Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Hai bức ảnh tình người rơi nước mắt


Mấy ngày gần đây, cộng đồng facebook đã chia sẻ cho nhau hai hình ảnh về tình mẫu tử và tình người đầy mâu thuẫn nhưng xúc động. Cả hai hình ảnh thu hút hàng ngàn lượt bình luận trong thời gian ngắn.
Một bức chụp một đứa trẻ bị bỏ rơi, cuốn bao quanh thân hình bằng một tấm vải mỏng. Em được đặt trên trụ của lan can đường trong tình trạng côn trùng bò kín khắp người.
Cư dân mạng đang share hình ảnh đau lòng “một đứa trẻ bị bỏ rơi” khiến những người nhìn vào thật đau xót. (Nguồn: Facebook)
Bức ảnh xuất hiện trên facebook vào 16h chiều ngày 11/8, ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người với những lời bình luận bày tỏ sự thương xót. Bạn trẻ có nickname Quỳnh Quắn Quít bày tỏ: “khổ thân đứa bé quá!”. Bạn Carolyn Le xúc động: “Nhìn xong muốn nổi da gà. Tội nghiệp bé!”.
Cũng nhiều ý kiến phẫn nộ. Nickname Tiểu Xà viết : “Mong em sớm được siêu thoát. Thay mặt bố mẹ những người vô trách nhiệm với em, chị xin lỗi vì cảm thấy quá nhục nhã … Ngoài những “like” những “comment” thì chị không biết làm gì hơn là lời hứa sẽ không bao giờ biến mình thành người mẹ vô trách nhiệm … Rồi em sẽ là 1 thiên thần”.
Nick name Lệ Hằng tỏ ra bất bình: “Niềm hạnh phúc của phụ nữ là đựợc làm mẹ, thế mà người mẹ này lại bỏ đi đứa con mà mình mang nặng đẻ đau ra nó. Người mẹ này là người thật nhẫn tâm và ác độc”…
Bức ảnh thứ hai đăng tải ngày 14/8 trên mạng xã hội face book cũng gây xúc động đến rơi nước mắt.
Một bức ảnh cảm động rơi nước mắt. (Nguồn: Facebook)
Bức ảnh được đăng lên chưa đầy 11 giờ mà đã nhận được hơn một ngàn lượt “like” và bình luận.
Trong bức ảnh, theo nhiều người đó là một người đàn ông trung niên cõng người mẹ già của mình lên chùa thắp hương. Bức ảnh đã lay động tình mẫu tử của nhiều bạn trẻ. Nickname Rau Khoai viết: “Mẹ không có cánh, không vòng thánh. Nhưng trong mắt con mẹ vẫn là thiên thần.”
Trong hàng ngàn lượt bình luận, câu nói được thốt lên nhiều nhất là: Con yêu mẹ! Con xin lỗi mẹ!
Đây là cơ hội để nhiều bạn bầy tỏ tình cảm của mình với mẹ. Đôi khi chỉ là một câu nói mà chưa chắc ai cũng có thể nói ra. HaLy Phú tâm sự: “Thật tuyệt vời! Nhưng, rất ít người có thể nói được câu nói: “Con yêu mẹ”. Mình cũng chưa nói được.”
Hai bức ảnh, hai hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau, nhưng nó đều là tình mẫu tử nói riêng, và là tình người nói chung. Khi xã hội càng phát triển thì những tình cảm tốt đẹp của con người ngày càng bị bụi bặm của cuộc sống che lấp. Nhìn lại hai bức ảnh và có những khoảng lặng cho riêng mình, ta sẽ ngỡ ra nhiều điều…
Nhật Linh, vietnamnet
Share:

Câu chuyện hai vị thiền sư

Có một vị thiền sư trú trong túp lều tranh ở trên núi, một buổi tối khi đi thiền hành trở về, nhìn thấy một tên trộm đang chiếu cố túp lều tranh của mình nhưng tìm không được vật gì cả. Ngài bèn cởi chiếc áo ngoài đang mặc trên người và đứng ngoài cửa đợi tên trộm ra, vì ngài sợ làm kinh động tên trộm.Tên trộm vừa quay ra thì gặp thiền sư, trong lúc tên trộm hốt hoảng vị thiền sư liền nói: “Anh bạn! Đường sá xa xôi vất vả lên núi thăm tôi, tôi không đành lòng để anh về tay không, đêm khuya rồi, khoác chiếc áo này mà về cho đỡ lạnh. Nói xong ngài cầm chiếc áo khoác lên thân tên trộm. Tên trộm xấu hổ, cúi đầu rồi chạy thẳng xuống núi không dám nhìn lại.

