Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Tản mạn truyện tết cổ truyền


VietCatholic News (26 Jan 2011 11:27)
Đất trời đang giao thời chuyển từ mùa đông giá rét sang tiết xuân âm áp. Như vậy là một năm nữa sắp qua đi! Những lo lắng, những gian lao, những bươn chải của năm củ đã khép lại. Giờ là lúc chúng ta “quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Giờ là lúc ta được nghỉ ngơi, vui thỏa. Giờ là lúc chúng ta sum vầy, đoàn viên.

Trong không khí này, bài viết xin chia sẻ vài tâm tình về ngày Tết cổ truyền người Việt.

1. Không khí đón tết

Tôi thích không khí đón tết hơn là không khí tết. Bởi 3 ngày xuân, bên cạnh niềm vui còn có nỗi lo nơm nớp vì sợ…hết tết. Không khí đón tết, niềm háo hức bóc từng tờ lịch để mong chờ ngày tết đến thật tuyệt vời. Cuộc sống như dài thêm, niềm vui sống và làm việc như tăng thêm trong những ngày này. Nói về không khí đón tết, tôi điểm qua một số nét chính sau:

Tảo mộ. "Tảo mộ" theo từ hán việt nghĩa là sửa sang lại mộ cho mới! Theo phong tục tập quán của người Việt nam ta, hàng năm cứ đến tháng 12 âm lịch thì nhà nhà kéo nhau đi tảo mộ. Sau khi sửa sang lại mộ chí thì khấn mời tổ tiên về ăn tết với con cháu! Ngày xưa, các nấm mồ được đắp bằng đất nên chỉ sau một thời gian ngắn cỏ mọc um tùm. Cỏ mọc nên cần phát quang, dọn dẹp. Ngay nay, ngôi mộ đã được bê tông hóa nên việc tảo mộ cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Quê tôi nói riêng và người công giáo Việt Nam nói chung, tối thiểu có hai dịp “tảo mộ” trong năm là trước tháng Linh hồn (tháng 11) và trước ngày tết nguyên đán. Như đã nói, do ngôi mộ đã được bê tông hóa nên dịp này con cháu chỉ phải nhổ vài cây cỏ, lau chùi ít bụi bám trên nấm mộ, cắm hoa và đặc biệt nhất là thắp hương cho người quá cố. Nơi giáo xứ tôi sinh sống và các vùng lân cận thường có một thánh lễ khá đặc biệt, rất trang trọng và xúc động vào chiều mồng 2 Tết – ngày kính nhớ tổ tiên tại nghĩa trang. Cũng cần phải nói thêm rằng, trước đây, khi đạo công giáo mới du nhập vào Việt Nam, do hiểu nhầm nên những người bài công giáo đưa việc kính nhớ tổ tiên để tẩy chay tôn giáo này! Do vậy, một thời gian dài, nhiều người vẫn không có thiện cảm với đạo công giáo. Việc dành hẳn một trong ba ngày Tết – đặc biệt nguyên cả tháng 11, tháng linh hồn để chúng ta tưởng nhớ tổ tiên, cầu nguyện cho người đã chết là nét đẹp đầy tính nhân văn, là câu trả lời cho sự hoài nghi trên.

Dọn nhà cửa. Song song với việc tảo mộ - ngôi nhà của kẻ đã khuất, việc dọn nhà cửa của người sống cũng luôn được chú trọng. Nhà người Việt thường không rộng, lại là tam tứ đại đồng đường – nhiều thế hệ, nhiều người chung sống dưới một mái nhà. Chính vì thế, nhà cửa thường rất bề bộn, không ngăn nắp. Thôi thì thời thế, thế thời thời phải thế! Nhưng đó là chuyện trong năm, còn dịp Tết thì phải khác. Những ngày giáp Tết nhà nào cũng tất bật dọn dẹp trong nhà ngoài ngõ. Cánh đàn ông thì sơn phết lại tường, lau chùi mạng nhện, kê lại bàn ghế…Cánh chị em thì tổng vệ sinh, lau chùi ly chén rồi trang hoàng lại ngôi nhà cho đẹp mắt. Gom nhặt rác thải, vật dụng không cần thiết rồi đem đốt. Về các vùng quê những ngày này chúng ta hay thấy bàng bạc một màu khói trắng. Một không khí rất riêng nhưng cũng rất đặc trưng của các vùng nông thôn. Hồi ức mùi khói này đã làm cay xè ánh mắt của những người xa xứ những ngày Xuân về!

Chợ Tết. Không khí tết thể hiện rõ nhất là văn hóa chợ tết. Cho dù kinh tế khó khăn hay bão giá, siêu bão giá mọi người, mọi nhà đều phải mua sắm tết. Tết về vai mẹ thường oằn thêm một chút, tóc mẹ bạc thêm nhiều sợi. Bởi tết có lẽ là dịp mẹ phải lao trí, lao lực nhất. Mẹ phải tính toán để đảm bảo thức ăn ngon cho cả gia đình trong ngày tết. Mẹ phải toan tính để mua cho các thành viên trong gia đình mỗi người một bộ đồ mới. Me vừa phải lo chi phí ngày xuân vừa phải cân đối chi phí cho cả 365 ngày sắp tới! Tôi còn nhớ, những ngày cận Tết ở Việt Nam mẹ ngày nào cũng phải đi chợ. Mẹ hay nói đùa “mua hết chợ rồi mà thấy vẫn còn thiếu”. Thế mới hiểu được tình mẹ bao la, thế mới biết được giá trị của cuộc sống. Nhắc đến vấn đề này lại nhớ bài thơ Chợ tết nổi tiếng của Đoàn Văn Cừ:

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon.

Vài cụ già chống gậy bước lom khom

…Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ.

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu.

Pháo Tết. Tôi còn nhớ không khí của những đêm ba mươi tiếng pháo râm ran trong ngõ ngoài phố. Khắp không gian hương trầm quyện với khói pháo tạo nên một mùi hương nồng nàn, xao xuyến. Sáng mùng một tết, nằm trong chăn nghe tiếng pháo lác đác xa gần, ra đường xác pháo đỏ vương khắp nơi, tiếng trẻ con nô đùa nghịch pháo làm cho những kẻ thích ngủ nướng cũng phải bung chăn mà thức dậy. Tất cả làm nên một không khí đặc trưng mà chỉ ngày tết mới có. Từ năm 1994, theo quy định của Chính Phủ, lệnh cấm đốt pháo đã được ban hành. Ừ thì luật thì phải thi hành nhưng vẫn thấy đâu đây cảm giác luyến tiếc, hoài cổ.

Ngoài những điều trên, không khí đón tết còn phải kể thêm như không khí đêm giao thừa, tiệc tất niên, mùi hương, mùi bánh tét…

2. Ẩm thực ngày Tết

Người Việt khá thực tế, họ luôn xác định “có thực mới vực được đạo”. Tết là lễ hội nhưng họ cũng không quên đến chuyện ăn uống. Với người Việt, ăn tết luôn chú ý đến vấn đề an toàn, đủ chất dinh dưỡng và hơn nữa, thức ăn còn mang đến cho họ nhiều hy vọng thành công trong năm mới. Ẩm thực truyền thống của ngày tết cổ truyền là bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, các loại bánh gia truyền và rượu…Đó là cái nền chung. Khi tìm hiểu từng vùng miền của đất nuớc, chúng ta sẽ thấy có vô vàn phong vị tết hiện ra thật đặc sắc, lôi cuốn. Chúng tôi điểm qua đặc sản của ba vùng miền.

Đến Sa Pa, trong cái lạnh tê tái, bạn sẽ có dịp lót dạ bằng một gói xôi gấc đỏ ửng, ngọt lịm. Nơi đây còn có món trứng vịt... nướng mà có cố tìm đến mấy cũng không có ở dưới xuôi. Nhưng thú vị nhất vẫn là món thịt lợn xông khói của bà con người dân tộc Dao đỏ ở trong bản Tả Phìn. Nếu gặp may sẽ được họ mời một bữa cơm tết thịnh soạn với “thịt lợn rừng cắp nách” hay thịt hoẵng. Ngoài ra, nơi đây còn có các món rau như: ngồng su hào, đọt su su luộc ngọt lừ.

Về Cần Thơ có món chả lụa, lạp xưởng, tôm khô, củ kiệu chua - nhất là những đòn bánh tét lá cẩm tím. Cần Thơ cũng như các tỉnh miền Tây Nam Bộ thường gói bánh chưng, bánh tét bằng nhân chuối, đậu đỏ hoặc nhân đỗ xanh có vị ngọt. Món ăn vẫn được xem là thực đơn vĩnh cửu trong mâm cơm ngày Tết của người Nam bộ là món canh khổ qua nhồi thịt, thịt heo kho rệu, nhà khá giả có thêm thịt gà luộc xé phay trộn gỏi, đĩa bì cuốn. Nhiều người nhận xét, trong mâm cơm ngày Tết có hết thảy các vị mặn, ngọt, chua, cay, đắng. Năm vị này tượng trưng cho ngũ hành vần xoay.

Nói đến văn hóa ẩm thực là nói đến Huế. Ngoài bánh tét, bánh chưng, người Huế còn thích ăn một số bánh khác như bánh su sê (phu thê), bánh măng, bánh sen chấy, bánh dừa mận... Các món ăn mặn cũng được các mệ, các o chuẩn bị chu đáo từ vài hôm trước tết. Trong các món ăn, dưa món là thứ không thể thiếu được trong mâm cỗ tết của người Huế. Dưa món gồm dứa (thơm) và củ cải thái miếng đem phơi săn trộn với ớt chín, cà muối, đu đủ, tỏi, cà rốt, nước mắm và đường. Món này phải làm trước tết độ vài tuần lễ cho ngấm. Ngoài ra, danh mục ẩm thực tết nơi đây còn có các món chả tôm, nem bò lụi, chả da, xà lách gân bò, chả tré, hành dầm dấm, chả lụa...

Cùng với thức ăn, trên bàn ăn ngày tết cũng không thể thiếu các thức uống. Người trẻ thì nâng chén rượu, ly bia. Rượu phổ biến là rượu trắng, rượu nếp và rượu thuốc. Ngày nay, các loại bia đang chiếm ưu thế trong thực đơn ngày Tết. Các nhà khá giả thì có thêm rượu ngoại. Dịp này, các cụ già ngồi lại bên nhau ôn chuyện củ và nhâm nhi chén trà

3. Chúc tết hay mừng tuổi?

Lâu nay, có hai khái niệm hay bị sử dụng nhầm lẫn là “Mừng tuổi” và “chúc tết”. Rất nhiều con – cháu, khi chúc tết cha mẹ, ông bà đều nói “chúng con mừng tuổi ông bà/cha mẹ”. Thực ra, đây là một ngộ nhận đáng tiếc! Chỉ có ông bà, cha mẹ (bậc trên, hơn tuổi) mới mừng tuổi cho con cháu: mong cháu con thêm một tuổi thêm lớn khôn, thêm trưởng thành. Do vậy, con cháu phải chúc tết ông bà cha mẹ chứ không phải mừng tuổi. Tâm lý thường tình, khi con người về già, ai cũng sợ năm hết tết đến vì thêm một năm mới đến là giảm một năm được vui sống với cháu con!

Nhắc đến chuyện chúc tết, mừng tuổi cũng là nhắc đến các câu chúc tết. Tết nhất, người ta hay chúc nhau sức khỏe, giàu sang và thành đạt. Tuy nhiên, cùng với thời gian, cùng bấy nhiêu nội dung nhưng những câu chúc đó đã được các thế hệ tiếp tục “nhuận sắc” thêm, trau chuốt thêm về lời văn, bồi đắp thêm yếu tố thời cuộc, cụ thể hơn về lời chúc. Chúng tôi điểm qua một số câu “ấn tượng” như:

1. Trẻ mãi không già, mặn mà nhan sắc.

2. Chúc năm mới: 1 vợ, 2 con, nhà 3 tầng, xe 4 chỗ!

3. Tống cựu nghênh tân. Vạn sự cát tường. Toàn gia an phúc!

4. Đong cho đầy Hạnh phúc. Gói cho tròn Lộc tài. Giữ cho mãi An Khang. Thắt cho chặt Phú quý.

5. Chúc bạn năm mới làm ăn tấn tới, nhiều tiền nhiều bạc để... cho tui vay!

6. Ngàn lần như ý. Vạn lần như mơ. Triệu sự bất ngờ. Tỷ lần hạnh phúc.

7. Tết tới tấn tài. Xuân sang đắc lộc. Gia đình hạnh phúc. Vạn sự cát tường!

8. Năm Mão sắp đến. Chúc bạn đáng mến. Sự nghiệp tiến lên. Gặp nhiều điều hên!

9. 10. Cùng chúc nhau Như ý. Hứng cho tròn An Khang. Chúc năm mới Bình An. Cả nhà đều Sung túc.

