhiều điều. Trong dịp lễ năm nay, tôi xin ghi lại ba lời nhắn đáng nhớ mà các thánh Tử đạo đã âm thầm gửi lại chúng ta:
  1. Coi trọng Luật Lệ của Chúa hơn bản thân mình.
  2. Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô.
  3. Được cả thế giới mà mất chính mình thì nào có lợi gì
Thời nào cũng đầy những cạm bẫy, những cám dỗ làm cho chúng ta xa Chúa. Để giữ vững đức tin, lúc nào chúng ta cũng gặp nhiều tình huống khó khăn, thậm chí hết sức khó khăn, buộc chúng ta phải chọn lựa dứt khoát: bỏ Chúa hay theo Chúa. Khi chúng ta bị cám dỗ muốn phá thai, ngừa thai chẳng hạn, hãy nhớ lại lời nhắn của bà mẹ có 7 người con: “Coi trọng Luật Lệ của Chúa hơn bản thân mình.” Khi chúng ta được mời mọc về một lối sống xa rời tinh thần Tin mừng, hay là lỗi lời khấn như các chị nhà dòng ở đây chẳng hạn, hãy tâm niệm lời của thánh Phaolo: ‘Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô’. Khi chúng ta gặp những cám dỗ ngọt ngào, đi gia nhập hội đoàn này, tổ chức kia, tỉ như: “không có gì đâu, anh vẫn được phép giữ đạo như thường…”, thì hãy nhớ lời của Chúa: ‘Được cả thế giới mà mất chính mình thì nào có lợi gì’; hay lời của thánh Teophano Ven: ’Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý hóa đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!’
Ngày nay, không còn những cuộc bách hại như xưa, nhưng văn hóa và lối sống hưởng thụ thời nay cản trở chúng ta thực thi các đòi hỏi của Tin mừng. Giữa thế giới văn minh, tiện nghi, việc đạo được dễ dàng , e rằng có khi chúng ta bước qua Thánh giá, sống ngược với đức tin, mà vẫn không hay: Đó là khi chúng ta sống ích kỷ, chỉ chăm lo đến ốc đảo của riêng mình; đó là khi chúng ta bỏ qua lời thề ước của hôn nhân để ngoại tình; đó là khi những người mẹ giết con bằng hành vi phá thai, nạo thai; đó là khi những người trẻ buông thả về đời sống tình dục; đó là khi chúng ta coi trọng những cuộc nhậu nhẹt say sưa hơn là kinh lễ; đó là khi chúng ta chia rẽ, hận thù và phá vỡ mối giây hiệp nhất trong cộng đoàn.
Mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay cũng là dịp để chúng ta nói lên lời đoan hứa quyết tâm trước các bậc tiền bối: Quyết tâm làm Kitô hữu cho đến chết.
Có ai trong chúng ta có ước muốn đạo đức là được tử đạo không? Có thể Chúa không muốn chúng ta tử đạo theo nghĩa chặt, nhưng Chúa muốn chúng ta sống đạo để nên thánh. Nên thánh là ơn gọi căn bản của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Đọc những lời nhắn đáng nhớ qua cuộc đời của các thánh tử đạo Việt Nam, tôi xin nêu lên một định nghĩa về sự thánh thiện: Thánh thiện là làm cho cuộc sống mình, lời nói của mình tương hợp với lời Chúa. Để được như vậy, thì chúng ta cần phải nghe lời Chúa hằng ngày, đọc và suy niệm lời Chúa hằng ngày, lâu ngày, lâu tháng, lâu năm. Nhờ đó lời Chúa thấm vào trong lòng, làm cho mọi suy nghĩ, phản ứng và việc làm của chúng ta mới phù hợp với lời Chúa. Amen.
Share:
Được tạo bởi Blogger.

Thống kê

Top Menu

Theme Support