Thiền sư nhìn dáng tên trộm khuất dần trong núi rừng mờ mịt, không ngừng thương cảm và nói: “Rất đáng thương, tôi muốn tặng cho anh cả vầng trăng để chiếu sáng con đường cho anh xuống núi”.

Vài hôm sau, khi thiền sư đang mở to đôi mắt nhìn ánh bình minh xuất hiện, thì nhìn thấy chiếc áo mà ông khoác lên thân tên trộm mấy hôm trước đó được xếp rất ngay ngắn đặt trước cổng, thiền sư vui vẻ nói: “ Cuối cùng thì ta cũng đã tặng anh ta cả vầng trăng sáng rồi”.

Lại có câu chuyện khác cũng tương tự. Trong thiền viện của thiền sư Tiên Nhai, có một vị học tăng rất ham chơi, vị này không chịu nổi cái cảnh vắng lặng yên bình của chốn thiền môn. Vào những buổi tối vị tăng sinh này thường ra vách tường sau chùa, đặt một cái ghế để leo qua tường ra bên ngoài chơi.

Sau khi thiền sư biết được, ngài không nói với ai. Một lần, vị tăng sinh này trèo tường trốn đi chơi, ngài đi theo phía sau và đem chiếc ghế để qua một bên rồi ngồi vào chỗ đó đợi vị học tăng trở về. Đêm khuya vắng vẻ, vị học tăng trở về, không biết chiếc ghế đã bị di chuyển nên vẫn leo qua vách tường và thò chân xuống ghế như mọi khi để vào chùa, nhưng khi vừa đặt chân xuống thì cảm thấy chiếc ghế dưới chân mình sao mềm mại, là lạ, cúi xuống nhìn thì hoá ra mình đang đứng trên vai vị thiền sư thầy mình. Lập tức vị học tăng hồn bay phách tán quỳ xuống nói không ra lời. 

Thiền sư liền đỡ vị học tăng đứng lên và nhẹ nhàng nói: “Đêm khuya sương nhiều, cẩn thận chứ ướt lạnh, hãy nhanh vào phòng nghỉ ngơi”.

Sau khi về phòng vị tăng sinh cứ phập phồng lo sợ không yên, trắng đêm không ngủ, lo sợ thiền sư sẽ trách phạt mình trước mặt đại chúng. Nhưng sự việc thì ngược lại, cứ ngày ngày trôi qua, thiền sư không nhắc đến chuyện, cũng không nói cho ai biết. Vị tăng trẻ tự trong lòng cảm thấy rất hổ thẹn vô cùng, từ đó về sau không dám trốn ra ngoài chơi mà quyết chí tu học, cuối cùng trở thành một vị tăng nổi tiếng đương thời.

Nếu bạn là thiền sư bạn sẽ xử lý thế nào với hai sự việc như thế? Tôi nghĩ, trong câu chuyện thứ nhất. Những người bình thường thì sẽ cùng tên trộm vật lộn hoặc sẽ la lớn lên “trộm, trộm…”. Câu chuyện thứ hai, đối những với người bình thường thì sẽ đem lỗi của vị học tăng nói trước mặt mọi người, sau đó sẽ có hình thức trách mắng quở phạt riêng cho vị ấy.