11. Năm mới chúc nhau sức khỏe nhiều. Bạc tiền rủng rỉnh thoải mái tiêu. Gia đình hạnh phúc bè bạn quý. Thanh thản vui chơi mọi buổi chiều!

12. Kính chúc mọi người một năm mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc! Vui trong sức khoẻ, trẻ trong tâm hồn, khôn trong lý tưởng, trưởng thành trong... tất cả mọi lĩnh vực.

13. Chúc mọi người có một bầu trời sức khoẻ, một biển cả tình thương, một đại dương tình cảm, một điệp khúc tình yêu, một người yêu chung thủy, một tình bạn mênh mông, một gia đình thịnh vượng.

14. Chúc mọi người khoẻ như hổ, sống lâu như rùa, mắt tinh như đại bàng, nhanh nhẹn như thỏ, tinh ranh như cáo, ăn nhiều như... heo, mau ăn chóng nhớn, tiền vô như nước, phúc lộc nhiều như đàn châu chấu tràn về.

15. Chúc các bà, các ông, các cô, các chú, các chị, các anh sang năm mới vạn sự như ý, tỷ sự như mơ, làm việc như thơ, đời vui như nhạc, coi tiền như rác, coi bạc như rơm, chung thủy với cơm và sắc son với phở. Chúc vui vẻ!

16. Năm hết tết đến. Rước hên vào nhà. Quà cáp bao la, một nhà không đủ. Vàng bạc đầy tủ. Gia chủ phát tài. Già trẻ gái trai, sum vầy hạnh phúc. Cầu tài chúc phúc. An lành thịnh vượng!

17. Chúc bạn 12 tháng phú quý, 365 ngày phát tài, 8760 giờ sung túc, 525600 phút thành công 31536000 giây VẠN SỰ NHƯ Ý.

18. Vừa đủ HẠNH PHÚC để giữ tâm hồn được ngọt ngào. Vừa đủ THỬ THÁCH để giữ mình luôn kiên cường. Vừa đủ MUỘN PHIỀN để thấy mình thật sự là một con người. Vừa đủ HI VỌNG để thấy mình Hạnh Phúc. Vừa đủ THẤT BẠI để giữ mình mãi khiêm nhường. Vừa đủ THÀNH CÔNG để giữ mình mãi nhiệt tâm. Vừa đủ BẠN BÈ để bớt cảm giác cô đơn. Vừa đủ VẬT CHẤT để đáp ứng các nhu cầu cuộc sống. Vừa đủ NHIỆT TÌNH để có thể chờ đợi trong hân hoan. Vừa đủ NIỀM TIN để xua tan thất bại!

Câu đối tết. Câu đối ngày xuân là thú chơi tao nhã cho mọi người, mọi nhà. Chính vì thế, ngày xuân nếu thiếu một đôi câu đối đỏ treo trong nhà chắc hẳn là ngày tết chưa toàn vẹn. Đôi câu đối khiến người ta cảm thấy tết cổ truyền trở nên thiêng liêng hơn, trang trọng hơn, và đặc biệt hơn những ngày bình thường khác. Câu đối tết thường viết vào giấy màu đỏ, vì màu đỏ tượng trưng cho sự đầm ấm, phù hợp với không khí thiêng liêng của ngày tết cổ truyền. Màu đỏ chống được hơi sương, cái khí ẩm của mùa đông buốt giá. Những người chơi câu đối lâu năm khi chọn câu đối là cả một quá tình nghệ thuật. Câu đối thường gắn liền với hình ảnh ông đồ già. Xin điểm qua một số câu đối “vang bóng một thời”.

Tối ba mươi khép cánh Càn Khôn, nịch thật chặt kẻo Ma vương đưa quỷ tới/Sáng mồng một lỏng then Tạo hoá, mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân vào. Câu đối này trông có vẻ bác học, nào là Càn Khôn, nào là Tạo hóa, nhưng vẫn có cái nghịch ngầm của các cụ - khi sử dụng hình ảnh thiếu nữ đón xuân vào.

Nguyễn Khuyến có một câu đối nói được cả cái cảnh nhà bần hàn, nhưng lòng vẫn phơi phới sắc xuân khi đón tết – một bức tranh thật của gia đình ông cũng như nhiều gia đình làng quê Việt Nam bao đời nay: Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa/Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà. Ngoài câu này, Nguyễn Khuyến còn được mọi người nhắc đến bởi câu đối: Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái/Tết ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân (Nguyễn Khuyến).

Tết là ngày vui nhưng cũng có những câu đối chua chát, kiểu như cụ Tế Xương: Thiên hạ xám rồi, còn đốt pháo/Nhân tình bạc thế, lại bôi vôi. Vẫn hình ảnh ngày Tết, pháo đỏ, vôi bôi trước cửa đuổi tà ma, nhưng đọc lên nghe chua chát, cay nghiệt… Nghe như cuộc đời thực của các nhà nho bất phùng thời!

Có thể xem các câu đối trên là câu đối chơi, câu đối phi chính thống. Đây là một số câu đối chính thống – những câu đối được dán bên bàn thờ: Phước thâm tự hải/Lộc cao như sơn hay Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ/Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường.

Chơi xuân. Sẽ thiếu sót khi nhắc đến tết mà không nói đến các trò chơi ngày xuân. Các dân tộc như Mường, Tày, H’mông, Thái…nổi tiếng với trò chơi ném còn. Với người Việt, kho tàng trò chơi xuân cũng rất phong phú, có thể kể đến như đánh đu, đánh đáo, tổ tôm, cờ cá ngựa, cờ tướng – cờ người, chọi gà, đấu vật…sau này còn có thêm các trò chơi lô tô, xì dzách, tôm cua cá bầu…Xin điểm lại một trò chơi rất phổ biến những năm 80 của thế kỷ trước, đó là trò đánh đáo. Đây là trò chơi rất phổ biến ở các vùng quê xưa. Thú vui đánh đáo không chỉ hấp dẫn trẻ em mà cả đối với người lớn bởi nó thể hiện sự khéo léo của người chơi và lại còn có tâm lý ăn thua kích thích (dù chỉ là rất ít). Trò chơi được diễn ra trên một bãi đất bằng phẳng. Tùy theo quy định của người chơi mà khoét lỗ. Dễ thì khoét lỗ to, khó thì khoét lỗ nhỏ. Ngoài lỗ đáo là vạch quy định để từ đó người chơi đứng ném tiền xu về phía lỗ đáo. Vạch này xa hay gần lỗ đáo cũng do những người chơi tự quy định, càng xa thì càng khó. Đồng xu nào trúng vào lỗ thì người ấy được ăn. Cứ như vậy, lần lượt tới người tiếp theo, đến khi nào không còn xu nữa thì hết ván...

Lì xì tết. Nghe hai tiếng "lì xì" người ta liền tưởng tới bao giấy màu đỏ, nho nhỏ bằng phần tư trang giấy học trò, bên trong có xếp mấy tờ tiền mới. Theo nhà nghiên cứu Cao Sơn thì: “Lì xì tiếng chữ là lợi thị, đọc theo âm Quảng Đông, Triều Châu thành "Lê - i - xị", chỉ số tiền được cho, tặng trong các dịp đầu năm, khai trương và cả trong lễ thành hôn nữa, chứ không bó hẹp trong dịp Tết Nguyên đán. Ở Việt Nam, "lì xì" được hiểu một cách đơn giản là "tiền mừng tuổi ". Lì xì nhằm cầu chúc người nhận gặp may mắn, phát đạt. Tiền này không nhằm để cất cho nặng hầu bao, mà ngụ ý cầu chúc người nhận quanh năm sung mãn, may mắn. Như vậy, khi lì xì, ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà ở "tình", tức ở lòng mong ước cầu chúc con cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì nặng nhẹ nhiều ít (tiền) không phải là điều đáng để tâm lắm. Tiếc là hiện nay văn hóa lì xì đang bị nhiều người lợi dụng, làm biến tướng, làm giảm đi ít nhiều giá trị của nét văn hóa này.

***

Tết là dịp để “ôn cố tri tân”. Xin ghi lại vài dòng tản mạn có tính chất hồi tưởng, hồi cố để mong gặp sự đồng cảm nơi những người cao niên, để như một sự mời gọi, nhắc nhớ cho người trẻ. Ước mong sao cuộc sống sẽ thay đổi nhưng những giá trị truyền thống, linh thiêng của ngày tết cổ truyền vẫn được bảo lưu và gìn giữ.
ThS. Đặng Quốc Minh Dương
Share:

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Con có yêu mến Thầy không?

Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Thường Niên, Năm A

“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Lời mời gọi của Đức Giêsu đã làm thay đổi số phận của những con người lênh đênh trên biển hồ Galilê ngày trước. Họ đã bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ cả cha mẹ lại mà đi theo Đức Giêsu làm nghề “lưới người”. “Hãy theo tôi”, 4 môn đệ đầu tiên: Phêrô, Anrê, Gioan, Giacôbê đã đáp trả tiếng gọi, đi theo Đức Giêsu và trở nên cột trụ của Giáo hội. Phêrô được Chúa chọn làm Tảng Đá “Đức Giêsu đã nhìn ông Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô) (Ga 1,42); “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời.” (Mt 16,17).

Chúa nhật III hôm nay,Phúc Âm kể về ơn gọi của bốn môn đệ đầu tiên. Xin được suy niệm về Thánh Phêrô, vị Tông đồ trưởng, vị Giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội, một con người với nhiều lầm lỗi, yếu đuối nhưng rất nhiệt thành, can đảm, xác tín, chân thành và tràn đầy lòng mến.

Có thể chia cuộc đời Thánh Phêrô làm hai phần: Cuộc đời phần một từ khi theo Chúa Giêsu ở biền hồ Galilêa (Mt 4,12-23) đến lúc chối Thầy (Ga 18, 25-27). Cuộc đời phần hai từ khi theo Thầy ở Biển Hồ Tibêria (Ga 21,1-19) cho đến cuối đời Tử Đạo ở Roma (x. Cô đơn và sự tự do.Lm Nguyễn Tầm Thường).

1. CUỘC ĐỜI PHẦN MỘT 

Cuộc đời phần một của Phêrô có đặc điểm là đi từ lỗi lầm này sang lỗi lầm khác. Góp nhặt những đoạn Phúc âm nói về Phêrô, sẽ thấy một mảnh đời phần một của Ngài có nét chân dung: vị Tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất.

- Mắng lần thứ nhất: 

Quân yếu tin! (Mt 14,31).Vào một đêm, Chúa Giêsu hiện ra đi trên biển. Chưa có ai đi trên biển bao giờ. Các môn đệ thấy vậy liền hoảng hốt la lên: “Ma kìa!”. Chúa Giêsu bảo không phải là ma mà là Thầy đây. Các môn đệ bán tín bán nghi, Phêrô thách đố: Nếu là Thầy thật, hãy truyền cho tôi đi trên mặt nước mà đến với Thầy. Người ấy truyền cho Phêrô: Hãy đến! Phêrô liền bước xuống biển đi nhẹ nhàng, nhưng rồi ông ngờ vực nên bị chìm xuống. Sợ hãi quá đổi, Phêrô van xin: Lạy Thầy, xin cứu con. Đưa tay cứu Phêrô lên, Chúa mắng: Quân yếu tin!

- Mắng lần thứ hai: 

Ngu tối! (Mt 15,16). Có lần tranh luận với các Pharisiêu về tập tục rửa tay trước khi ăn, Chúa Giêsu nói: ‘Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế”(Mt 15,11). Chúa ám chỉ tâm địa trong lòng xác định tốt xấu chứ không phải hình thức tập tục bên ngoài. Có môn đệ lại hỏi: Xin Thầy giải nghĩa cho chúng con! Đến bây giờ rồi anh em còn ngu tối đến vậy sao? Người bị mắng đó là Phêrô. Cụm từ “Đến bây giờ rồi” cho ta cảm tưởng là đã hoài công dạy dỗ mà vẫn không khá, nghĩa là chậm hiểu, cho đến bây giờ mà vẫn còn chậm như thế.

Mắng lần thứ ba: 

Satan! (Mc 8,33). Lần này Chúa mắng Phêrô một cách thê thảm. Chúa bảo Phêrô là Satan khi Phêrô can ngăn Chúa đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn.Đọc Phúc âm, ta thấy càng ngày Chúa càng mắng Phêrô nặng hơn. Đến cuối đời còn mắng thêm một lần nữa. Chuyện xảy ra lúc các thượng tế, binh lính cùng gậy gộc đến bắt Chúa trong vườn Cây Dầu, Phêrô rút gươm. Nhưng Chúa đã trả lời hành động ấy: hãy xỏ gươm vào vỏ, ai dùng gươm sẽ chết vì gươm. Hay ngươi tưởng Ta không thể cầu cứu với Cha Ta cấp cho Ta ngay mười hai cơ binh thiên thần sao? (Mt 26,52).

