Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Mẫu tử tình thâm

Bài hát ru con của người Hòa Ninh

Mẫu tử tình thâm
công thầy nghĩa mẹ
đừng tiếng tăm nặng lời
đừng lớn tiếng cả hơi
cải mẹ thầy sao nên
cải mẹ thầy sao phải?

Thế tình ai nấy
thương lấy cội thung huyên. (1)
Công cù lao ai đền
nghĩa sinh thành ai trả.

Khi nhai cơm trún nước
đường mẫu tử tình thâm
thầy đói rách nợ nần
mẹ đói rách nợ nần
cũng vì con thơ ấu.

Mẫu tử chi mẫu
đường tác hữu vô thân
ở có thủy có chung
được mẫu từ tử hiếu.

Công mẹ thầy định liệu
đường cúc dục trưởng thành
con lên một lên hai
thầy ấp yêu bồng bế
mẹ ấp yêu bồng bế.

Con lên ba lên bốn
con bú mớm chẳng rời
sáu bảy tuổi nhởn chơi
chín mười con khun nậy. (2)

Con khun con nậy
thầy cũng chưa được cậy
mẹ râng (3) đáng phải lo
của thầy mẹ sắm cho
đứa sắm khăn sắm yếm
đứa sắm quần sắm áo.

Lên mười lăm mười tám
con ăn học dồi mài
sang hâm mốt hâm hai
lo gia thất chồng vợ
lo cựa nhà nội trợ.

Chốn hoa đào rực rỡ
thầy tưởng sự đêm ngày
mẹ tưởng sự đêm ngày
được dâu hiền rể thảo.

Sách thánh hiền là đạo
nào đại xá từ bi
con lỗi lầm điều xi
xin mẹ thầy xá quá.

Trong sách có kể
chữ bất khả luận tài
dặn anh cả chị hai
nay dù phận thất gia
vẫn thương chút mẹ cha
cùng thương đàn em út.

Thương đàn em út
phải nhắc nhở phen đòi
rứa mới được hẳn hoi
để truyền tôn kế tử

Đôi ba ngành thục nữ
sáu bảy kẻ nam nhi
thầy nỏ được nhờ xi
mẹ nỏ được nhờ xi
trả công ơn cho đáng.

Khi mẹ thầy định soạn
xin ai nấy xen vào
thầy mẹ tuổi tác cao
đừng tiếng tăm nặng nhẹ
đừng bấc chì nặng nhẹ.

Con ở gần thầy mẹ
phải xây đắp vun trồng
vợ dại đã có chồng
phải vào ra thăm viếng
năng đi về thăm viếng.

Khi đồng hàng quà bánh
khi bún sốt lòng tươi
phải chăm sóc lấy người
kẻo sau người bách tuế.

Mai sau người bách tuế
là cây cổi là vàng
lá rụng về đại ngàn
người còn đâu mà tìm
còn tìm mà răng được?

Khi trà dâng rượu rót
khi lệ nhỏ gối quỳ
thầy nỏ ăn được xi
mẹ cũng nỏ ăn xi
thấy những ruồi với kiến.

Khi hương hoa tưởng niệm
thầy không đoái không hoài
mẹ cũng chẳng đoái hoài
ai sống được không sai
được mẫu từ tử hiếu.


Chú thích:

1/ Thung huyên = cha mẹ.
2/ Khun nậy = khôn lớn.
3/ râng = còn
Share:

Phỏng vấn Thiên Chúa

Tôi mơ thấy mình được gặp và phỏng vấn Thiên Chúa.
“Vậy con muốn phỏng vấn Ta sao?”

“Vâng, lạy Chúa, nếu Ngài có thời gian.”

“Thời gian của Ta thì vô tận; vậy con muốn hỏi Ta điều gì đây?”

“Điều gì làm cho Ngài ngạc nhiên nhất về loài người?”


Và Chúa trả lời rằng…
“Con người quá băn khoăn lo lắng về tương lai, mà lãng quên hiện tại,
vì thế họ không sống trong hiện tại cũng chẳng phải cho tương lai.

"Họ sống như thể không bao giờ phải chết
và chết như thể chưa từng được sống.

"Họ chán ngán tuổi ấu thơ –
họ vội vàng lớn lên và ước mong tuổi thơ trở lại.

"Họ tổn hao sức khỏe để kiếm tiền
rồi lại phải mất tiền để phục hồi sức khỏe.”

Thiên Chúa cầm lấy tay tôi trong thinh lặng chốc lát,
và tôi hỏi tiếp: “Là một người cha, Ngài muốn con cái học những bài học nào về cuộc đời?”

Chúa mỉm cười trả lời:

"Hãy học biết rằng:

"Không ai có thể buộc người khác yêu mình.
Điều họ có thể làm là trở nên đáng yêu.

"Điều quí giá nhất không phải là cái họ có,
nhưng là người mà họ có trong cuộc đời.


"So sánh mình với tha nhân là điều không tốt.


"Người giàu không phải là kẻ có nhiều nhất,
nhưng là người cần ít nhất.