Nếu làm như vậy kết quả sẽ như thế nào nhỉ? Tôi nghĩ có thể xảy ra hậu quả thế này, câu chuyện thứ nhất: tên trộm sẽ đánh bị thương hoặc giết chết vị thiền sư hoặc có thể vị thiền sư đánh tên trộm bị thương và tên trộm sẽ trở lại trả thù thiền sư vào một ngày gần đó. Câu chuyện thứ hai, sau khi vị học tăng bị quở phạt trước mọi người sẽ cảm thấy rất xấu hổ với bạn bè, trong lòng buồn phiền thối chí tu học cuối cùng trở thành con người bình thường, và có thể từ bỏ lối sống thiền môn.

Hai vị thiền sư này xử sự không giống những người bình thường như chúng ta, mà lấy sự khoan dung đại trí, đại bi để thay đổi một tên lãng tử thành vị danh tăng. Con người không phải là thánh nhân nên tất nhiên có những sai trái, đối với những người phạm lỗi chúng ta nên có thái độ rộng lượng khoan dung. Im lặng mà hơn cả to tiếng trách móc đây là phương pháp giáo dục tốt nhất. 

Khoan dung là một phẩm chất đạo đức tốt, khoan hồng tha thứ lỗi cho người giống như ngọn gió mùa xuân mang mưa xuân đến thấm nhuần cây cỏ làm vạn vật thêm xanh tươi. Khoan dung còn hơn cả vàng, khoan dung là một phẩm chất không thể thiếu trong mỗi con người chúng ta.


Tác giả: Văn Đan
Người dịch: Như Nguyện
Share:

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Bài hát: Mẹ giáo phận Vinh


Hiệp thông cầu nguyện cho giáo phận Vinh, nhất là giáo điểm Con Cuông.
Sáng tác: Huyền Vinh
Trình bày: Tuyết Nga và các bạn
Share:

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Rứa mà cụng đi thi!


Năm ni Ất dậu chính khoa
Đội ơn Thánh Thượng
Lại vào ra kinh kỳ
Ai ai cũng đi thi
Lấy cử nhân tiến sĩ .

Vào trường ứng thí
Thi chưa được tràng đầu
Anh em đã rủ nhau
Trả tiền hàng tiền quán .


         Ra về dặn bạn
Kẻ ở lại người về
Nhẹ bước gót ra đi
Miệng lầu bầu chưởi số .

Đi thi mà không độ
Về vợ con cằn nhằn
          Con chạy ra chăn văn
Thầy tôi đã về trước .

Một là thầy tôi đậu được
Hai là tiền ăn thiếu ngày
Thầy tôi đạ về đây
Con troè tay hớn hở
Vợ troè tay hớn hở .

Mặt thầy buồn như vỏ độ
Vợ chạy lại hỏi thăm
         Vừa trải chiếu ra nằm
Giang tay đà giả mệt .

Vợ con không biết
Cứ đeo hỏi thầy mi
Thầy mi vô khoá ni
         Cử nhân thầy lấy mấy ?

Lom khom ngồi dậy
Mới cất tiếng thở ra
Nói mọi sự trong nhà
Đường duyên do mọi nỗi .

Hỏi chi  mà hỏi
Nói thiệt với mạ mi
Anh vô thi khoá ni
Vô tràng đầu đạ hỏng .

Có năm ba sào rọng
Bán trả nợ người đi
Tiền vay lấy đi thi
Để lâu ngày sanh tức .

Nghe nói mà buồn bực
Mà điếc cả  lộ tai
Đi thi đậu mặc ai
Đừng phân bì  hơn thiệt .

Thôi thôi hảy nói ít
Anh đã nghe nhiều rồi
Đừng nói nữa nhiều  lời
Để Anh  nằm đây với .

Đi thi mà chơi giởi
Cho biết chốn kinh kỳ
Ai ai cũng đi thi
Nhưng học tài thi phận .

Bấm gan mà nuốt giận
Theo thầy bói thầy khoa
Về vợ con mắng la
Khổ anh đà nên khổ .

Thiệt tâm thành tủi hổ
Cùng với vợ với con
Mong gia đạo vuông tròn
Ai ngờ mà như rứa .