Nhìn lại cuộc đời Phêrô, thấy Chúa mắng nhiều hơn khen. Chỉ có một lần khen, khi Chúa hỏi các môn đệ: Các con nghĩ Thầy là ai? Phêrô tuyên tín: Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống. Chúa khen: “Này anh Simon, con ông Giona, anh thật có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,16-17). Như vậy là Thần Khí Chúa nói, nếu không do Thần Khí thì Phêrô không biết sẽ nói Chúa là ai.

Môn đệ đi theo Chúa bị mắng nhiều hơn khen. Lần nào Chúa cũng mắng Phêrô trước đám đông. Điều lạ lùng là Phêrô không bao giờ giận Chúa, không lúc nào bỏ Chúa mà vẫn luôn xác tín “bỏ Thầy con biết theo ai?”. Điều hết sức huyền nhiệm là Chúa lại chọn kẻ bị mắng ấy làm Tảng Đá để xây dựng Giáo hội và trao chìa khoá Nước trời.

Thánh Phêrô là con người yếu đuối hay lầm lỗi nhưng rất chân thành và tràn đầy lòng yêu mến Thầy. Trong cuộc khổ nạn của Chúa, Thánh Phêrô đã bộc lộ sự yếu đuối và lòng mến của mình cách rõ ràng nhất. Khi Chúa bị bắt, bị kết án, Phêrô đã chối Thầy đến ba lần. Phêrô chối Thầy vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu Thầy. Trước cái chết của Thầy, Phêrô rùng mình sợ hãi, tìm đường chạy trốn. Lúc bình tĩnh lại, đối diện với sự yếu đuối và vấp ngã của mình, Phêrô đã khóc lóc hối hận, nước mắt ăn năn nhạt nhoà khuôn mặt hốc hác hằn những nếp nhăn. Gà gáy lần thứ ba, Phêrô nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông oà khóc nức nở như một đứa trẻ, khóc thoả thích, khóc cho vơi hết bao sầu muộn chất chứa trong lòng. 

Cuộc đời Thánh Phêrô là sự giằng co giữa yếu đuối và dũng cảm, giữa trọn vẹn và dang dở. Trái tim Ngài có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Sứ vụ Tông đồ có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Chính trong sự vấp ngã vì yếu đuối, cuộc đời phần một của Thánh Phêrô vẫn luôn có một tấm lòng yêu mến, gắn bó với Chúa.

2. CUỘC ĐỜI PHẦN HAI

Cuộc đời phần hai là một thiên anh hùng ca.Sứ mạng theo Đức Kitô nơi phần hai của cuộc đời Thánh Phêrô là một thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca được khởi đầu từ sự kiện Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra và ban cho các môn đệ mẻ cá lạ lùng (Ga 21,1-19).

Chúa hỏi Phêrô: Anh có yêu mến Thầy không? Phêrô đáp: Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy. Phêrô trả lời câu hỏi ấy với tất cả chọn lựa cân nhắc. Chúa hỏi Phêrô đến ba lần: Con có yêu mến Thầy không? Phêrô xác định cả ba lần, càng về cuối càng cương quyết hơn. Ba lần chối Chúa đi từ chối nhẹ đến chối nặng thì Phêrô ba lần xác định tình yêu từ nông đến sâu. Sau ba lần đáp lại là một bình minh rửa tội quá khứ. Sau ba lần đáp trả lòng mến chân thành của Phêrô, Chúa Giêsu giao phó sứ mạng: Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy.

Nhìn lại cuộc đời của Thánh Phêrô, chúng ta thấy một điều rất rõ là trong trái tim vị Tông đồ lúc nào cũng yêu Chúa. Ngay cả khi Chúa bảo Phêrô là Satan thì Phêrô cũng không giận Chúa. Chỉ vì sự sợ hãi yếu đuối mà chối Thầy, chứ trong tâm hồn lúc nào Phêrô cũng yêu mến Chúa. Không phải Phêrô yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi, chính tình yêu chân thành trong tâm hồn Phêrô mà Chúa đã yêu thương chọn làm Tảng Đá.

Chúng ta tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu không trao Giáo hội cho một người trí thức thông thái, có tài lãnh đạo, có uy tín mà Chúa lại trao Giáo hội cho Phêrô, một Tông đồ nhiều khuyết điểm, bị la mắng nhiều hơn khen ngợi? Chắc chắc nơi Phêrô có một lòng mến Chúa thiết tha. Sau ba lần hỏi: Con có yêu mến Thầy không? Và sau ba lần Phêrô xác định tình yêu ấy, Chúa Giêsu trao Giáo hội cho Ngài. Ngài vâng lời Chúa về Giêrusalem, bài giảng đầu tiên hùng hồn mang về cho Chúa 3000 người xin rửa tội. Kể từ đó Ngài đi vào cánh đồng truyền giáo bao la là thành đô Roma. Đối diện với gian nguy bắt bớ tù đày, Thánh Nhân đã can trường làm chứng cho Đức Giêsu Phục sinh. Ngài đã lấy máu đào tử đạo minh chứng cho lòng yêu mến Thầy. Ngài đã viết nên trang sử vàng, hào hùng, vẻ vang cho Giáo hội sơ khai.

Lòng khiêm nhường, lòng mến Chúa của Thánh Phêrô, kinh nghiệm về ơn tha thứ của Chúa, tất cả đều dẫn đưa Thánh Nhân đến với tình yêu của Chúa. Nhờ tình yêu Chúa dẫn lối mà Ngài đã đi bất cứ nơi nào Chúa muốn, cho dẫu nơi đó là ngục tù, là cái chết, bởi lẽ vì tình yêu của Chúa lớn hơn tất cả. Lòng mến Chúa sẽ mở cửa cho người tín hữu chúng ta đi vào Nước trời. Chúa không đòi hỏi nơi mỗi người sự khôn ngoan, tài năng. Chúa chỉ cần lòng mến “con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Khi yêu mến Chúa chúng ta sẽ làm mọi sự đẹp lòng Chúa. Lòng mến là thước đo cho mọi giá trị đạo đời.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
VietCatholic News (20 Jan 2011 18:28)
Share:

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Cách Lần Hạt Mân Côi

  1. (bắt đầu) Làm dấu Thánh Giá và đọc Kinh Tin Kính
  2. Đọc Kinh Lạy Cha
  3. Đọc 3 Kinh Kính Mừng
  4. Đọc Kinh Sáng Danh
     
  5. Đọc Mầu Nhiệm thứ nhất và Kinh Lạy Cha
  6. Đọc 10 Kinh Kính Mừng, và suy gẫm về mầu nhiệm này
  7. Đọc Kinh Sáng Danh và lời nguyện Mân Côi
  8. Đọc mầu nhiệm thứ hai, rồi đọc Kinh Lạy Cha
  9. Lập lại mục 6 và 7 => và tiếp tục cho đến hết các mầu nhiệm thứ 3, 4 và 5
     
  10. Đọc Kinh Lạy Nữ Vương
  11. Làm dấu Thánh Giá
  12. Hôn Thánh Giá Chúa với tâm hồn kính mến. (hết)
    * Khi lần Chuỗi Mân Côi – Xin lưu ý cố gắng sốt sắng và đừng đọc nhanh quá!

Cách Chọn Mầu Nhiệm:

Thứ 2 & 7 => Mầu nhiệm VUI
Thứ 3 & 6 => Mầu nhiệm THƯƠNG
Thứ 4 & Chúa nhật => Mầu nhiệm MỪNG
Thừ 5 => Mầu nhiệm SÁNG
Ngoại Trừ:
Những ngày Chúa Nhật Giáng Sinh => mầu nhiệm VUI
Những Chúa Nhật mùa chay => mầu nhiệm THƯƠNG


Năm sự Vui:
Thứ nhất thì ngắm: Thiên thần truyền tin cho đức bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ăn ở khiêm nhường.
Thứ Hai thì ngắm: Đức bà đi viếng bà thánh ISaVe. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.
Thứ Ba thì ngắm: Đức bà sinh Đức Chu’a Giêsu trong hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.
Thứ Tư thì ngắm: Đức bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền Tha’nh. Ta hãy xin cho đọc vâng lời chịu lụy.
Thứ Năm thì ngắm: Đức bà tìm được đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho đươc giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

Suy Niệm 5 Sự Thương:

HìnhNgắm 
Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.
Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn.Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.
Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hay xin cho đươc chiu moi sự sỉ nhục băng lòng.
Thứ tư thì ngắm: Đức Chúa Giêsu vác cây thánh giá .Ta hãy xin cho được vác thánh giá theo chân Chúa.
Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá.Ta hãy xin đóng đinh chính thịt xác thịt vào Thánh giá Chúa.

Suy Niệm 5 Sự Mừng:

HìnhNgắm 
Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.
Thứ Hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được. aí mộ những sự trên trời.
Thứ Ba thì ngắm: Đức Chúa Thánh thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.
Thứ Tư thì ngắm: Đức Chúa Trời cho Đức Mẹ lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.
Thứ Năm thì ngắm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.

Suy Niệm 5 Sự Sáng:

Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Gio-đan. Ta hãy xin cho được sống đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Thứ Hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu tại Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Đức Chúa Trời.
Thứ Ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và ơn thống hối. Ta hãy xin cho được ơn cải sửa tâm hồn.
Thứ Tư thì ngắm: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Ta hãy xin cho được luôn lắng nghe Lời Người.
Thứ Năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể. Ta hãy xin cho được siêng năng rước Mình Máu Thánh Người.

Các Kinh:

Làm dấu Thánh Giá
Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần . Amen.
Kinh Tin Kính:
Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa GiêSu Kitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh: chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công. Tôi tin phép tha tội tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy, Amen.
Kinh Lạy Cha
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng; nước Cha trị đến; ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con; xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ: nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.
Kinh Kính Mừng
Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen.
Kinh Sáng Danh
Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen.
Lời nguyện Mân Côi
Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhầt là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.
Kinh Lạy Nữ Vương
Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ. Chúng con, con cháu E-và, ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương. Hỡi ôi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen. 
Share:

Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Sự thật và ý nghĩa của tính dục con người

Sự thật và ý nghĩa của tính dục con người. Những định hướng để giúp giáo dục trong gia đình


Tài liệu của Hội Ðồng Tư Vấn Giáo Hoàng, ban hành ngày 8.12.1996


Tài liệu của Hội Ðồng Tư Vấn Giáo Hoàng ban hành ngày 8.12.1996 với tựa đề bằng tiếng Pháp là :Vérité et signification de la sexualité humaine. Des orientations pour l’éducation en famille. (Sự thật và ý nghĩa của tính dục con người. Những định hướng để giúp giáo dục trong gia đình). Tài liệu được chia thành những phần như sau :


Chúng ta chỉ dịch những phần có liên quan đến giáo dục hôn nhân, đặc biệt là về tính dục mà thôi. Tức là chúng ta sẽ nhìn phần 1 : Ðược kêu gọi để yêu thương chân tình gồm các số 8 đến 15, phần II của tài liệu này nói đến đức khiết tịnh, gồm từ số 16 đến 25 và phần VI : những giai đoạn nhận thức gồm các số 77 đến 111.

NHẬP ĐỀ (số 1–7)


NỘI DUNG
I. Ðược kêu gọi để sống tình yêu chân thật (số 8-15)
II. Tình yêu chân thật và đức khiết tịnh (số 16-25)
III. Trong viễn ảnh của ơn gọi (số 26-36)
IV. Cha mẹ là những nhà giáo dục (số 37-47)
V. Hướng dẫn giáo dục trong gia đình (số 48-63)
VI. Các giai đoạn trong nhận thức (số 64-111)
VII. Ðường hướng thực hành (số 112-144)


KẾT (số 145-150)


--------------------------------------------------


Phần I :


ÐƯỢC KÊU GỌI ÐỂ YÊU THƯƠNG CHÂN TÌNH


Số 8:
Con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa để yêu thương. Tân Ước mặc khải cho chúng ta rõ ràng chân lý này và liên kết chân lý này với mầu nhiệm của sự sống nội tại trong Thiên Chúa Ba Ngôi : “Thiên Chúa là tình thương (1 Ga 4,8) và nơi chính mình Người, Người đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị. Khi tạo dựng nhân tính của người năm và người nữ theo hình ảnh Người và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như cả khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống tình yêu thương và hiệp thông. Tình yêu thương là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi con người” (FC 11). Ý nghĩa trọn vẹn của sự tự do cá nhân và sự tự chủ xuất phát từ sự tự do đó, đều hướng vào sự ban tặng chính bản thân mình trong sự hiệp thông và tình bạn hữu với Thiên Chúa và với mọi kẻ khác.