"Chỉ mất một vài giây có thể làm tổn thương sâu xa đối với người thân yêu,
nhưng lại phải tốn nhiều năm mới hàn gắn được vết thương đó.

"Học tha thứ bằng cách tập tha thứ.

"Nhớ rằng còn có ai đó yêu bạn,
nhưng lại không biết cách nào diễn tả nỗi lòng mình.

"Tiền bạc có thể mua được mọi thứ …
ngoại trừ hạnh phúc!!!

"Hai người có thể cùng nhìn một sự vật,
nhưng lại thấy nó theo hai cách khác nhau.

"Sẽ không bao giờ đủ khi được người khác tha thứ,
mà chính họ phải biết tha thứ cho bản thân mình.

"Và hãy học biết rằng Ta luôn hiện diện ở đây – mãi mãi.”

Tác giả: vô danh
Người dịch: Phạm Quang Long


------------------------


An interview with God

I dreamt I had an interview with God. "Come in," God said. "So, you would like to interview Me?"
"If you have the time," I said.
God smiled and said: "My time is eternity and is enough to do everything; what questions do you have in mind to ask me?"
"What surprises you most about mankind?"
God answered:
  • "That they get bored of being children, are in a rush to grow up, and then long to be children again.
  • That they lose their health to make money and then lose their money to restore their health.
  • That by thinking anxiously about the future, they forget the present, such that they live neither for the present nor the future.
  • That they live as if they will never die, and they die as if they had never lived…"
God’s hands took mine and we were silent for a while and then I asked…"As a parent, what are some of life’s lessons you want your children to learn?"
God replied with a smile:
  • "To learn that they cannot make anyone love them. What they can do is to let themselves be loved.
  • To learn that what is most valuable is not what they have in their lives, but who they have in their lives.
  • To learn that it is not good to compare themselves to others. All will be judged individually on their own merits, not as a group on a comparison basis!
  • To learn that a rich person is not the one who has the most, but is one who needs the least.
  • To learn that it only takes a few seconds to open profound wounds in persons we love, and that it takes many years to heal them.
  • To learn to forgive by practicing forgiveness.
  • To learn that there are persons that love them dearly, but simply do not know how to express or show their feelings.
  • To learn that money can buy everything but happiness.
  • To learn that two people can look at the same thing and see it totally differently.
  • To learn that a true friend is someone who knows everything about them…and likes them anyway.
  • To learn that it is not always enough that they be forgiven by others, but that they have to forgive themselves."
I sat there for a while enjoying the moment. I thanked Him for his time and for all that He has done for me and my family, and He replied, "Anytime. I’m here 24 hours a day. All you have to do is ask for me, and I’ll answer."

People will forget what you said.
People will forget what you did,
but people will never forget
how you made them feel.

~ Source Unknown ~
Share:

Có thể có ơn cứu độ nơi các tôn giáo chăng?


Sống là đi tìm sự giải thoát. Trong dòng lịch sử, loài người đã thể hiện việc tìm kiếm đó qua các tôn giáo khác nhau. Các tôn giáo tiêu biểu cho khát vọng sâu xa đó của kiếp người. Có thể nói rằng: có bao nhiêu quan niệm về cứu rỗi, thì cũng có bấy nhiêu tôn giáo. 

Vậy có thể có ơn cứu độ nơi các tôn giáo chăng?

Bài viết này sẽ trình bày những suy tư thần học về ơn cứu độ nơi các tôn giáo.
   
      Bài liên quan >> Về ơn Cứu Độ ngoài Kitô Giáo

Ý niệm cứu độ

Cứu độ, theo nguyên ngữ Hy Lạp là sôzô, có nghĩa là được giải thoát khỏi một sự dữ có thể làm nguy hiểm đến tính mạng. Từ nghĩa thông thường đó mà người ta dùng để diễn tả kinh nghiệm tôn giáo: Thiên Chúa cứu rỗi loài người, thần minh cứu độ chúng sinh (1).

Người ta thường nghĩ cứu độ là giải thoát khỏi một thực tại tiêu cực. Tuy nhiên, sự cứu thoát này tự nó không phải là điều cốt yếu: nó chỉ là bước chuyển biến để đạt tới tình trạng viên mãn. Bởi vì, cứu độ có nghĩa là đạt tới sự viên mãn, trọn vẹn, đầy đủ, thực sự là chính mình, là hoàn thành hoá chính mình.