Phải một ngày một bựa
Công dậy sớm thưc khuya
Khi mẹ đón con đưa
Xế trưa rồi đến sáng .

Học ba năm xao lãng
Chờ cho đến khoa thi
Vác mặt ra mà đi
Vô tràng đầu đạ hỏng!
Share:

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Linh mục thứ 57 của giáo xứ Hòa Ninh


Thầy Bartholomeo Nguyễn Hoàng Tuấn đã được phong chức linh mục ngày 04/8/2012 tại nhà thờ Ba Chuông do đức Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp.
Tân linh mục Bartholomeo sinh ngày 19/11/1973 tại giáo xứ Bình Hòa, Bình Thạnh, Sài Gòn, con ông Bart. Nguyễn Văn Thể (Nam Định) và bà Anna Trương Thị Diện (Hòa Ninh).
Trong gia đình còn có linh mục Bartholomeo Nguyễn Hoàng Tú, là em ruột của cha Tuấn.
Cha Tuấn, thuộc dòng Đa Minh, trở thành linh mục thứ 57 xuất thân từ giáo xứ Hòa Ninh.

Lm Phạm Quang Long
Share:

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Bài hát: Ngọn nến hướng về Con Cuông


Sáng tác: Huyền Phạm
Quê bọ 12/7/2012

Con Cuông, một giáo điểm nhỏ với 250 tín hữu, đã trở thành điểm thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước, vì sự kiện phạm thánh và hành hung linh mục, tu sĩ và giáo dân do nhà cầm quyền địa phương gây ra ra tại đây ngày 1/7/2012.


Đã có một cuộc thắp nến vĩ đại đêm 7/7/2012 tại các giáo xứ trải dài trên khắp ba tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình, dải đất miền Trung đầy nhọc nhằn và khổ ải.

Tham dự đêm thắp nến vĩ đại đó, một bạn trẻ đã sáng tác bài hát Ngọn nến hướng về Con Cuông


Tác giả có cái nhìn thật tinh tế khi chú ý đến từng ngọn nến một: "Từng ngọn nến lung linh tỏa lan", "từng ngọn nến lung linh cháy lan", "từng ngọn nến thắp lên".

Luồng sáng bao la được tạo ra từ từng ngọn nến một. Mỗi ngọn nến không bị lẫn lộn trong luồng sáng bao la đó, cũng như giáo điểm Con Cuông dù chỉ là một nhóm nhỏ cũng không bị lãng quên trong lòng mọi người yêu chuộng tự do, công lý và hòa bình.

Phải chăng đó là thông điệp của bài hát Ngọn nến hướng về Con Cuông.






Share:

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Thánh Gioan Maria Vianney

Hồi thiếu niên, tôi được biết Thánh Gioan Maria Vianney qua các tập truyện hạnh các thánh, và tôi đã rất “ấn tượng” với vị thánh “không giống ai” này. Việc Chúa làm quá kỳ lạ! Quả thật, “điều gì là không thể với loài người thì vẫn có thể đối với Thiên Chúa” (x. Mt 19,26).

Ngày 4-8 hằng năm là lễ Thánh Gioan Tẩy giả Maria Vianney (1786-1859), cha sở họ Ars (curé d’Ars), bổn mạng các linh mục. Ngài là người sống khiêm nhường và thánh thiện khác thường.


Ngài dâng mình vì vinh danh Thiên Chúa và cứu các linh hồn. Ngài chấp nhận phải thánh thiện từ nhỏ, và điều đó đã hoàn tất nơi ngài. Mọi lời ngài nói ra đều được nói bằng tâm tình sùng kính. Thành công của ngài khó ai có thể bắt chước. Ảnh hưởng của ngài không thể bỏ qua, và kết quả không thể tranh luận.

Mẹ của Thánh Gioan Vianney là một phụ nữ rất sùng đạo, bà cho con trai biết đạo rất sớm. Thánh Gioan Vianney nói: “Tôi mắc nợ mẹ tôi, các nhân đức của mẹ tôi dễ dàng đi vào lòng con cái, và con cái sẵn sàng làm những gì được nhìn thấy”. Ngài có bản chất tốt, với đôi mắt xanh và tóc nâu. Về sau, ngài nói:“Khi tôi còn nhỏ, tôi không biết điều xấu. Tôi quen như thế nơi tòa cáo giải, từ miệng của các hối nhân”.