TÌNH YÊU NHÂN BẢN ÐƯỢC XEM NHƯ LÀ SỰ BAN TẶNG CHÍNH BẢN THÂN


Số 9:
Con người có khả năng để thực hiện một tình yêu cao hơn: không phải là tình yêu theo vật dục (concupiscence) chỉ biết nhìn đối tượng để thỏa mãn xung năng của mình, nhưng là một tình yêu bạn thiết và biết sẵn sàng hy sinh, có khả năng nhận biết và yêu con người vì chính họ. Ðó là một tình yêu quảng đại, giống với tình yêu của Thiên Chúa; con người muốn điều lành cho kẻ khác, bởi vì nhận ra kẻ khác đáng yêu thương. Ðó là tình yêu tạo nên hiệp thông giữa hai cá nhân, vì mỗi người nhìn cái thiện trong người khác như là của chính mình. Ðó là một sự ban tặng chính con người của mình cho người mình yêu, trong sự ban tặng đó sự thiện của chúng ta tỏ lộ và hiện thực trong sự hiệp thông giữa con người, qua đó con người học hỏi để hiểu giá trị của yêu và của được yêu.


Mọi người đều được mời gọi bước vào tình bạn chân tình và biết sẵn sàng hy sinh. Nhờ tình yêu của kẻ khác mà con người được giải thoát ra khỏi sự ích kỷ của mình : trước tiên là nhờ tình yêu của cha mẹ và của những người đảm nhận vai trò của cha mẹ và cuối cùng là của chính Thiên Chúa, nơi Người xuất phát mọi tình yêu chân thật và chỉ trong tình yêu này, con người khám phá ra được mình đã được yêu đến mức độ nào. Ðây là nguồn gốc cho sức lực giáo huấn Kitô giáo: “Con người được Thiên Chúa yêu thương ! Ðây là lời công bố rất đơn sơ, nhưng cũng rất đánh động mà Hội Thánh cần phải nói cho con người”. Như thế, chính Ðức Kitô đã tỏ lộ cho con người căn tính đích thực của mình : “Ðức Kitô, Ađam Mới, trong khi mặc khải về Chúa Cha và tình yêu của Người, đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ” (GS 22).


Tình yêu do chính Ðức Kitô mặc khải “mà thánh Phaolô đã ca tụng bằng một thánh thi trong lá thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrinthô, chắc chắn là một tình yêu đòi buộc. Nhưng chính ngay trong điểm đó mà người ta thấy được vẻ đẹp của nó : trong thực tế là một tình yêu đòi buộc, tình yêu mới xây dựng điều thiện hảo của con người và chiếu tỏa sang mọi người khác”. Ðó là một tình yêu biết tôn trọng từng cá nhân và và nâng cao phẩm giá của họ, chỉ vì “tình yêu thực sự chân thật khi nó tạo điều thiện hảo cho cá nhân và cộng đoàn, khi tạo ra và trao ban cho mọi người khác”.


TÌNH YÊU VÀ TÍNH DỤC CON NGƯỜI


Số 10:
Con người được mời gọi để yêu và để tự hiến trong sự thống nhất hồn xác. Phái nam và phái nữ là những hồng ân bổ sung cho nhau. Từ thực tế này, tính dục con người là phần căn bản của khả năng cụ thể để yêu mà Thiên Chúa đã đặt để trong người nam cũng như người nữ. “Tính dục là thành phần căn bản của cá tính, nó là một cách thức hiện hữu, cách thức tự thể hiện, giao tiếp với kẻ khác, cách thức cảm nghiệm, diễn tả và sống tình yêu nhân bản”. Khả năng yêu thương được xem như là tự hiến “nhập thể” trong nền tảng hôn nhân của thân xác, trong nền tảng đó, phái tính nam cũng như phái tính nữ nhận được sự xác định của mình. “Thân xác con người với giới tính nam nữ, nếu được nhìn từ mầu nhiệm sáng tạo, không những là nguồn của sung mãn và sinh sản như trong trật tự của toàn thể tự nhiên, nhưng được chứa chất “ngay tự ban đầu” đặc tính “phu thê”, có nghĩa là có khả năng diễn tả được tình yêu : trong tình yêu này, con người – cá nhân trở thành quà tặng và – qua quà tặng này – thực hiện được ý nghĩa của sự hiện hữu và bản chất của mình”. Mọi hình thức tình yêu đều mang dấu ấn phái tính nam nữ.


Số 11:
Như thế, Tính Dục Của Con Người Là Một Ðiều Thiện Hảo : Ðó là một phần của quà tặng sáng tạo mà Thiên Chúa nhìn thấy là “tốt” khi Người dựng con người theo hình ảnh và giống Người và Người dựng nên con người “có nam có nữ” (St 1,27). Giới tính là con đường để con người đến gần kẻ khác và tự bộc lộ mình ra cho kẻ khác, và như thế mục đích chính của nó là tình yêu, nói rõ hơn, tình yêu như quà tặng và đón nhận, như cho và nhận. Tương quan giữa người nam và người nữ theo bản chất của nó là tương quan của tình yêu : “Tính dục phải được tình yêu định hướng, giáo dục và bổ túc, vì chỉ có tình yêu mới giúp cho tính dục mang tính nhân bản”. Khi một tình yêu như thế hiện thực trong hôn nhân, sẽ làm cho sự tự hiến qua thể xác nổi bật lên tính trao đổi và trọn vẹn của quà tặng; tình yêu vợ chồng trở thành một sức mạnh làm phong phú và giúp cho con người phát triển, đồng thời bồi dưỡng cho văn minh tình yêu; nhưng nếu ngược lại thì tính dục sẽ mất đi ý nghĩa và biểu hiệu quà tặng của mình, từ đó xuất phát một thứ văn minh của “đối tượng” chứ không phải văn minh của con người; trong thứ văn minh này con người bị sử dụng như người ta sử dụng các đồ vật. Trong khung của văn minh hưởng thụ nưgời nữ trở thành đối tượng sử dụng của đàn ông, con cái trở thành phiền toái cho cha mẹ.


Số 12:
Trong lương tâm của Kitô hữu, đối với cha mẹ cũng như con cái, có một sự thật vĩ đại và một thức tế căn bản : đó là ân huệ của Thiên Chúa ; ân huệ mà Thiên Chúa đã tạo cho chúng ta khi dựng nên chúng ta để được sống và hiện hữu như người nam hay người nữ, trong một sự hiện hữu duy nhất với những khả năng vô tận trong việc phát triển tinh thần và luân lý : “Ðời sống con người được đón nhận như một quà tặng, để tới phiên mình tiếp tục được trao ban” (La vie humaine est un don recu pour être à son tour donné).”Có thể nói, quà tặng giúp cho thấy đặc tính đặc thù của sự hiện hữu cá nhân, hay rõ hơn, bản chất của chính cá nhân. Khi Ðức Chúa Yahvé phán : “Con người ở một mình thì không tốt” (St 2,18) Chính Người xác nhận con người “đơn độc” không thể nào thể hiện trọn vẹn được bản chất của mình. Con người chỉ có thể thực hiện được, khi sống “với kẻ khác”, và rõ hơn là sống “cho kẻ khác”. Khi con người tự bộc lộ và tự ban tặng mình cho kẻ khác, tình yêu vợ chồng mang lấy hình thức tự hiến trọn vẹn đặc thù cho bậc sống này. Và cả ơn gọi sống đời tận hiến cho Chúa, “một hình thức vượt trổi để dễ dàng tận hiến cho Chúa bằng tình yêu trọn vẹn không chia sẻ”, để có thể phục vụ Người trong Hội Thánh cách tốt nhất, ơn gọi này cũng nhận được ý nghĩa của mình trong sự tự hiến được ân sủng của Chúa đỡ nâng. Trong mọi hoàn cảnh và bậc sống, việc tận hiến này còn kỳ diệu hơn nữa nhờ hoạt động của ân sủng cứu độ, nhờ ân sủng này mà chúng ta “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4) và được kêu gọi để sống hiệp thông tình yêu siêu nhiên với Thiên Chúa và mọi người. Các kitô làm cha làm mẹ, dù trong những hoàn cảnh tế nhị nhất, cũng đừng quên rằng ngay trong sâu thẩm của mọi lịch sử đời người cũng như của gia đình, vẫn luôn luôn có ân huệ của Chúa.


Số 13:
“Bởi vì con người là một tinh thần nhập thể, nghĩa là một linh hồn biểu lộ trong một thân xác và là một thân xác được sinh động do một tinh thần bất tử, nên nó được mời gọi sống yêu thương trong toàn thể tính thống nhất của nó. Tình yêu thương cũng bao gồm cả thân xác con người và thân xác được dự phần vào tình yêu thương của tinh thần” (FC 11). Chúng ta phải đọc ý nghĩa liên vị của tính dục dưới ánh sáng của Mặc Khải kitô giáo : “Tính dục đặc thù hóa người nam và người nữ không những trên bình diện thể lý, nhưng cả về mặt tâm lý và tinh thần, ghi đậm dấu ấn trên mỗi nét của đời sống. Sự khác biệt này liên kết với việc hai phái tính bổ túc cho nhau, đáp ứng trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa theo như ơn gọi của từng người”.


TÌNH YÊU VỢ CHỒNG


Số 14:
Khi tình yêu triển nở trong hôn nhân, nó vừa bao gồm tình bạn hữu vừa vượt trên tình bạn này. Tình yêu hiện thực giữa một người đàn ông và một người đàn bà, cả hai tận hiến cho nhau với trọn phái tính là nam và nữ, xây dựng một cộng đoàn cá nhân dựa trên khế ước hôn nhân. Ðây là cộng đoàn được Thiên Chúa muốn, để có thể đón nhận sự sống con người, sinh sản và giúp cho sự sống đó phát triển. Sự ban tặng tính dục chỉ thuộc về tình yêu này và duy chỉ tình yêu này mà thôi. “Tính dục ấy chỉ được thực hiện một cách nhân bản đích thực nếu nó là một thành phần làm nên tình yêu thương, trong đó người nam và người nữ dấn thân trọn vẹn cho nhau cho đến chết” (FC 11). Giáo lý toàn cầu nhắc nhở :”Theo ý định của Thiên Chúa, phái tính hướng về tình yêu vợ chồng. Trong hôn nhân, ái ân trở thành dấu chỉ và bảo đảm của sự hiệp thông tinh thần. Giữa hai tín hữu, dây liên kết hôn nhân được thánh hóa bằng bí tích” (2360).


TÌNH YÊU MỞ NGỎ CHO SỰ SỐNG


Số 15:
Một dấu chứng rõ ràng nhất cho tính đích thực của tình yêu vợ chồng là sự mở ngỏ đón nhận sự sống : “Trong thực tế sâu xa nhất của nó, tình yêu thương vốn cốt yếu là ơn huệ, và tình yêu vợ chồng, khi đưa đôi bạn đến chỗ “biết” nhau làm cho họ trở thành “một xương một thịt”, nó không chấm dứt nơi hai người, nhưng nó làm cho họ có khả năng thực hiện được việc trao hiến lớn lao nhất, nhờ đó, họ trở nên những người cộng tác với Thiên Chúa để thông ban sự sống cho một nhân vị khác. Vì thế, khi hai vợ chồng trao hiến cho nhau thì cũng trao ban một hữu thể thực hữu vượt khỏi họ, tức là đứa con, dấu chỉ thường xuyên của sự hiệp nhất vợ chồng và là tổng hợp sống động và không thể phân chia của tư cách làm cha làm mẹ của họ” (FC 14). Khởi đầu từ sự hiệp thông tình yêu và sự sống này, đôi bạn đạt được sự phong phú nhân bản và tinh thần ; chính trong môi trường tích cực này, đôi bạn mới có khả năng giáo dục con cái về tình yêu và đức khiết tịnh.