Nói chung, các tôn giáo quan niệm cứu độ là con người được đưa đến cùng đích của đời mình, giúp họ hoàn thành chính mình, tìm thấy thân phận của mình. Con người đang sống là một hữu thể chưa thành toàn, luôn luôn ao ước một cái gì hơn và một cái gì tốt hơn. “Theo kiểu nói của thánh Augustin, đối với một thụ tạo, Thiên Chúa là hạnh phúc, sung mãn, mục đích cuối cùng. Được thông hiệp với Ngài là được tất cả, là thiên đàng, là cứu độ. Kinh thánh dùng nhiều hình ảnh và ẩn dụ để diễn tả trạng thái được cứu độ: yến tiệc, hôn lễ, đời sống vĩnh hằng, bất tử, không còn bị huỷ hoại, ánh sáng, bình an, an toàn, toại nguyện, viên mãn, hài hoà với mọi thụ tạo, trở về nhà Cha, quê hương đích thực, hiển trị với Thiên Chúa, diện kiến Ngài, tham dự sự sống vĩnh hằng và nhiệm màu của Thiên Chúa, hiệp thông trọn vẹn với các thiên thần, anh chị em đồng loại và vũ trụ vật chất.” (2)

Để đạt được tình trạng như thế, tự sức con người không thể vươn tới được, mà phải cần sự tác động của thần linh. Theo Kitô giáo, ơn cứu độ được thực hiện trước tiên nơi con người Đức Giêsu Nazareth; nó đồng hoá với chính con người đó. Và để dự phần vào ơn cứu độ, cần phải tiến vào sự thông hiệp với Ngài. Kinh nghiệm cứu độ trực tiếp gắn liền với việc tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, là Đấng cứu độ.

Giáo lý cổ truyền: “Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ”

Trong bối cảnh tranh luận về giá trị của phép rửa trong các lạc giáo giữa thế kỷ thứ 3, thánh Syprien, giám mục thành Carthage, đã đưa ra câu châm ngôn trứ danh: “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” ("Extra ecclesiam nulla salus").

Thánh Augustin cũng đồng ý với Syprien. Hai vị thánh đã áp dụng thành ngữ này cho trường hợp của những người Kitô lìa bỏ Giáo hội mà theo các lạc giáo; lý do là vì họ phạm đến đức ái, nên đã mất ân sủng.

Một nhân vật khác là Fulgence, giám mục thành Ruspe, là người bảo toàn di sản của thánh Augustin, ra sức chống lại xu hướng lạc đạo. Ông đồng ý với thánh nhân cho rằng việc gia nhập Giáo hội Công giáo là điều kiện để được cứu độ. Ngoài Giáo hội có thể có phép rửa, nhưng phép rửa chỉ đem lại ơn ích bên trong Giáo hội mà thôi. Ai lãnh nhận phép rửa tội ngoài Giáo hội Công giáo là lãnh nhận một bí tích nguyên vẹn, nhưng người đó không được hưởng hiệu quả của bí tích là ơn cứu độ (3), bởi vì “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”.

Thành ngữ này thường bị tách rời khỏi bối cảnh lịch sử, đã chi phối truyền thống Kitô giáo cho đến thời Trung cổ và gần như đạt được tính chất tín lý. Các giáo phụ và các nhà thần học thời Trung cổ đã phổ quát hóa và đem thành ngữ ấy áp dụng vào trường hợp người Do Thái và lương dân. Trong một thế giới toàn tòng Kitô giáo, các ngài tưởng là mọi người trong thế giới đều đã nghe biết về Tin mừng, vì thế các ngài suy luận theo nghĩa đen và áp dụng chặt chẽ những lời Chúa Giêsu: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được ơn cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16,16). Không vào Giáo hội tức là đã từ chối Lời Chúa, và vì thế không thể được cứu rỗi.

Giáo thuyết này đã được huấn quyền phê chuẩn. Công đồng Latran IV (năm 1215) tuyên bố: “Chỉ có một Giáo hội toàn cầu: ở ngoài Giáo hội này, chẳng có ơn cứu độ” (Dz 802).

Năm 1302, trong tự sắc Unam sanctam, Đức Boniface VIII đã so sánh Giáo hội với tàu Noê, và khẳng định là không ai ở ngoài Giáo hội Công giáo hoặc thuộc Giáo hội Công giáo nhưng lại không vâng phục giám mục Roma mà có thể được cứu rỗi (Dz 870, 875).

Công đồng Firenze (năm 1442) trích dẫn và phê chuẩn luận đề của Fulgence de Ruspe: “Giáo hội Công giáo Rôma xác tín, tuyên xưng, và rao giảng rằng chẳng một ai trong những người ở bên ngoài Giáo hội Công giáo – không phải chỉ những người ngoại giáo mà cả những người Do thái giáo hay lạc giáo và ly giáo nữa – được tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu, mà trái lại sẽ đi vào lửa đời đời đã dành sẵn cho cho ác quỉ và các sứ thần của nó, nếu như ít nhất trong giây phút cuối đời không gia nhập vào Giáo hội” (Dz 1351).

Quan niệm mới: Ơn cứu độ không biên giới

Nhờ việc khám phá ra châu Mỹ (1492), người châu Âu mới biết rằng rất nhiều dân tộc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ chưa hề nghe nói đến Đức Kitô. Phần lớn trong số họ đều thuộc về một tôn giáo khác. Vì thế, vấn đề đặt ra là quan niệm thế nào về số phận của những người ngoài Kitô giáo. Không thể giữ vững lập trường kết án và loại trừ như trước đây. Bởi vì, không ai có thể bị kết án nếu không cố ý phạm tội. Đức Piô IX viết: “Phải tin chắc rằng những người không biết đạo thật, nếu là vô tri bất khả thắng, thì không thể coi họ là có tội trước mặt Chúa vì sự vô tri đó”. (4)
         
Chúng ta có thể tìm hiểu xem Kinh thánh quan niệm thế nào về vấn đề này. Trong trình thuật về biến cố dâng trẻ Giêsu vào đền thánh, Tin mừng Luca viết: “Ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân; đó là ánh sáng soi chiếu mọi nước” (Lc 2,30-31).