Sau nhiều gian truân, Thánh Gioan Vianney mới được chấp nhận trở thành linh mục. Lúc 20 tuổi, ngài rất khó khăn để học làm linh mục. Mathias Loras, có thể là người thông minh nhất của ngài trong chủng viện, được phân công giúp ngài học, và cũng rất nóng tính. Một hôm, hết chịu nổi khả năng của Gioan Vianney, Mathias Loras (12 tuổi) đã bạt tai Gioan Vianney trước mặt các chủng sinh khác. Mathias Loras thấy nóng mặt, nhưng cậu vẫn quỳ xuống trước mặt Gioan Vianney để xin lỗi. Mathias Loras có một trái tim vàng. Gioan Vianney cảm thấy buồn và bật khóc, rồi ôm lấy Mathias Loras đang quỳ dưới chân mình. Việc này bắt đầu một tình bạn khăng khít. Mathias Loras về sau làm nhà truyền giáo tại Hoa Kỳ, rồi làm giám mục giáo phận Dubuque, nhưng không bao giờ quên kỷ niệm xưa.

Thánh Gioan Vianney là người có cách nhìn vượt qua mọi trở ngại và có những hành vi tưởng chừng như không thể. Ngài khao khát làm linh mục, nhưng ngài phải cố vượt qua sức học yếu kém của mình, không đủ điều kiện vào chủng viện.

Ngài không học nổi tiếng Latin nên buộc ngài phải dừng bước. Nhưng mơ ước làm linh mục trong ngài khiến ngài tự tìm thầy dạy riêng. Sau thời gian dài vật lộn với sách vở, ngài được thụ phong linh mục.

Lúc còn là chủng sinh, Gioan Vianney học rất chậm. Một ngày kia, một giáo sư thần học thừa lệnh Đức Giám mục đến khảo sát Vianney xem có đủ khả năng học vấn để tiến tới chức linh mục không. Tuy đã cố hết sức học hành, Vianney vẫn không thể trả lời được câu nào cho trôi chảy. Nổi nóng, vị giáo sư đập bàn nói: “Vianney, anh dốt đặc như con lừa! Với một con lừa như anh, Giáo hội hy vọng làm nên trò trống gì”?

Gioan Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời: “Thưa cha, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa mà đánh bại 3.000 quân Philitinh. Vậy với cả con lừa này, Thiên Chúa không làm được việc gì sao?”.

Và “con lừa” Gioan Vianney đã làm nên trò trống là làm rạng danh Thiên Chúa và mưu ích cho Giáo hội. Cùng với Catherine Lassagne và Benedicta Lardet, ngài lập La Providence (Chúa quan phòng), một nhà dành cho các cô gái. Ngài tín thác Thiên Chúa sẽ ban các điều cần cho tinh thần và thể lý của những người coi nhà “Chúa Quan Phòng” là nhà của mình.

Những việc “bất khả thi” luôn ám ảnh ngài. Tài mọn, học kém, nhưng ngài vẫn được “đặc cách” thụ phong linh mục năm 1815. Sau 3 năm ở Ecully, ngài được bổ nhiệm về xứ Ars. Khi quản nhiệm xứ Ars, ngài gặp nhiều người lạnh nhạt và sống khá thoải mái. Ngài muốn giúp họ ăn chay nghiêm ngặt và ngủ ít ban đêm: Một số quỷ chỉ có thể bị xua đuổi bằng việc cầu nguyện và ăn chay.