Phần II :


TÌNH YÊU CHÂN THẬT VÀ ÐỨC KHIẾT TỊNH


Số 16:
Tình yêu trinh khiết như tình yêu vợ chồng, như chúng ta sẽ nói sau, là hai hình thức qua đó ơn gọi của con người để yêu thương được thực hiện ; để có thể phát triển, cả hai đòi buộc mỗi người phải dấn thân sống khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình. Như quyển Giáo Lý toàn cầu dạy: “Tính dục chỉ có giá trị thực sự nhân linh khi được hội nhập vào tương quan giữa người với người, trong đó người nam và người nữ hiến thân cho nhau trọn vẹn và vĩnh viễn” (số 2337). Ðương nhiên việc tình yêu tăng triển, tức là khi thực sự là một tự hiến chính bản thân, đòi buộc phải có những kỷ luật về cảm nghiệm, đam mê và tình cảm giúp đạt được sự tự chủ. Con người chỉ có thể ban tặng những gì anh ta có : nếu như con người không làm chủ lấy bản thân – nhờ vào các nhân đức và cụ thể là đức khiết tịnh – sẽ không thể làm chủ bản thân mình thì làm sao có thể ban tặng chính mình được. Ðức khiết tịnh là sức mạnh tinh thần, giúp tình yêu khỏi bị sự ích kỷ và sự gây hấn ràng buộc. Ðức khiết tịnh càng giảm dần trong con người bao nhiêu, thì tình yêu của người đó càng gia tăng sự ích kỷ bấy nhiêu, có nghĩa là, tình yêu đó không còn là sự ban tặng chính bản thân, nhưng chỉ để thỏa mãn một khoái cảm.


ÐỨC KHIẾT TỊNH NHƯ BAN TẶNG CHÍNH BẢN THÂN (DON DE SOI)


Số 17:
Ðức khiết tịnh là sự xác nhận phấn khởi của người biết sống sự ban tặng chính bản thân mình, hoàn toàn thoát khỏi mọi ràng buộc của ích kỷ. Ðiều này chỉ có thể có khi con người biết học chú ý đến kẻ khác, liên hệ với họ trong khi tôn trọng phẩm giá của họ trong sự khác biệt. Người giữ đức khiết tịnh không qui về mình, không có những tương quan ích kỷ với kẻ khác. Ðức khiết tịnh làm cho nhân phẩm được hài hòa, được chính muồi và được tràn đầy sự bình an nội tâm. Sự thanh khiết tinh thần và thể xác giúp cho chúng ta biết tôn trọng chính bản thân, đồng thời giúp chúng ta biết tôn trọng kẻ khác, chỉ vì nó giúp chúng ta nhận ra những con người đáng kính trọng vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và đã trở thành con cái Thiên Chúa nhờ ân sủng, được Ðức Kitô tái sinh, Ðấng đã gọi chúng ta ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2,9).


SỰ TỰ CHỦ


Số 18:
“Ðức khiết tịnh đòi hỏi phải học biết tự chủ, để sống như một con người. Rõ ràng con người phải lựa chọn : hoặc chế ngự các đam mê và được bình an ; hoặc làm nô lệ chúng và trở nên bất hạnh” (GLTC 2339). Qua kinh nghiệm, mỗi người đều biết rằng, đức khiết tịnh đòi buộc phải từ bỏ những tư tưởng, lời nói và hành động mang tính chất tội lỗi mà Thánh Phaolô luôn nhắc nhớ chúng ta (x. Rm 1,18 ; 6,12-14 ; 1 Cr 6,9-11 ; 2 Cr 7,1 ; Gl 5, 16-23 ; Ep 4,17-24 ; 5,3-13 ; Cl 3,5-8; 1 Tx 4,1-18 ; 1 Tm 1,8-11 ; 4,12). Như thế cần có khả năng và thái độ tự chủ. Ðây là những dấu chỉ của sự tự do nội tâm, ý thức trách nhiệm với mình và với kẻ khác ; đồng thời cũng minh chứng con người đó có một lương tâm được đức tin giáo hóa. Sự tự chủ này đòi buộc con người phải tránh những cơ hội phạm tội và biết làm chủ những xung lực bản năng tự nhiên.


Số 19:
Nếu như gia đình đã có nền giáo dục tốt đẹp và thường khuyến khích con cái thực tập những nhân đức, thì việc giáo dục đức khiết tịnh sẽ dễ dàng và sẽ không gặp xung khắc nội tâm, cả những khi người trẻ gặp phải những hoàn cảnh rất tế nhị.


Ðối với một số người phải sống trong môi trường mà đức khiết tịnh bị tấn công và xem thường, sống khiết tịnh được coi như là một cuộc đấu tranh quyết liệt, đôi khi mang tính chất anh hùng. Nhưng với ân sủng của Ðức Kitô, Ðấng tuôn đổ tình yêu của mình xuống trên Hội Thánh như Hiền Thê, mọi người có thể sống khiết tịnh, cả khi phải sống trong những môi trường không thuận lợi.


Như Công Ðồng Vaticanô II tuyên bố : mọi người đều được mời gọi để nên thánh , điều này giúp chúng ta hiểu rằng, dù trong đời sống độc thân hay trong bậc hôn nhân, hoàn cảnh nào cũng có những hành động anh hùng. Ðiều này xảy ra cho từng người, cách này hay cách khác, trong thời gian dài hay vắng. Ðời sống hôn nhân cũng là con đường vui tươi và đòi hỏi phải có sự thánh thiện.


ÐỨC KHIẾT TỊNH TRONG ÐỜI SỐNG HÔN NHÂN


Số 20:
“Người có gia đình được mời gọi giữ đức khiết tịnh trong đời sống vợ chồng ; người độc thân giữ đức khiết tịnh khi sống tiết dục” (GLTC 2349). Cha mẹ biết rằng điều kiện hữu hiệu nhất cho việc giáo dục con cái sống tình yêu khiết tịnh và thánh thiện trong cuộc đời, đó là chính họ phải sống khiết tịnh trong đời sống hôn nhân. Có nghĩa là họ phải ý thức trong tình yêu của họ có tình yêu của Thiên Chúa hiện hữu và ý thức việc trao ban tính dục phải được thể hiện trong sự kính sợ Thiên Chúa và theo chương trình tình yêu của Người, với sự trung tín, tôn trọng và quảng đại đối với người phối ngẫu và đối với sự sống ; chỉ qua cách thức này hành động tính dục mới thực sự trở thành biểu tượng của “Caritas” (Tình Thương). Chính vì thế, ngay trong hôn nhân, người kitô hữu được mời gọi sống sự tận hiến này ngay trong liên hệ cá nhân của mình với Thiên Chúa – như là biểu tượng của đức tin và tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, cũng như với sự trung tín và sung mãn, đó là những điểm đặc thù của tình yêu Thiên Chúa.


Chỉ qua cách thức đó, con người mới có thể đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và chu toàn ý muốn của Người, mà các giới răn giúp chúng ta nhận ra. Không có tình yêu chân chính nào, trong hình thức cao đẹp nhất, mà lại không phải là tình yêu của Thiên Chúa. Yêu Chúa có nghĩa là tuân giữ lệnh truyền của Người: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15).


Số 21:
Ðể sống đức khiết tịnh, đàn ông cũng như đàn bà đều phải luôn được Thánh Thần hướng dẫn. “Trung tâm của linh đạo hôn nhân… là đức khiết tịnh. Ðức khiết tịnh không những được xem như nhân đức luân lý do tình yêu tạo thành, nhưng còn là nhân đức được liên kết với ân sủng của Chúa Thánh Thần – trước nhất là với hồng ân kính sợ Thiên Chúa (donum pietatis) xuất phát từ chính Thiên Chúa. Như thế, trật tự nội tại của đời sống hôn nhân, cho phép triển nở các biểu hiện tình thương theo mẫu mực và ý nghĩa của nó, trật tự đó chính là hoa trái không những của nhân đức mà đôi vợ chồng thực tập, nhưng còn là hoa trái của hồng ân Chúa Thánh Thần, Ðấng mà họ được phép cộng tác.


Mặt khác, cha mẹ nào xác tín rằng qua chính đời sống khiết tịnh và cố gắng của mình, họ là chứng nhân của sự thánh thiện trong đời thường, đó cũng là tiền đề và điều kiện cho việc giáo dục của ho đối với con cái, họ phải xem mọi cuộc tấn công vào nhân đức và đức khiết tịnh của con cái họ đều là những xúc phạm đến chính đời sống đức tin của mình và là nguy cơ làm nghèo nàn đi đời sống hiệp thông sự sống và hồng ân của họ (x. Ep 6,12).


GIÁO DỤC ÐỨC KHIẾT TỊNH


Số 22:
Giáo dục con cái để sống đức khiết tịnh cần phải đạt được 3 điểm sau :


a) phải gìn giữ trong gia đình bầu khí tích cực của tình yêu, đạo đức và biết tôn trọng hồng ân của Thiên Chúa, đặc biệt là hồng ân sự sống ;


b) dần dần giúp cho các em hiểu được giá trị của tính dục và khiết tịnh, khi nâng đỡ tuổi trưởng thành của họ lời nói, gương lành và cầu nguyện ;


c) giúp họ hiểu và khám phá ra ơn gọi cá nhân của mình cho hôn nhân hay cho đồng trinh tận hiến cho Nước Trời, bằng cách hài hòa xu hướng, tâm trạng và hồng ân riêng của Chúa Thánh Thần và luôn tôn trọng thiên hướng của họ.


Số 23:
Các nhà giáo dục khác có thể hỗ trợ cho cha mẹ chu toàn trách vụ này, nhưng họ không thể thay thế vị trí của cha mẹ được, dù có lý do thể lý hay tâm lý nặng nề đi nữa. Về điểm này Huấn Quyền đã trình bày rõ ràng trong liên hệ toàn bộ giáo dục cho trẻ em: “Vai trò giáo dục của cha mẹ hết sức quan trọng, đến nỗi, nếu thiếu sót, thì khó lòng bổ khuyết được. Thực vậy, chính cha mẹ có trách nhiệm tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng tôn kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để hỗ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân và xã hội. Do đó, gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể”. Giáo dục là bổn phận của cha mẹ, chỉ vì công trình giáo dục chỉ là việc tiếp tục sinh sản và là một sự ban tặng nhân tính, mà họ đã long trọng cam kết trong nghi thức hôn phối.


“Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và chủ yếu của con cái mình và họ cũng có một uy thế cơ bản trong lãnh vực này : họ là những nhà giáo dục bởi vì là cha mẹ. Họ chia sẻ sứ mạng giáo dục của họ với những người khác và những định chế khác, như Hội Thánh và Nhà Nước ; trong mọi trường hợp, phải làm sao để áp dụng cho đúng mức Nguyên Tắc Bổ Khuyết (principe de subsidiarité). Dựa theo nguyên tác này, mang lại cho cha mẹ một sự trợ giúp là điều chính đáng và thậm chí là một bổn phận, cho dầu vẫn phải tôn trọng lằn mức nội tại và không thể vượt qua đã được vạch ra di ưu thế của cha mẹ xét về quyền lợi và do những khả năng cụ thể của họ. Như vậy, nguyên tắc bổ khuyết là cốt để giúp cho tình yêu của cha mẹ bằng cách cùng góp phần vào thiện ích của hạt nhân gia đình. Thật ra, cha mẹ không đủ tầm cỡ để đơn phương đáp ứng tất cả những đòi buộc của trình tự giáo dục trong toàn bộ, đặc biệt trong những gì liên quan đến đức dục và đến ngành hội nhập xã hội là ngành rộng lớn. Sự bổ khuyết do đó làm cho tình cha và tình mẹ được trọn vẹn và tăng cường cho tính chất cơ bản của tình cha tình mẹ, bởi lẽ tất cả những người khác tham gia vào trình tự giáo dục đều chỉ có thể Hành Ðộng Nhân Danh Cha Mẹ và Với Sự Ưng Thuận Của Cha Mẹ và thậm chí trong một mức độ nào đó, Vì Họ Ðã Ðược Chính Cha Mẹ Giao Phó Cho Trọng Trách Này” (Thư Gia đình 16).


Số 24:
Như Ðức Thánh Cha trong lá thư gởi cho gia đình trình bày, đặc biệt về vấn đề tính dục và tình yêu chân thật có khả năng tự hiến, đôi khi chủ đích giáo dục phải đấu tranh với thứ văn hóa theo hướng duy nghiệm: “Sự phát triển của nền văn minh đương thời gắn liền với tiến bộ khoa học và kỷ thuật, thường đạt được theo hướng một chiều và bởi đó mang những đặc tính thuần túy DUY NGHIỆM. Như mọi người biết, chủ trương duy nghiệm sản sinh những hoa trái như là thuyết Bất Khả Tri (agnosticismus) trong các lãnh vực lý thuyết và thuyết Duy Lợi Ích (utilitarismus) trong các lãnh vực luân lý và thực hành… Thuyết Duy Lợi Ích là một nền văn minh sản xuất và hưởng thụ, một nền văn minh của các “sự vật” chớ không phải của các “ngôi vị”, một nền văn minh trong đó những ngôi vị bị sử dụng như thể người ta sử dụng những sự vật… Ðể xác tín điều này, chỉ cần xem xét một số chương trình giáo dục phái tính được đưa vào trong các nhà trường thường bất chấp ý kiến trái ngược và thậm chí bất cập những phản đối của rất nhiều phụ huynh” (Thư GÐ 13).