Thánh Phaolô quả quyết: Thiên Chúa “muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Khi nói về sự phán xét của Thiên Chúa, thánh nhân tin rằng phần thưởng được ban cho mọi người làm điều thiện sẽ giống nhau cho tất cả chứ không phân biệt gì: “Người sẽ ban vinh quang, danh dự và bình an cho tất cả những ai làm điều thiện, trước là người Do Thái, sau là người Hy Lạp, vì Thiên Chúa không thiên vị ai” (Rm 2,10-11).

Căn cứ vào ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, công đồng Vaticanô II dạy rằng: “Nếu biết thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, biết cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong hành động của mình theo sự hướng dẫn của tiếng lương tâm, thì cả những kẻ không biết đến Phúc âm của Đức Kitô và Giáo hội Người, nhưng lại không do lỗi mình, cũng có thể được cứu rỗi” (LG 16). Sự chu toàn thánh ý Thiên Chúa, được nói ở đây, có nghĩa là làm điều thiện và tránh điều ác, là gắn bó với sự thật, là hoà hợp giữa niềm tin và cuộc sống, là tuân theo lương tâm ngay thẳng.

Nơi khác, công đồng dạy: “Giáo hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của chân lý, chân lý chiếu soi hết mọi người” (NA 2).

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô, trong thông điệp Redemtoris Missio, đề cập đến sự hiện diện phổ quát của Chúa Thánh Thần: "không phải chỉ ở trong những người thiện chí với tư cách cá nhân, mà còn ở trong xã hội và lịch sử, trong các dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo - và tất cả điều đó luôn qui chiếu về Đức Kitô" (số 82).

Như thế, Thần Khí cũng có thể hoạt động ngoài các bí tích, và cả bên ngoài Giáo hội nữa. Và Thần Khí cũng có thể dùng những tôn giáo khác nhau làm khí cụ cứu rỗi cho tín đồ của mình trong mức độ chỉ một mình Ngài biết.

Vai trò của các tôn giáo trong chương trình cứu độ

Các tôn giáo có phải là những trung gian cứu độ cho các tín đồ của mình không? Các nhà thần học không nhất trí với nhau, và lập trường của họ có thể phân chia thành hai nhóm.

Nhóm thứ nhất, đại diện là Jean Daniélou và Henri de Lubac, chủ trương các tôn giáo chỉ là những hình thái biểu lộ việc con người đi tìm chính lộ. Nói cách khác, các tôn giáo không phải là dụng cụ cứu rỗi do Chúa thiết lập, mà chỉ là sản phẩm phát sinh từ tâm tình đạo giáo của con người. Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho tín đồ các tôn giáo, nhưng không qua trung gian các tôn giáo. Giá như các tôn giáo có vai trò gì trong chương trình cứu rỗi, thì vai trò đó chấm dứt khi Đức Kitô hoàn tất việc cứu rỗi.

Nhóm thứ hai, đại diện là Karl Rahner và Ramond Pannikkar, cho rằng các tôn giáo nằm trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Giáo lý và lễ nghi của các tôn giáo có thể ví như là những phương tiện Thiên Chúa dùng để ban ơn cứu rỗi cho các tín đồ. Các tôn giáo là những lối diễn tả có tính cách xã hội của con người với Thiên Chúa, nên có khả năng giúp tín đồ của họ tiếp nhận ân sủng. Như thế, mặc dù chúng còn chứa đựng những yếu tố bất toàn, nhưng các tôn giáo có thể có một giá trị cứu độ.

Kết luận
         
Trong chương trình của Thiên Chúa, bất cứ ai cũng có thể được cứu độ. Các tôn giáo có thể dẫn đưa con người đón nhận các phương thức cứu độ phù hợp với ý định của Thiên Chúa.
Vì thế, cần phải tránh thái độ quá khích, hay coi rẻ các tôn giáo khác. Trái lại, cần phải nhận định và đánh giá cho đúng những gì là chân thực, thánh thiện tiềm ẩn nơi các tôn giáo, cũng như phải nhận ra những dấu chỉ hoạt động của Chúa Thánh Thần, đang gieo rắc vô vàn mầm mống chân, thiện, mỹ nơi các tôn giáo.