Lm Gioan Vianney cố gắng đạt được điều mà nhiều linh mục ước muốn, nhưng đó là điều khó. Không thể làm trong một sớm một chiều, mà phải kiên nhẫn thay đổi từng chút. Đây là một xứ nhỏ nhưng “rắc rối” đủ chuyện. Khi đến nơi, Lm Gioan Vianney quỳ xuống hôn đất và cầu nguyện. Hành động đặc biệt này đã được Chân phước GH Gioan Phaolô II noi gương mỗi khi ngài đến nơi nào đó. Thánh Gioan Vianney nói: “Nếu một linh mục không muốn mất linh hồn, thì ngay khi giáo xứ gặp rắc rối, linh mục đó phải vượt qua mọi toan tính của con người, không sợ bị khinh thường và bị thù ghét. Linh mục đó không cần phải biện hộ, dù bị sát hại. Mục tử muốn làm sứ vụ thì luôn phải cầm gươm trong tay. Chính Thánh Phaolô đã nói với giáo đoàn Corintô: Phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí tiền của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em. Phải chăng vì yêu mến anh em nhiều hơn mà tôi được yêu mến ít hơn?”. (*)

Trong các bài giảng đầu tiên, Thánh Gioan Vianney đã phản đối các thói hư tật xấu của dân xứ Ars: Báng bổ, nguyền rủa, coi thường ngày Chúa nhật, tụ tập ăn nhậu và múa hát ở các quán xá, những bài hát trơ trẽn và ăn nói tục tĩu. Ngài nói: “Quán xá là cửa hàng của ma quỷ, là trường học của hỏa ngục, là thị trường buôn bán các linh hồn, là nơi làm tan vỡ các gia đình, là nơi làm cho sức khỏe bị hao mòn, là nơi xảy ra các cuộc cãi vã và giết người”.

Thánh Gioan Vianney không bao giờ nghĩ xứ Ars sẽ thay đổi cho đến khi có 200 người sống theo Mười Điều Răn của Chúa, Sáu Điều Răn của Giáo hội và hoàn tất nhiệm vụ trong cuộc sống. Điều này có đòi hỏi quá nhiều để đổi lấy Nước Trời?  Chúa Giêsu nói: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26; Mc 8,34; Lc 9,22). Nếu chúng ta hỏi họ làm gì trong ngày Chúa nhật, có thể họ sẽ trả lời:  “Tôi bán linh hồn cho ma quỷ và đóng đinh Chúa Giêsu... Tôi đã được tiền định xuống hỏa ngục...”.  Đó có thể là lời được nói ra hoặc chỉ được nói thầm trong lòng!

Thánh Gioan Vianney phải mất 10 năm mới có thể thay đổi dân xứ Ars. Không còn làm việc ngày Chúa nhật, nhà thờ càng ngày càng đông người, không còn say xỉn. Cuối cùng, các quán rượu đóng cửa vì không có khách, và các cuộc cãi vã trong gia đình cũng hết. Lòng chân thật trở nên tính cách chung. Thánh Gioan Vianney viết: “Xứ Ars không còn là xứ Ars nữa”, vì cả xứ đã thay đổi tận gốc rễ. Cả xứ Ars trở nên một cộng đoàn đạo hạnh. Ngài vui mừng dạy giáo lý cho trẻ em và dạy chúng làm bổn phận.

Thánh Gioan Vianney thánh hóa mình trong công việc và luôn sống trong thế giới siêu nhiên, nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ của một con người và một linh mục. Ngài nói: “Thật tốt đẹp biết bao khi làm mọi việc đều kết hiệp với Thiên Chúa nhân lành! Hồn tôi ơi, hãy can đảm! Nếu ngươi làm việc với Thiên Chúa, ngươi sẽ thực sự làm việc, và Ngài sẽ chúc lành cho công việc. Ngươi sẽ bước đi và Ngài sẽ chúc lành cho những bước chân. Mọi thứ đều được ghi công. Hãy dâng mọi đau khổ nhỏ lên cho Chúa. Tốt đẹp biết bao nếu biết dâng mình, dâng ngày, dâng mọi sự cho Chúa!”.