Trong những hoàn cảnh như thế, cha mẹ cần xem lại giáo huấn của Hội Thánh và nhờ sự trợ lực của Hội Thánh, nắm lại trách nhiệm của mình ; và nơi nào cần thiết và thấy có ích lợi, phụ huynh phải liên kết với nhau, đưa ra đường hướng giáo dục nhằm đề cao giá trị con người và tình yêu kitô giáo và qua những vị trí rõ rệt, họ có thể thắng được lý thuyết Duy lợi ích về mặt đạo đức. Ðể cho việc giáo dục thích ứng với những đòi hỏi khách quan của tình yêu chân chính, cha mẹ phải đảm nhận với chính trách nhiệm của mình một cách tự do.


Số 25: 
Về vấn đề chuẩn bị cho bậc hôn nhân, huấn quyền nhắc nhớ rằng trách nhiệm giáo dục này trước tiên phải là chuyện của gia đình. “Những thay đổi dồn dập trong lòng hầu hết các xã hội tân tiến đòi hỏi không những gia đình mà cả xã hội và Hội Thánh đều phải dấn thân vào nỗ lực chuẩn bị tương xứng cho các bạn trẻ, để họ có thể cáng đáng các trách nhiệm trong tương lai của họ” (FC 66).


Chính vì điều này mà việc giáo dục trong gia đình lại càng mang nhiều ý nghĩa ngay khi các em còn trong tuổi ngây thơ: “Việc chuẩn bị xa bắt đầu từ khi còn thơ ấu ; khoa sư phạm khôn ngoan của gia đình phải nhằm đưa đứa trẻ tới chỗ khám phá ra rằng mình được phú ban một tâm lý vừa phong phú, vừa phức tạp ; được phú ban một nhân cách đặc thù, với những sức mạnh cũng như những yếu đuối riêng của mình” (FC 66).


Chúng ta vào phần VI bao gồm các số từ 64 đến 111. Phần này nói về Các Giai Ðoạn Hiểu Biết ; chúng ta sẽ không dịch hết, nhưng chi duyệt sơ qua 4 điểm hướng dẫn và đi thẳng vào các Giai Ðoạn Chính Trong Quá Trình Phát Triển Của Trẻ Em. Ðây là phần cho các phụ huynh hơn.


Tài liệu đưa ra 4 nguyên tắc hướng dẫn về vấn đề tính dục :


1. Mỗi em bé là một cá nhân duy nhất và sẽ không có bản sao. Vì thế, mỗi em cần được giáo dục thích ứng tùy từng em (số 65).


2. Chiều kích luân lý là một phần giáo dục cần được giải thích (số 68).


3. Giáo dục đức khiết tịnh và những hướng dẫn cần thiết về tính dục cần phải nằm trong khung của giáo dục tình yêu (số 70).


4. Cha mẹ phải hướng dấn vấn đề này hết sức tế nhị, nhưng rõ ràng và vào đúng lúc cần thiết (số 75).


PHẦN II:


VI. CÁC GIAI ĐOẠN NHẬN THỨC


CÁC GIAI ÐOẠN CHÍNH TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ EM


Số 77:
Cha mẹ cần phải chú ý vào nhu cầu của các em rất khác biệt trong từng giai đoạn phát triển của chúng. Ý thức rằng mỗi em phải được giáo dục cá biệt, cha mẹ có thể thích ứng từng giai đoạn để dựa vào nhu cầu của từng em giáo dục về tình yêu.


1. Những năm tháng của tuổi ngây thơ


Số 78:
Khoảng độ 5 tuổi đến tuổi dậy thì – bắt đầu có những biến đổi thể xác nơi thanh niên, thiếu nữ (biểu hiện rõ rệt trong việc sản sinh các hormon tính dục) – người ta cho là các em đang trong tuổi “vô tội” theo như thuật ngữ của Ðức Gioan-Phaolô II. Cha mẹ đừng làm xáo trộn thời gian yên lặng và ngây thơ này của các em bằng những hướng dẫn tính dục. Trong những năm này, trước khi có những biểu hiện giới tính xuất hiện, thường các em chú tâm vào những lãnh vực sống khác. Tính dục sơ khai, mang tính bản năng ở các em bé chưa xuất đầu lộ diện. Vào tuổi này, bé trai, bé gái không chú tâm mấy vào các vấn đề tính dục và chỉ liên lạc với các em cùng giới.


Ðể đừng khuấy động giai đoạn tự nhiên cần thiết để lớn lên của các em, trong thời gian này cha mẹ chỉ có thể gián tiếp giáo dục tình yêu thanh khiết cho các em, để chuẩn bị cho tuổi dậy thì, lúc đó cần có sự giáo dục trực tiếp.


Số 79:
Thường trong thời gian phát triển này các em thấy thoải mái với thân xác và chức năng của thân xác. Các em chấp nhận sự khiêm tốn trong cách ăn mặc và trong thái độ hành xử. Mặc dù các em ý thức được sự khác biệt thể lý giữa hai phái tính, nhưng thường các em đang lớn không chú tâm vào cơ quan sinh dục và phận vụ của nó. Các thời gian giáo lý cũng như hướng dẫn vào Bí tích ở giáo xứ phải liên kết chặt chẽ vào những khám phá vũ trụ, tùy theo tuổi của các em, với những kinh nghiệm ở nhà cũng như trong trường học của các em.


Số 80:
Thời gian này của các em cũng có ý nghĩa trong quá trình phát triển thể lý – tính dục. Ðức bé đang lớn, con trai hay con gái, học hỏi nơi kinh nghiệm của các người lớn và qua kinh nghiệm của mình trong gia đình, sẽ hiểu thế nào là người đàn ông, thế nào là người đàn bà. Ðương nhiên chúng ta đừng ngăn cấm các em bé trai tỏ lộ những âu yếm và tình cảm tự nhiên, cũng như các hành vi mạnh bạo thể lý nơi các em gái. Mặt khác, cha mẹ, trong những xã hội quá bị lý tưởng đè nặng, cũng đừng rơi vào trạng thái đối nghịch, xác định con cái vào thế được gọi là “mẫu mực trách nhiệm”.


Cha mẹ không nên phủ nhận hay coi nhẹ sự khác biệt giới tính. Trong bầu khí thanh thản của gia đình, cha mẹ dạy cho con cái biết, đây là điều tự nhiên, sự khác biệt về giới tính thích ứng với những trách nhiệm khác nhau của người nam và người nữ trong gia đình.


Số 81:
Trong giai đoạn này, các em bé gái thường phát triển sự chú tâm của mình vào các em bé, về thiên chức làm mẹ và về nội trợ trong gia đình. Cha mẹ hãy cố gắng giúp các em biết nhìn vào mẫu gương thiên chức làm mẹ của Ðức Nữ Ðồng Trinh để nhận ra giá trị nữ tính đặc thù của mình.


Số 82:
Trong giai đoạn này, bé trai lại chậm phát triển hơn. Vào thời gian này, tốt nhất là tạo cho em một liên hệ tốt đẹp với người cha. Em phải học hỏi để biết rằng nam tính của em, được xem như quà tặng của Thiên Chúa, nhưng không mang dấu ấn nào trổi vượt hơn nữ tính, nhưng đó là một ơn gọi để đảm nhận những vai trò và trách nhiệm riêng. Cha mẹ phải ngăn chận đừng để bé trai phát triển tính hung hăng cũng như luôn muốn bộc lộ nam tính của mình bằng những hành động anh hùng.


Số 83:
Trong giai đoạn phát triển này của các em, có thể đưa ra những vấn đề liên quan đến luân lý và giới tính. Ngày nay trong nhiều xã hội, người ta đã hoạch định những chương trình nhằm hướng dẫn,tính dục thật sớm cho trẻ em.


Trong giai đoạn phát triển này, các em chưa đủ khả năng nắm bắt trọn vẹn ý nghĩa của giới tính. Chúng không thể hiểu hình ảnh về tính dục trong liên hệ với những luật lệ luân lý ; có nghĩa là, các em không thể nắm bắt các hướng dẫn về tính dục quá sớm cùng với trách nhiệm luân lý. Một hướng dẫn như thế có nguy cơ gây ấn tượng trên quá trình phát triển thế giới tình cảm và giáo dục của các em và khuấy động sự thanh thản tự nhiên của giai đoạn sống này. Phụ huynh phải thẳng thắn phủ nhận những thử nghiệm xúc phạm đến sự ngây thơ của các em, vì những thử nghiệm như vậy sẽ làm hại quá trình phát triển về mặt tinh thần, đạo đức và tình cảm của con người, những người này cần phải được lớn lên và có quyền trên chính sự ngây thơ vô tội của mình.


Số 84:
Một khó khăn khác lại xuất hiện, khi các em lãnh nhận những hướng dẫn đầu tiên về tính dục tư các phương tiện truyền thông hay do những em cùng lứa tuổi những lại được hướng dẫn sớm hơn và thường là lệch lạc. Trong những hoàn cảnh này, cha mẹ bắt buộc phải hướng dẫn cách tĩ mỉ có giới hạn về tính dục, thường là để sửa chữa những hướng dẫn lệch lạc hay kiểm soát thứ ngôn ngữ thô tục.


Số 85:
Trường hợp các em bé bị lạm dụng tình dục không phải là hiếm. Cha mẹ phải bảo vệ con em mình bằng cách dạy con tính đúng đắn và cẩn thận trước các người lạ và một sự hướng dẫn tính dục tương ứng, nhưng không đi vào chi tiết có thể làm cho các em xao xuyến hay sợ sệt.


Số 86:
Trong những năm tháng đầu đời cũng như trong tuổi thơ của các em, cha mẹ phải khuyến khích các em có tinh thần hợp tác, vâng phục, quảng đại và tập biết hy sinh, cũng như đòi buộc các em biết tự chủ và cao thượng. Ðây là điểm đặc thù của giai đoạn phát triển này là các em thích các hoạt động trí thức : việc sử dụng trí thức giúp các em đạt được sức mạnh và khả năng kiểm soát thực tại chung quanh – trong tương lai cả xung năng của thể xác – khi chuyển hóa tất cả thành những hoạt động trí thức và duy lý.


Trẻ em không được giáo dục và hư hỏng trong tương lai sẽ không được trưởng thành và rất yếu kém về mặt luân lý, chỉ vì khi một con người đã để cho thói quen ích kỷ và vô trật tự mọc rể trong con người của mình, thì sẽ gặp những khó khăn khi tiếp xúc với kẻ khác vì họ không đủ khả năng để chú tâm và kính trọng người khác. Cha mẹ phải đưa ra những tiêu chuẩn khách quan để nhận định cái gì là đúng, cái gì là sai và tạo nền tảng luân lý vững vàng cho các em.


2. Tuổi dậy thì


Số 87:
Tuổi dậy thì là giai đoạn đầu của tuổi thiếu niên ; đó là thời gian cha mẹ được mời gọi chú tâm để giáo dục con cái theo tinh thần kitô giáo : “Ðây là thời gian thiếu niên khám phá chính mình và thế giới nội tâm , thời gian của những dự trù quảng đại, thời gian nẩy nở tình yêu, với những xung lực sinh lý tính dục, thời gian khao khát sống chung, thời gian vui mừng đặc biệt, liên kết với sự khám phá say mê đời sống. Thường đây cũng là thời gian thiếu niên chất vấn những vấn đề sâu xa hơn, lo lắng tìm tòi, nhưng cũng xuất hiện sự nghi ngờ kẻ khác, co cụm lại ; đó cũng là tuổi cảm nghiệm những thất bại và cay đắng đầu tiên.


Số 88:
Cha mẹ phải chú ý đặc biệt những phát triển và biến đổi thân xác và tâm lý của con cái, những biến đổi này rất quyết định cho sự trưởng thành của con người. Cha mẹ không nên quá lo lắng, sợ sệt hay quá chăm sóc hơn thường ngày, nhưng họ cũng không nên để sự nhát đảm và tiện lợi gây ảnh hưởng. Ðương nhiên đây là giai đoạn quan trọng để giáo dục về giá trị đức khiết tịnh ; cách thức để hướng dẫn về tính dục cũng phải liên hệ đến giáo dục khiết tịnh. Trong giai đoạn này cha mẹ cần nói về cơ quan sinh dục, giải thích trên bình diện giá trị cũng như trên bình diện thực tế trọn vẹn. Ðiều này cũng cho thấy hướng dẫn của phụ huynh cũng phải liên kết với việc sinh sản, hôn nhân và gia đình, liên hệ mà cha mẹ phải luôn có trước mắt khi giảng dạy cho con cái về tính dục.