Do đó, công cuộc truyền giáo không đồng nghĩa với việc chiêu mộ tín đồ, nhưng là nhằm làm triển nở các mầm mống đó tới mức sung mãn. Truyền giáo là làm cho các các tín đồ khác vượt qua chính mình, vượt qua các nền văn hóa và tôn giáo, để vươn lên tới Đấng Tuyệt Đối.
Lời nhận định sau đây của Benneth L. Woodward cũng đáng cho chúng ta tâm niệm: “Mẹ Teresa Calcutta, tuy là nữ tu thừa sai của Chúa Kitô, mẹ nhấn mạnh rằng Thiên Chúa muốn người Ấn giáo phải là một tín đồ Ấn giáo đạo hạnh, người Hồi giáo phải là một tín đồ Hồi giáo tốt lành, người Phật giáo phải là một phật tử hiền hòa”.
Đó phải là tinh thần của chúng ta khi sống trong một xã hội đa tôn giáo.

Lm Gioan Phạm Quang Long

Chú thích

1.     Xem Điển ngữ Thần học Thánh kinh, mục từ cứu rỗi trang 399.
2.     P. Nguyễn Thái Hợp, OP, Đường vào thần học về các tôn giáo, Dấn thân – Houston 2004, trang 106.
3.     Tham khảo Peter Neuner, Giáo hội học qua các tác giả, trang 124-125
4.     Piô IX, diễn từ Singulari Quadam ngày 9-12-1854. 

Share:

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Tủi thân người goá vợ

Ngồi buồn tủi phận than thân
Làm người nhiều nỗi
Gian truân rứa trời
Thiệt khóc thì hổ ngươi
Cười ra nước mắt.

Toan mở mày mở mặt
Để đua bạn sánh bầy
Con ông nọ mụ nầy
Cho người ta ngó lại.


Trời cứ đè lấy mãi
Không biết thế làm sao
Cơn mưa đập gió gào
Như ri đà đáo để .

Đương khi cha mẹ
Hai bên cũng sum vầy
Rồng lại ấp lấy mây
Trong làng cùng ít kẻ.

Bây giờ quạnh quẻ
Một cha quá con côi
Anh em cụng hiếm hoi
Khi cắn nước túi trời
Biết lấy ai mà cậy.

Ngồi ngần đi nghĩ lại
Nhớ đến ngãi tào khang
Nước mắt nhỏ hai hàng
Ruột tằm đau chín khúc.
Đau ruột tằm chín khúc!

Trong gia đình quẩn bức
Đi trong lại mất ngoài
Biết than thở với ai
Một đôi điều hơn thiệt.

Khi đi nam hồ bách việc
Anh nhớ đến việc chi
Cứ một chân bước đi
Chín mười chân bước lại.

Ba bốn năm ân ái
Chăn gối chưa được lâu
Vận mệnh bởi tại đâu
Số em đà ngắn ngủi.

Nhớ điều ăn tiếng nói
Nhớ nước bước đường đi
Thương đáo để lắm ri
Biết khi nào cho giãn!

Ra đường vui với bạn
Vẽ sầu não thương con
Cơm ăn cũng nỏ ngon
Đêm nằm cùng không ngủ .

Ngồi một mình vò vọ
Chộ tháng cũng như ngày
Nỏ ai biết ai hay
Đèn ai thì nấy rạng.

Chừ thua chúng kém bạn
Thua thiệt một trăm điều
Khi con khóc lợn kêu
Biết ai mà than vản!

            Tính lần lần ngày tháng
Đã bốn năm trời tròn
Ngồi nghĩ lại thương con
Phải kiếm người thủ thỉ.

Bàn với anh với chị
Siếc với chú với o
Để ba liệu bảy lo
Cũng ba ngần bảy ngại.

Cũng có người qua lại
Muốn chắp nối giao cầu
Toan kết ngãi trân châu
Ai làm mà đoan ngại.

Giá là trai là gái
Mà chọn lứa lựa đôi
Đã một đời vợ rồi
Nỏ chọn lưa chi nựa .

Một là tại cái số
Hai là tại làm sao
Ra rồi lại buộc vào
Phải tìm nơi ứng biến!

Chớ chê nơi gần tiện
Mà chuộng lạ tham thanh
Để lo việc cưởi canh
Để chăm bề nông nghiệp.

Vì tham dì có mẹ
Lại tốt chị tốt em
Cha nương nhờ một ti
Con nương nhờ một tí.

Khi mưa sa gió rét
Khi đá đổ mồ hôi
Phận cha quá con côi
Biết lấy ai mà cậy!

Ngồi ngần đi nghĩ lại
Một là tại số sinh
Hai là tại duyên mình
Đã ba chìm bảy nổi .

Nguồn cơn nông nỗi
Biết kể lể với ai
Bao giờ gặp hội thái lai
Hát ru hơi riền hợi!
Share:

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Ân sủng rẻ tiền và ân sủng đắt giá

GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Bài giảng lễ phong chức phó tế tại Sài Gòn ngày 26/5/2012 