Trong thư an ủi người anh em họ là Lm Chalovet, Thánh Gioan Vianney viết:“Tôi vội viết những dòng này để nói anh đừng bỏ đi, dù có những thử thách mà Chúa muốn anh chịu đựng. Hãy can đảm! Nước Trời đủ để làm phần thưởng cho anh. Hãy nhớ rằng ma quỷ trong thế giới này muốn giành lấy các Kitô hữu tốt lành. Anh đang trong hành trình tử đạo. Nhưng phúc thay nếu anh là người tử đạo vì bác ái! Đừng để mất triều thiên vinh hiển đó. Chính Chúa Giêsu đã nói: ‘Phúc cho ai chịu bách hại vì Ta’. Xin chào tạm biệt. Hãy kiên trì và chúng ta sẽ gặp lại nhau trên Nước Trời... Hãy can đảm lên, hỡi người anh em! Chúng ta sẽ sớm thấy Thiên đàn vinh quang. Sẽ không còn thập giá cho chúng ta! Thật là thiên phúc! Chúa Giêsu đã yêu chúng ta quá nhiều và Ngài sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc!”.

Từ nhỏ, Thánh Gioan Vianney đã yêu mến Đức Mẹ. Khi là linh mục, ngài luôn cố gắng truyền bá lòng sùng kính Đức Mẹ. Các gia đình trong xứ Ars đều có tượng Đức Mẹ trước nhà, và trong nhà nào cũng có ảnh Đức Mẹ với chữ ký “M. le Curé” (Cha sở Maria, tức là Lm Gioan Maria Vianney). Năm 1814, ngài cho dựng tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm tại nhà thờ xứ. Tám năm trước đó, ngày 1-5-1836, ngài đã dâng xứ Ars cho Đức Mẹ Vô Nhiễm. Những ngày lễ Đức Mẹ, giáo dân rước lễ rất đông, và nhà thờ không bao giờ vắng người. Chiều các ngày lễ Đức Mẹ, không ai muốn bỏ lỡ các bài giảng của ngài về Đức Mẹ. Người nghe rất phấn khởi khi nghe ngài nói về sự thánh thiện, sức mạnh và tình yêu của Đức Mẹ.
Giáo dân xứ Ars nói với nhau: “Cha xứ của chúng tôi luôn làm những điều ngài nói và thực hiện những điều ngài giảng. Không bao giờ thấy ngài nghỉ ngơi thoải mái”. Ngài ăn chay nghiêm ngặt, đến nỗi chỉ còn da bọc xương. Ngài ngủ ít, mà chỉ nằm trên chiếc chiếu giản dị, và việc ăn uống của ngài cũng rất sơ sài, có khi chỉ là mấy củ khoai. Thánh Gioan Vianney đọc sách nhiều, và thường đọc hạnh các thánh. Ngài ấn tượng với cách sống thánh thiện của các thánh, ngài muốn chính ngài và người khác cũng noi theo những tấm gương đạo đức đó. Cách sống của ngài khiến chúng ta phải thẳng thắn tự xét mình rất nhiều!

Ngài nói: “Nếu chúng ta không là thánh bây giờ, thật bất hạnh cho chúng ta, vì thế mà chúng ta phải nên thánh ngay bây giờ. Trong lòng chúng ta không có tình yêu thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể làm thánh”.

Từ năm 1827, bắt đầu có nhiều người đổ về xứ Ars. Khách hành hương đến từ Pháp, Bỉ, Anh và từ Mỹ châu. Động lức chính của khách hành hương là muốn xưng tội với vị thánh sống và nghe lời khuyên của cha sở thánh thiện của xứ Ars. Tất cả là hồng ân Chúa, việc Chúa làm, chứ ngài không bao giờ xía vào chuyện riêng của người khác. Ngài hoàn toàn không tò mò, thọc mạch, hoặc chỉ trích giáo dân. Cũng như Thánh Giám mục Phanxicô Salê, ngài có biệt tài “thấy những cái mà người khác không thấy”. Khi giải tội, ngài thực sự thương yêu các hối nhân, đến nỗi ngài thường khóc ngay tòa giải tội. Người ta hỏi sao ngài khóc thì ngài trả lời: “Tôi khóc vì bạn không khóc”.