Số 89:
Bắt đầu từ những đổi thay mà thanh niên thiếu nữ cảm nghiệm trong thân xác của mình, cha mẹ giải thích cách tỉ mỉ về tính dục trong thân tình và bạn hữu, mỗi khi con gái tin tưởng ở người mẹ và con trai ở người cha. Nền tảng cho liên hệ thân tình và bạn hữu này phải cố gắng thiết đặt ngay từ đầu đời của các em.


Số 90:
Một nhiệm vụ quan trọng của cha mẹ là phải theo sát những phát triển sinh lý của con gái để giúp em vui vẻ đón nhận việc triển nở nữ tính về mặt thể xác, tâm hồn và tinh thần. Cũng phải nói với các em gái chu kỳ kinh nguyệt và ý nghĩa của hiện tượng này, nhưng không cần phải nói đến việc giao hợp, nếu như không bị chất vấn.


Số 91:
Cần phải giúp cho thanh niên hiểu được những giai đoạn phát triển thể lý và sinh lý của cơ quan sinh dục, trước khi chúng đi học hỏi những điều này nơi các bạn đồng lứa hay những con người không thích hợp. Cách trình bày các sự kiện sinh lý của tuổi dậy thì nam giới phải được nói với giọng điệu trang nghiêm, tích cực và dè dặt và phải luôn đặt trong khung hôn nhân – gia đình – quyền làm cha. Việc hướng dẫn cho thanh niên hay thiếu nữ bao gồm sự chỉ dẫn tương đối tỉ mỉ về những đặc tính thể lý và tâm lý của giới khác, đó là đối tượng các em rất tò mò muốn biết.


Trong lãnh vực này, cha mẹ cũng cần có những lời khuyên của bác sĩ hay của một nhà phân tâm, nhưng những hướng dẫn này không thể thay thế cho việc giáo dục đức tin và việc giáo hóa của linh mục.


Số 92:
Nhờ vào việc trao đổi chân tình và cởi mở, cha mẹ không những chuẩn bị cho cô con gái đối đầu những tình cảm lộn xộn, nhưng còn giúp họ hiểu được giá trị khiết tịnh đối với phái tính khác. Thanh niên, thiếu nữ cần phải được chỉ dạy để nhận ra điều cao đẹp của thiên chức làm mẹ và thực tế kỳ diệu của việc sinh sản cũng như ý nghĩa sâu xa của sự khiết trinh. Nhờ đó cha mẹ có thể giúp họ chống lại tâm trạng hưởng thụ, đặc biệt, ngăn cản họ rơi vào thói tục “chống thụ thai” rất phổ biến trong ngày hôm nay, mà các cô gái sau này phải đối mặt trong hôn nhân.


Số 93:
Trong thời gian dậy thì, sự phát triển tâm lý và tình cảm rất dễ đưa thiếu niên vào những tưởng tượng tình dục và các dỗ các em đi tìm kinh nghiệm tình dục. Cha mẹ phải gần gũi con trai của mình và sửa chữa xu hướng sử dụng tính dục theo chiều hưởng thụ và vật chất. Cha mẹ phải nhắc nhở cho con cái tính dục là quà tặng của Thiên Chúa, được lãnh nhận để con người hợp tác với Ngài “thực hiện trong lịch sử lời chúc lành của Thiên Chúa lúc khởi nguyên, thực hành bằng việc thông truyền hình ảnh Thiên Chúa từ người này sang người khác trong hành động truyền sinh” ; cha mẹ củng cố con cái và giúp ho ý thức rằng “việc có con là kết quả và là dấu chỉ của tình yêu vợ chồng là lời chứng sống động cho sự trao hiến trọn vẹn cho nhau giữa đôi bạn” (FC 28). Nhờ cách này, các thiếu niên học hỏi để biết tôn trọng phụ nữ. Hoạt động hướng dẫn và giáo dục của cha mẹ rất cần thiết, không phải chỉ để giúp con cái đừng hiểu sai các thực tại tính dục, nhưng còn giúp chúng hiểu biết theo quan niệm đúng đắn.


Số 94:
Cha mẹ phải thực hiện cách tích cực và khôn ngoan điều mà các giáo phụ của Công Ðồng Vaticanô II đòi hỏi : “Phải biết hợp thời và hợp cách giáo dục thanh thiếu niên về phẩm giá, phận sự và hành vi thể hiện tình vợ chồng, tốt nhất là trong khung cảnh gia đình. Nhờ vậy, một khi đã được rèn luyện để giữ đức khiết tịnh, đến tuổi thích hợp, họ có thể từ thời đính hôn đứng đắn tiến tới hôn nhân” (GS 49).


Việc hướng dẫn tích cực về tính dục phải được ghi nhận trong một chương trình giáo dục có đặc tính liên hệ đến kitô giáo, trong đó phải hướng dẫn về đời sống, hành vi tính dục, giải phẫu và vệ sinh. Chiều kích tinh thần và đạo đức phải có vị trí ưu tiên với hai mục đích đặc biệt như sau : trình bày các giới răn của Thiên Chúa như là con đường để đạt tới sự sống và giáo dục lương tâm ngay thẳng.


Ðức Giêsu trả lời cho anh thanh niên đến tìm Chúa để hỏi làm thế nào để đạt được sự sống đời đời : “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn” (Mt 19,17); sau khi lần lượt kể những điều liên hệ đến tình yêu tha nhân, Ðức Giêsu tóm tắt lại : “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình” (Mt 19,19). Việc trình bày các giới răn như là quà tặng của Thiên Chúa (được viết bằng chính ngón tay của Thiên Chúa, x. Xh 31,18) cũng như giao ước với Người, được Ðức Giêsu xác nhận bằng chính mẫu gương của Người, đó là điều quan trọng với thanh thiếu niên, để cho các em không tách biệt chúng khỏi đời sống nội tâm phong phú và giúp các em tránh được lối sống ích kỷ.


Số 95:
Như khởi điểm cho việc giáo dục lương tâm, các em cần phải được hiểu biết : chương trình tình yêu của Thiên Chúa dàng riêng cho từng người ; hiểu biết về ý nghĩa tích cực và giải thoát của các luật luân lý ; hiểu biết về sự dễ dàng sa ngã vì tội lỗi, cũng như về các phương tiện hồng ân củng cố con người trên bước đường tiến đến sự thiện hảo và cứu độ.


Công đồng Vaticanô II dạy : “Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người” (GS 16), “lương tâm hiện diện trong lòng người và ra lệnh đúng lúc cho con người làm lành lánh dữ. Lương tâm phán đoán các lựa chọn cụ thể bằng cách tán thành lựa chọn tốt, tố giác lực chọn xấu. Lương tâm chứng nhận thế giá của chân lý bằng cách quy chiếu về Thiên Chúa là sự thiện tối thượng, Ðấng thu hút và ban mệnh lệnh cho con người” (GLTC 1777).


“Lương tâm là một phán quyết của lý trí ; nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể mình định làm, đang làm hay đã làm, là tốt hay xấu” (GLTC 1778). Việc giáo dục lương tâm phải soi sáng rõ ràng chân lý và chương trình của Thiên Chúa ; người ta không được phép làm lẫn lộn với tình cảm chủ quan mơ hồ hay với ý kiến cá nhân của mình.


Số 96:
Khi trả lời các vấn nạn của con cái, cha mẹ phải đưa ra những luận cứ chắc chắn về giá trị cao cả của đức khiết tịnh và cho thấy sự yếu kém về mặt trí thức cũng như nhân bản của các lý thuyết đưa đến những thái độ hưởng thụ ; các câu trả lời của họ phải rõ ràng dễ hiểu, không cần phải nhấn mạnh quá đáng đến những vấn đề bệnh lý tính dục. Họ không được tạo cảm nghĩ lệch lạc về tính dục là điều gì xấu hổ hay dơ bẩn, chỉ vì tính dục là quà tặng của Thiên Chúa đặt để vào trong thân xác con người với khả năng sinh sản, giúp con người tham gia vào sức sáng tạo của Thiên Chúa. Hơn nữa, dựa vào Thánh Kinh (như Dc 1-8; Hs 2 ; Gr 3,1-3; Êd 23…) cũng như truyền thống thần bí kitô giáo, tình yêu vợ chồng luôn luôn là biểu trưng và là hình ảnh cho tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người.


Số 97:
Chỉ vì trong thời dậy thì , trai gái đều dễ bị rơi vào ảnh hưởng của tình cảm, cha mẹ có trách nhiệm, bằng đối thoại và bằng chính gương mẫu của mình, giúp cho con cái chống lại ảnh hưởng tiêu cực đến từ bên ngoài, có thể khiến chúng đánh giá thấp giáo dục kitô giáo về tình yêu và đức khiết tịnh. Ðôi khi, đặc biệt là trong các xã hội tiêu thụ, cha mẹ đừng qua nhấn mạnh, nhưng phải lo lắng đến liên hệ của con cái mình với những người khác phái tính. Cho dù xã hội có chấp nhận như thế, nhưng cũng có những lối nói và ăn mặc không đúng đắn về mặt đạo đức, chỉ để hạ thấp tính dục và biến tính dục thành đối tượng hưởng thụ. Cha mẹ phải dạy cho con cái giá trị tính đơn sơ kitô giáo, trong cách ăn mặc, sự tự do cần thiết đối với thời trang, những nét đặc thù của đàn ông hay đàn bà trưởng thành.


3. Tuổi thiếu niên trong chương trình sống


Số 98:
Trong quá trình phát triển nhân vị, tuổi thiếu niên là thời gian hoạch định cho bản thân và là thời gian khám phá về ơn gọi cá nhân của mình : một thời gian mà ngày nay – vì những lý do sinh lý cũng như động lực văn hóa xã hội – người ta cho là dài hơn so với thời quá khứ. Cha mẹ “phải đào tạo cho con cái bước vào đời sống để giúp cho mỗi người con biết chu toàn trọn vẹn bổn phận của mình tùy theo ơn gọi nó đã lãnh nhận từ Thiên Chúa” (FC 53). Ðây là trách nhiệm quan trọng nhất, là đỉnh cao của nhiệm vụ làm cha làm mẹ. Nếu là quan trọng, thì thời điểm này của con cái lại càng quan trọng hơn: “Trong đời sống của mỗi tín hữu, có những thời điểm thật đặc biệt và quyết định để nhận ra ơn gọi của Thiên Chúa. Trong những thời điểm đó, phải kể đến thời niên thiếu và thời trai trẻ”.


Số 99:
Ðiều rất quan trọng là không bao giờ để cho thiếu niên một mình đi tìm hiểu ơn gọi cá nhân của mình. Về điểm này, lời khuyên của cha mẹ và sự hỗ trợ của một vị linh mục hay những người được huấn luyện tưng xứng – trong nhà xứ, các hiệp hội, các phong trào mới và có hiệu quả của Hội Thánh – giúp cho các em khám phá lối sống và những hình thức khác về ơn gọi phổ quát để nên thánh, tất cả đều có ý nghĩa, vì lời mời gọi của Ðức Kitô “Hãy theo Thầy” có thể được thực hiện trên nhiều bước đường, mà các môn đệ và các nhân chứng của Ðấng Cứu độ đã đi.


Số 100:
Trong nhiều thế kỷ qua, quan niệm ơn gọi chỉ dành riêng cho đời linh mục và đời sống tu trì. Nhờ khám phá lại giáo lý của Chúa – “Anh em hãy hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5,48) – công đồng Vaticanô II đã canh tân lại lời mời phổ quát về việc nên thánh. Ðức Phaolô VI viết: “Lời mời gọi nên thánh có thể được xem như yếu tố đặc thù nhất của giáo huấn công đồng và như là cùng đích của công đồng”. Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nhấn mạnh lại lời kêu gọi nên thánh này như sau: “Công đồng Vaticanô II đã công bố điều quyết định nhất cho lời mời phổ quát phải nên thánh : người ta có thể khẳng định, đây là trách nhiệm quan trọng nhất của một công đồng muốn canh tân đời sống kitô hữu theo ý nghĩa Tin Mừng. Ðịnh hướng này không phải là một lời khuyên nhủ đạo đức, như là lời đòi buộc bất khả từ của mầu nhiệm Hội Thánh”.


Thiên Chúa mời gọi mọi người nên thánh và có chương trình riêng tư cho từng người : một ơn gọi cá nhân mà mỗi người phải nhận ra, đón nhận và phát huy. Lời của vị Thánh Tông Ðồ dân ngoại được áp dụng cho mọi tín hữu – linh mục cũng như giáo dân, người lập gia đình cũng như kẻ độc thân : “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3,12).