Một vị giám mục cao tuổi nhận được thiệp mời dự lễ Trao tác vụ linh mục. Ngài hỏi tôi: gọi là trao tác vụ linh mục có đúng không, hay phải gọi là truyền chức linh mục? Ngài có lý, vì cách nói trao tác vụ linh mục hay tác vụ phó tế có thể gây hiểu nhầm rằng linh mục hay phó tế chỉ là một nhiệm vụ, một công việc, dù là công việc thánh. Đang khi đó, chức linh mục, chức phó tế không chỉ là một nhiệm vụ mà là điều gì đó sâu xa hơn nhiều. Trước hết và trên hết, đó là một ân sủng, “hồng ân Thánh Thần, cho phép thực thi một quyền thánh chức, quyền này chỉ có thể phát xuất từ chính Đức Kitô, qua Hội Thánh của Người” (GLHTCG số 1537). Chỉ trên nền tảng đó mới có thể nói đến tác vụ linh mục hay phó tế. Hiện hữu đi trước hành động. Chức linh mục thừa tác đi trước và làm nền cho thừa tác vụ linh mục. Dù khi già yếu bệnh tật hoặc trong hoàn cảnh không thể thi hành nhiệm vụ, linh mục vẫn là linh mục. Và chức linh mục hay phó tế ấy trước hết là một ân sủng: “Không ai tự gán cho mình vinh dự là thượng tế nhưng phải được Thiên Chúa kêu gọi, như ông Aharon đã được gọi” (Dt 5,4).
Vì là ân sủng được trao ban cho nên người lãnh nhận không có lý do gì để tự kiêu tự đắc cả, mà đúng hơn, phải biết đón nhận với lòng biết ơn và khiêm tốn. Sự khiêm tốn ấy vừa phát sinh từ ý thức về sự cao cả của hồng ân mình lãnh nhận, vừa phát xuất từ ý thức về sự mỏng dòn yếu đuối của bản thân.
Cách cụ thể, trong nghi thức phong chức hôm nay, vị giám mục chủ phong trao sách Phúc Âm cho từng tân chức với lời căn dặn: “Con hãy nhận lấy Phúc Âm Đức Kitô mà con đã trở thành người rao giảng, và con phải biết là hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”. Vậy có ai trong anh em dám tự hào rằng, bằng sức riêng của mình, tôi sẽ sống cách hoàn hảo Lời mà tôi rao giảng? Bằng sức riêng của mình, tôi sẽ làm cho mọi người tin vào Chúa Kitô là Đường, Sự Thật và Sự Sống?
Cũng trong nghi thức hôm nay, các tân chức thề hứa vâng phục Đấng bản quyền và sống độc thân trọn đời. Có ai trong anh em dám tự hào rằng, bằng sức riêng của mình, tôi sẽ trung thành trọn đời và trọn vẹn lời thề hứa đó, nghĩa là từ trong tâm hồn chứ không chỉ là tránh những vi phạm bên ngoài?

Tự đặt cho mình những câu hỏi như thế để khám phá sự mỏng dòn và yếu đuối của mình, nhờ đó sống khiêm tốn hơn. Chính sự khiêm tốn ấy thúc đẩy chúng ta cậy trông vào Chúa, và cầu nguyện là sự diễn tả niềm cậy trông ấy. Tôi nhớ lại hình ảnh Đức hồng y John Henry Newman. Là một linh mục Anh giáo và nhà tư tưởng nổi tiếng ở Oxford lúc ấy, nhưng khi nghiên cứu, ngài khám phá ra chỉ có Hội Thánh công giáo mới là Hội Thánh đích thực của Chúa Kitô. Thế nhưng quả là sự giằng co xâu xé khi phải giã từ Anh giáo cùng với biết bao đau khổ gây ra cho những người thân yêu, tin tưởng nơi ngài. Với tâm trạng ấy, trên chuyến tầu giữa biển cả mênh mông và sương mù giăng kín, ngài đã viết nên lời cầu nguyện nổi tiếng Lead, kindly Light:


“Ánh sáng dịu êm, xin dẫn con.
Dẫn con đi tới giữa đêm mịt mùng…
Dẫn con vững bước trên đường
Con không cầu thấy chân trời xa xôi.
Dẫn con, dẫn con từng bước,
Từng bước một thôi”.
Hãy mang lấy những tâm tình cầu nguyện ấy, lời cầu nguyện của những tâm hồn khiêm tốn và đầy ắp niềm trông cậy. Đồng thời, khi nói đến ân sủng, đừng nghĩ rằng ân sủng miễn trừ mọi nỗ lực và cố gắng của con người. Bởi lẽ, nói theo ngôn ngữ của Dietrich Bonhoeffer, ân sủng mà chúng ta lãnh nhận là ân sủng đắt giá chứ không phải thứ ân sủng rẻ tiền. Là một mục sư Tin Lành Lutheran, Bonhoeffer bị Đức quốc xã bắt giam và bị treo cổ. Chính trong những ngày bị nhốt trong tù, ông đã viết ra những dòng này:
“Ân sủng rẻ tiền là lời rao giảng ơn tha thứ mà không đòi hỏi hoán cải, chịu Phép Rửa mà không cần sống theo giáo huấn của Giáo Hội, rước lễ mà không cần xưng tội, nhận ơn xá giải mà không cần thống hối. Ân sủng rẻ tiền là thứ ân sủng không đòi hỏi phải sống đời sống người môn đệ, thứ ân sủng không có thập giá, thứ ân sủng không có Đức Giêsu Kitô, Đấng hằng sống và nhập thể làm người. Còn ân sủng đắt giá là kho tàng chôn giấu trong ruộng sâu, và vì kho tàng đó mà một người vui mừng bán đi tất cả những gì mình có để mua cho bằng được.
Đó là viên ngọc vô giá mà người lái buôn sẵn sàng bán đi tất cả của cải để mua lấy. Đó là lề luật vương giả của Chúa Kitô có thể khiến cho một người dám móc mắt mà quăng đi nếu nó gây trở ngại. Đó là lời mời gọi của Chúa Kitô khiến cho các môn đệ bỏ cả thuyền và lưới mà đi theo Người. Ân sủng đắt giá là Tin Mừng phải được tìm đi tìm lại, là ơn ban ta phải khấn xin, là cánh cửa ta phải gõ vào… Ân sủng đó đắt giá vì Thiên Chúa đã phải trả giá bằng chính sự sống của Con Một Ngài, và cái khiến Thiên Chúa phải trả giá đắt dứt khoát không thể nào là rẻ tiền đối với chúng ta”.
Vâng, ân sủng mà hôm nay chúng ta lãnh nhận là ân sủng đắt giá. Và vì đắt giá nên chúng ta phải trả bằng cả con người và cuộc đời mình, một cuộc đời dám sống cho Chúa và phần rỗi các linh hồn. Xin anh chị em cầu nguyện cho các tân chức và cho tất cả chúng tôi, các giám mục và linh mục có mặt ở đây, sống được như thế.
Ngày 26-05-2012
Lễ phong chức phó tế cho các đại chủng sinh Sài Gòn

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WHĐ
Share:

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Trang web của trụ sở Giáo phận Vinh tại Sài Gòn

http://trusovinh.net/ 
trang mục vụ di dân của giáo phận Vinh tại miền Nam,
đặc biệt đăng tải những tài liệu liên quan đến di dân và hôn nhân và gia đình.


Mỗi đôi hôn phối, sau khi cứ hành bí tích tại đây,
ngoài chứng thư gửi cho các giáo xứ liên quan,
http://trusovinh.net/ cũng lưu giữ chứng thư hôn phối
để giúp các linh mục quản xứ có tư liệu ghi sổ.

Trụ sở Giáo phận Vinh
32 Nguyễn Bỉnh Khiêm
Đakao, quận 1, TPHCM
Email: trusovinh@gmail.com
Phone: 08-3911-0669 (gọi trong giờ hành chính)

Linh mục phụ trách: Gioan Phạm Quang Long
Share:

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Về ơn Cứu Độ ngoài Kitô Giáo

LTS: Cha Raniero Cantalamessa, thần học gia Phủ Giáo Hoàng trong bài nhận định liên quan đến bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này đã đề cập đến vấn đề ơn Cứu Độ ngoài Kitô Giáo như sau:

Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta 



Cha Raniero Cantalamessa, thần học gia Phủ Giáo Hoàng
Thánh Gioan, một trong các tông đồ, thấy một người không trong nhóm các môn đệ nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ liền cấm người này làm thế. Khi ông thuật lại điều này với Chúa Giêsu, Chúa phán với ông rằng “Đừng ngăn cản người ta …vì ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9:39, 40).

Đây là chủ đề có một tầm quan trọng hiện nay. Chúng ta nghĩ thế nào về những người ngoại, những người ăn ở nhân lành và có những dấu chỉ của thần khí, mặc dù không tin nơi Đức Kitô và không thuộc về Giáo Hội. Họ có thể được cứu rỗi không?

Thần học đã luôn nhìn nhận khả năng, theo đó, Thiên Chúa có thể ban ơn cứu độ cho một số người theo những cách thức bên ngoài những cách thức thông thường là có đức tin nơi Đức Kitô, chịu phép rửa tội và là thành viên của Giáo Hội. 

Xác tín này đã được củng cố thêm trong thời đại tân tiến này, sau các khám phá địa lý và những tiến bộ trong khả năng truyền thông giữa các dân tộc khiến cho cần thiết phải ghi nhận rằng có vô số những con người, mà không phải lỗi tại họ, đã không hề được nghe lời công bố Tin Mừng, hay nghe trong một cách thế không phù hợp, từ những người đi chinh phục đất mới hay những kẻ thực dân lừa đảo, đến mức khó có thể chấp nhận được. 

Công Đồng Vaticanô II dạy rằng “Thánh Thần, trong một cách thế chỉ mình Chúa biết, ban cho mọi người khả năng được liên kết với mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô, và do đó, được cứu rỗi” ["Gaudium et Spes – Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng" số. 22]. 