Người ta nói rằng “phép lạ vĩ đại của cha sở xứ Ars là tòa cáo giải”, vì ngài giải tội suốt ngày suốt đêm. Cũng có người nói rằng “phép lạ vĩ đại nhất của cha sở xứ Ars là hoán cải tội nhân”. Một hôm, có người tới xưng tội, người này chỉ đến nhà thờ vào ngày lễ Giáng sinh và Phục sinh. Thánh Gioan Vianney hỏi: “Ông xưng tội bao lâu rồi?”. Người này trả lời: “Bốn mươi năm rồi”. Ngài ngạc nhiên: “Bốn mươi năm?”. Người này nói: “Dạ, đúng là bốn mươi năm”. Và rồi người đàn ông này đã trở lại và chết tốt lành.

Ngày 4-8-1859, Lm Gioan Vianney trút hơi thở cuối cùng để về với Chúa. Ngài làm cha sở xứ Ars được 41 năm. Ngài được Giáo hội phong thánh năm 1925. Ngày nay, mỗi năm có hơn 500.000 lượt người đến thăm giáo xứ nhỏ bé Ars để kính viếng thi-hài-không-hư-nát của một Đại thánh nhân của Giáo hội Công giáo. Cuộc đời Thánh Gioan Vianney là câu chuyện dài về sự thánh thiện và đức khiêm nhường, ngài có trí thông minh kém cỏi nhưng rất thông minh về Thiên Chúa. Ngài chỉ thành công khi trở thành linh mục, ngài đã hoán cải cuộc đời rất nhiều tội nhân và ảnh hưởng mọi lớp người.

Suốt đời linh mục, ngài rất coi trọng việc giải tội vì ngài muốn giải hòa người ta với Thiên Chúa. Có những ngày ngài giải tội khoảng 12 giờ vào mùa Đông, và 16 giờ vào mùa Hè. Ngài không hề nghĩ tới việc nghỉ hưu. Khi nhiều người biết đến ngài, ngài dành thêm thời gian để phục vụ Thiên Chúa, thậm chí ngài có ít thời gian để ngủ vì thường xuyên bị ma quỷ “quấy rầy”.

Ngài sinh tại Dardilly và qua đời tại Ars, Pháp. Ngài được ĐGH Piô X phong chân phước, và được ĐGH Piô XI phong thánh. Ngài được tôn phong là bổn mạng các linh mục, nhưng nhiều linh mục chưa thực sự noi gương ngài để trở thành khí cụ như Ý Chúa!

Cuộc đời Thánh Gioan Vianney đã hoàn tất theo Ý Chúa: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28; Mc 10,45).

Có quy-trình-trao-đổi thế này: Nếu linh mục là vị Thánh, giáo dân sẽ thánh thiện; nếu linh mục thánh thiện, giáo dân sẽ tốt lành; nếu linh mục tốt lành, giáo dân sẽ tử tế; nếu linh mục tử tế, giáo dân sẽ vô tín ngưỡng. Chân phước Mẹ Teresa Calcutta ghi một bảng chữ ở phòng áo nhà nguyện thế này: “Xin các linh mục hãy dân thánh lễ sốt sắng như thánh lễ đầu tiên và như thánh lễ cuối cùng”. Mẹ Teresa rất sâu sắc và thánh thiện, vì cử hành thánh lễ là cử hành bí tích, rất quan trọng!

Thánh Gioan Vianney đang nhắc nhở chúng ta nhiều điều lắm!

Lạy Thánh Gioan Vianney, xin cho chúng con biết noi gương thánh thiện của ngài, và xin nguyện giúp cầu thay cho chúng con để chúng con có thể mau mắn hoán cải và sống theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
---------------------------
(*) 2 Cr 12,15.

Trầm Thiên Thu

thanhlinh.net
Share:

"Tự do tôn giáo là quyền, chứ không phải ân huệ xin cho"


Nhớ lại những lời của Đức cha Ngô Quang Kiệt, tiếng nói của công lý.
Share:
Được tạo bởi Blogger.

Thống kê

Top Menu

Theme Support