Số 101:
Như thế, giáo lý và giáo dục được giảng dạy trong và ngoài gia đình không bao giờ được thiếu sót lời huấn giáo của Hội Thánh về giá trị của đức khiết trinh và độc thân, và cả ý nghĩa ơn gọi về bậc sống gia đình, đối với một kitô hữu không bao giờ được xem như là chuyện bình thường của con người. Thánh Phaolô nói về vấn đề này : “Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,32). Việc chúng ta có thành công để giúp cho giới trẻ có được xác tín này, xác tín mang lại ý nghĩa siêu vượt cho sự tốt lành của Hội Thánh và nhân loại, đều tùy thuộc phần lớn vào cha mẹ và đời sống gia đình, mà họ vun đắp.


Số 102:
Cha mẹ phải luôn luôn cố gắng để đưa tỉ dụ và chứng cứ trong đời sống của mình về sự trung thành với Thiên Chúa và với nhau trong khế ước hôn nhân. Mẫu gương của họ sẽ gây rất nhiều ảnh hưởng cho thanh thiếu niên, vì đây là thời gian các em đi tìm các mẫu sống động và lôi kéo cho thái độ của mình. Ðây cũng là thời gian các em đưa ra những vấn đề liên hệ đến tính dục cách khẩn thiết nhất, cha mẹ phải cố gắng giúp các em yêu chuộng vẻ đẹp và sức mạnh của đức khiết tịnh. Với những lời khuyên bảo khôn ngoan, cha mẹ cũng giải thích cho các em biết, để có thể sống khiết tịnh, phải nhờ vào cầu nguyện và thường lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là xưng tội cá nhân. Thêm nữa, tùy theo nhu cầu cần thiết, cha mẹ cũng phải tích cực dạy dỗ cách rõ ràng những điều quan trọng của luân lý kitô giáo như sự bất khả phân ly của hôn nhân, liên hệ giữa tình yêu và sinh sản, cũng như phải nói về những ngăn cấm như liên hệ xác thịt trước hôn nhân, phá thai, ngừa thai và thủ dâm. Về các hành vi không đạo đức đi ngược lại ý nghĩa trao ban trong hôn nhân, cũng nên nhắc nhớ rằng “hai chiều kích trong kết hợp vợ chồng, sự kết hợp và sự sinh sản, không được phép tách rời cách nhân tạo mà không hủy hoại chân lý sâu xa của hành động hôn nhân”. Việc tìm hiểu và đào sâu các văn kiện Tòa Thánh chỉ dẫn về các vấn đề này cũng sẽ giúp ích nhiều cho cha mẹ.


Số 103:
Thủ Dâm là một hành động lệch lạc, bất hợp pháp tự bản chất, cho dù “sự chưa trưởng thành của tuổi thanh thiếu niên có thể kéo dài hơn tuổi này, sự mất quạn bình tâm lý hay thói quen có thể ảnh hưởng trên thái độ, gia giảm đặt tính mất tự do của hành động và, đứng về mặt chủ quan, hành động này không phải luôn luôn là một lỗi nặng”. Các thanh thiếu niên cần được người lớn giúp vượt qua những hành động sái trật tự này, thường lại là những biểu hiện bộc lộ những xung khắc nội tâm riêng tư của tuổi này, biểu hiện này có thể là một cái nhìn ích kỷ về tính dục, thu hẹp lại chính mình.


Số 104:
Một vấn đề đặc biệt có thể nẩy sinh trong quá trình trưởng thành và nhận định bản thân, đó là vấn đề Ðồng Tính Luyến Ái càng ngày càng phổ biến trong các xã hội đô thị hóa. Hiện tượng này phải được trình bày với một phán đoán quân bình, và dưới ánh sáng của các tài liệu của Hội Thánh. Thanh thiếu niên phải được giúp đỡ để có thể phân biệt được cái gì là bình thường và cái gì là bất bình thường, cái gì là lỗi chủ quan và cái gì là sái trật tự khách quan ; cần phải tránh những gì có thể gây cho các em có thái độ phủ nhận, mặt khác phải giúp các em định hướng cơ bản và bổ túc của tính dục là nhằm vào các thực tế của hôn nhân, của sinh sản và của khiết tịnh. “Ðồng tính luyến ái là những liên hệ giữa những người cảm thấy bị lôi cuốn tính dục với người đồng phái nhiều hơn với người khác phái. Ðồng tính luyến ái xuất hiện trong nhiều thời đại và văn hóa với nhiều hình thức khác nhau. Cho đến nay người ta vẫn chưa giải thích được nguyên nhân tâm thần của hiện tượng này” (GLTC 2357). Cần phải phân biệt xu hướng bẩm sinh và những hành động đồng tính luyến ái “tự bản chất là thác loạn” và “nghịch với luật tự nhiên”.


Nhiều trường hợp, đặc biệt khi việc thực hành đồng tính luyến ái chưa thành thói quen, có thể chữa trị cách tích cực theo phương pháp y học. Dù sao đi nữa, những người trong hoàn cảnh này cũng phải được người khác đón nhận với sự kính trọng và tế nhị, tránh mọi hình thức hạ giá họ cách bất công. Còn về cha mẹ, khi thấy xuất hiện những xu hướng hay những thái độ xu chiều như thế, lúc tuổi thơ hay tuổi thiếu niên, cần phải có sự giúp đỡ của những người chuyên môn và phẩm cách.


Ðối với phần đông những người đồng tính luyến ái, hoàn cảnh này là một thử thách cho họ : “Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống và, nếu là Kitô hữu, họ nên kết hợp các khó nhăn gặp phải do hoàn cảnh đặc biệt của mình với hy tế thập giá của Chúa” (GLTC 2358). “Những người đồng tính luyến ái cũng được mời gọi sống khiết tịnh” (GLTC 2359).


Số 105:
Việc hiểu biết ý nghĩa tích cực của tính dục đối với sự hòa hợp và phát triển cá nhân cũng như hướng vào ơn gọi của con người trong gia đình, xã hội và Hội Thánh luôn luôn liên hệ với nhau cách chặt chẽ, trong đó việc giáo dục phải theo từng giai đoạn phát triển của thanh thiếu niên. Người ta không nên quên rằng, một sự hưởng thụ tính dục sái trật tự có nguy cơ tác hại dần dần khả năng yêu thương của con người, khi con người xem sự thỏa mãn – thay vì là một quà tặng tự hiến – lại trở thành mục đích của tính dục và hạ thấp người khác trở thành đối tượng thỏa mãn cho riêng mình : với cách thức này con người làm suy yếu đi ý nghĩa của tình yêu chân thật giữa đàn ông và đàn bà – luôn luôn hướng về đời sống mới – cũng như ý nghĩa của gia đình, rồi từng bước một khinh rẻ đời sống con người, đời sống mới này đáng lý được đón nhận trong tình thương, nay bị xem như là điều xấu trong nhiều trường hợp có thể gây nguy hại cho sự thỏa mãn cá nhân. “Việc hạ thấp tính dục thuộc vào những động cơ chính yếu, có nguồn gốc coi nhẹ sự sống đang hình thành : chỉ có tình yêu chân thật mới biết bảo vệ sự sống”.


Số 106:
Người ta cũng phải nhớ rằng, trong những xã hội tiên tiến về mặt kinh tế, thanh thiếu niên chú tâm và thường bị lung lạc bởi những vấn đề đi tìm căn cước của mình, hoạch định chương trình sống cho đời mình và tìm hiểu toàn bộ về tính dục trong một nhân vị chín muồi và có định hướng, nhưng đôi khi cũng từ cách quan niệm về chính mình cũng như thân xác mình. Ngày nay có nhiều trung tâm chuyên môn và cố vấn cho thanh thiếu niên về vấn đề này, nhưng thường họ chỉ dẫn theo một quan niệm hưởng thụ mà thôi. Một văn hóa lành mạnh về thân xác, bắt đầu từ ý niệm đón nhận chính mình như quà tặng và như là tinh thần nhập thể được mời gọi để đón nhận Thiên Chúa và xã hội, luôn kèm theo giáo dục trong suốt thời gian này, sẽ có giá trị xây dựng lớn, nhưng không phải là không có nguy hiểm.


Trước những đề nghị của các nhóm mang tính hưởng thụ, đặc biệt trong các xã hội giàu có, phải cần trình bày cho thanh thiếu niên những lý tưởng liên đới nhân bản và kitô giáo và chỉ cho họ thấy những phương cách dẫn thân vào các hiệp hội và phong trào của Hội Thánh và những nhóm tình nguyện công giáo và truyền giáo.


Số 107:
Trong giai đoạn này, Tình Bạn rất quan trọng. Theo điều kiện và phong tục xã hội nơi các em sinh sống, tuổi thanh thiếu niên là một thời gian mà người trẻ được hưởng một sự tự do trong liên hệ của chúng đối với người khác đối với giờ giấc sinh hoạt trong gia đình. Dù không cần phải hạn hẹp sự tự do này, nhưng cha mẹ cũng phải nói “không” khi cần thiết ; đồng thời cũng phải gợi lên trong các em cảm nghiệm những gì là tốt, cao thượng và chân thật. Cha mẹ phải chú tâm đến việc đánh giá bản thân của các em, vì các em có thể phải trải qua một giai đoạn mù mờ, khi các em chưa thấy rõ được phẩm giá của mình và những đòi hỏi kèm theo.


Số 108:
Nhờ những lời khuyên nhủ thân tình và kiên nhẫn, cha mẹ có thể giúp các em thoát khỏi trạng thái khép kín vì tự tôn và dạy cho chúng, khi cần thiết phải lội ngược dòng để chống lại những khuynh hướng có nguy cơ làm chết nghẹt tình yêu chân chính và khinh rẻ các thực tại tinh thần. “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế. Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Ðấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Ðức Kitô. Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường” (1 Pr 5,8-10).


4. Hướng về tuổi trưởng thành


Số 109:
Chủ định của tài liệu này không phải là để nói về việc chuẩn bị gần và trực tiếp cho hôn nhân, đó là một đòi buộc của giáo dục kitô giáo mà Hội Thánh trình bày và đòi buộc khẩn thiết trong thời đại này. Dù vậy cũng nên ý thức rằng, trách nhiệm của cha mẹ không chấm dứt khi các con đạt tới tuổi trưởng thành, tuổi này rất thay đổi tùy theo môi trường văn hóa và luật định. Thời đoạn đặc biệt và có ý nghĩa trong cuộc đời của người trẻ là lúc họ bước vào đời lao động nghề nghiệp hay bước vào cấp đại học, khi phải chạm trán – đôi khi thô lỗ, nhưng nhiều lúc cũng hạnh phúc – với nhiều lỗi hạnh kiểm khác nhau và những hoàn cảnh xem ra một thách thức cá nhân.


Số 110:
Với những cuộc trao đổi đầy sự tín cẩn, đòi buộc phải có cảm tính trách nhiệm đồng thời phải tôn trọng sự tự do chính đáng và cần thiết của người trẻ, cha mẹ phải luôn là điểm tựa cho con cái nhờ các lời khuyên bảo và chính gương sống của mình, để cho các người trẻ, trong quá trình hội nhập vào xã hội có khả năng tìm được cá tính trưởng thành, nội tâm và xã hội. Cha mẹ phải lo lắng sao cho người trẻ đừng tách rời khỏi liên hệ đức tin với Hội Thánh và với những hoạt động của giáo hội địa phương, ngược lại còn gia tăng hơn nữa ; lo lắng để người trẻ biết chọn lựa những người thầy chân chính cho suy tư và đời sống tương lai của họ ; lo lắng đe người trẻ sẵn sàng dấn thân như một kitô hữu vào các lãnh vực văn hóa và xã hội, can đảm tuyên xưng đức tin, đừng đánh mất ý nghĩa ơn gọi của mình và đừng rời bỏ định hướng khi đi tìm nghề nghiệp của mình.


Trong thời gian người trẻ tiến đến việc hứa hôn hay là trong quyết định chọn lựa hướng lập gia đình, vai trò của cha mẹ không hạn hẹp trong việc đưa ra những ngăn cấm hay xác định người hứa hôn ; nhưng họ phải giúp cho người trẻ cân nhắc các điều kiện để xác định một liên hệ chính chắn và có nhiều hy vọng ; họ còn phải giúp cho người trẻ trong cuộc đời làm chứng được sự trung thành trong liên hệ với người khác phái.


Số 111:
Cha mẹ phải tránh thái độ rất phổ biến, theo đó người con gái được khuyên nhủ tuân giữ nhân đức và giá trị sự khiết trinh, trong khi đó người ta không đòi hỏi gì ở người con trai, làm như là con trai được phép tất cả.


Lời khuyến dụ của thánh Phaolô cho giáo đoàn Philípphê vẫn luôn có giá trị đối với lương tâm kitô giáo và với quan niệm về hôn nhân và gia đình với bất cứ ơn gọi nào : “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8).



BTGH

(Nguồn: Xuân Bích VN)
Share:
Được tạo bởi Blogger.

Thống kê

Top Menu

Theme Support