Đức tin Kitô Giáo của chúng ta đã thay đổi chăng? Không, chừng nào chúng ta tiếp tục tin vào hai điều này: Thứ nhất, Chúa Giêsu là, một cách khách quan và chân thật, đấng trung gian và đấng cứu độ duy nhất của toàn thể loài người, và rằng những ai không biết Ngài, nếu họ được cứu rỗi, đã được cứu rỗi nhờ vào Ngài và vào cái chết cứu độ của Ngài. Thứ hai, là những ai, dù không thuộc vào Giáo Hội hữu hình, nhưng có “ý hướng” khách quan về Giáo Hội, hình thành một Giáo Hội rộng lớn hơn mà chỉ có Chúa biết.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dường như đòi hỏi hai điều từ những người “ngoại”: họ không “chống” lại Ngài, nghĩa là họ không tích cực chống lại đức tin và các giá trị của đức tin, chẳng hạn, họ không tự nguyện đặt mình chống lại Thiên Chúa. 

Thứ hai, nếu họ không thể phụng sự và yêu mến Thiên Chúa, tối thiểu, họ phụng sự và yêu mến hình ảnh của Ngài, là con người, đặc biệt, những người đang cần giúp đỡ. Thật vậy, đoạn Tin Mừng tiếp tục nói về những người “ngoại” với những lời sau: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.

Tuy nhiên, sau khi minh xác về tín lý, tôi tin cũng thực cần thiết để sửa đổi một số sai lầm khác: thái độ nội tâm của chúng ta, tâm lý của chúng ta như những tín hữu. Ta có thể hiểu, nhưng không thể chia sẻ, mâu thuẫn khó che đậy của một số tín hữu khi thấy đặc quyền liên quan đến đức tin vào Chúa Kitô và địa vị thành viên trong Giáo Hội của mình sụp đổ. Người ta nói: “Vậy thì là một Kitô hữu tốt có ích gì cơ chứ?”.

Trái lại, chúng ta nên vui mừng vô biên trước những khai mở mới này của thần học Công Giáo. Biết rằng anh chị em bên ngoài Giáo Hội cũng có cơ may được cứu rỗi thì còn có gì có sức giải thoát và thuyết phục về lòng quảng đại và ý chí vô biên của Thiên Chúa hơn là lời này “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ” (1 Tm 2:4). Chúng ta hãy biến ao ước của Môsê thành ước vọng của chính chúng ta như đã được ghi trong bài đọc thứ Nhất Chúa Nhật tuần này: “Phải chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người!”. (Ds 11:29).

Biết như thế liệu chúng ta có nên để mọi người yên trong xác tín của họ và ngừng truyền bá đức tin nơi Chúa Kitô vì người ta cũng có thể được cứu rỗi bằng những con đường khác mà? Dĩ nhiên là không.

Nhưng điều mà chúng ta nên làm là nhấn mạnh đến lý do tích cực hơn là lý do tiêu cực. Lý do tiêu cực là thế này: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, bởi vì ai không tin vào Ngài sẽ bị kết án muôn đời”; lý do tích cực là thế này: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, bởi vì thật là tuyệt vời để được tin nơi Ngài, được biết Ngài, để được có Ngài kề bên như đấng cứu độ trong cuộc sống và trong giờ chết”.
Share:

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ

Đi khắp thế gian, không ai tốt bằng Mẹ.
 Gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng Cha.
 Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ.
 Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha.
 Tần tảo sớm hôm, Mẹ nuôi con khôn lớn.
 Mang cả tấm thân gầy, Cha che chở đời con.
 Ai còn Mẹ, xin đừng làm Mẹ khóc.
Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không!
Share:

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Lễ Chúa nhật mà phải trình báo với nhà cầm quyền

Trụ sở Giáo phận Vinh
32 Nguyễn Bỉnh Khiêm
P Đakao, quận 1, TP HCM
THƯ TRÌNH BÁO
Về ngày lễ Chúa nhật 13/5/2012
Kính gửi Ban Tôn giáo thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 09 tháng 5 năm 2012, có 10 ông bà thuộc cán bộ chính quyền các cấp đến trụ sở Giáo phận Vinh, hỏi thăm về một ngày lễ tại đây.
Ngày 10 tháng 5 năm 2012, lại có ông Vũ Huy Long, thuộc Ban Tôn giáo thành phố, và ông Bùi Thế Hùng, thuộc Phòng Nội vụ quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, có đến trụ sở Giáo phận Vinh, yêu cầu chúng tôi trình báo về ngày lễ cho doanh nhân sắp tới.
Để đáp ứng các yêu cầu trên, chúng tôi xin trình báo sự việc cụ thể như sau:
Vào hồi 17 giờ ngày 13 tháng 5 năm 2012 tại trụ sở Giáo phận Vinh, 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đakao, quận 1, TP HCM, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp sẽ chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho giới doanh nhân Giáo phận Vinh đang làm việc tại Miền Nam.
Thực sự đây chỉ là một ngày lễ Chúa nhật bình thường, ngoại trừ một điều là dành riêng cho giới doanh nhân mà thôi.
Số lượng người tham dự thì chúng tôi không được biết; dầu vậy, có thể ước tính là không quá 100 người.
Chúng tôi xin kính báo để quí vị được rõ.
Sài Gòn ngày 11/5/2012
Lm Phạm Quang Long
Giám đốc trụ sở
Share:
Được tạo bởi Blogger.

Thống kê

Top Menu

Theme Support